NGUYỄN TẤT TRUNG ĐỨA CON RƠI CỦA HỒ CHÍ MINH ( tác giả BÙI TÍN)
TRÍCH ĐOẠN :
Số phận con người:
Không thể bất công kéo dài đến vậy !
Bùi Tín

Cô Nông Thị Xuân, sau đổi là
Nguyễn Thị Xuân, sinh năm 1932, mất năm 1957. Chụp cuối năm 1956 tại
Hà Nội sau khi đẻ Nguyễn Tất Trung
«...trong các triều đình cộng sản, thật với giả, giả với thật cứ lộn
nhèo với nhau, nhiều chuyện khó tin nhất có khi lại là thật, có chuyện
ngỡ là của thiệt lại là của giả...»
"....Trên đây nói về ông Hồ Sĩ Tạo là người ông nội thật sự của ông Hồ
Chí Minh, về Vương Chí Nghĩa là em út cùng cha khác mẹ với ông Hồ Chí
Minh, về Thượng tọa Thích Chân Quang (Vương Chí Việt) là cháu gọi ông
Hồ Chí Minh là bác ruột, về cả chuyện ông Hoa Quốc Phong nay được biết
rõ là con cả theo huyết thống của Mao Trạch Đông... chỉ để nói đến
trường hợp anh Nguyễn Tất Trung.
Tất cả những sự thật trên đây đều bị chế độ cộng sản phủ nhận, đi với
những sự giả dối và bịa đặt bị cưỡng bức là sự thật. Chế độ độc quyền
đảng trị ép mọi người phải hiểu rằng ông nội của Hồ Chí Minh là Nguyễn
Sinh Nhậm chứ không phải là Hồ Sĩ Tạo, rằng ông Hồ chỉ có chị cả là cô
Thanh, có bí danh là Bạch Liên, người anh là ông Nguyễn Tất Khiêm, còn
gọi là ông Khơm, và em út là Xin chết sớm sau khi sinh vào năm 1904
(Mậu Tuất), chứ không có anh chị em nào khác.
Một trong những nạn nhân bi thảm kéo dài nhất của kiểu lừa dối trên đây
là anh Nguyễn Tất Trung, con của ông Hồ Chí Minh và cô Nông Thị Xuân,
một cô gái Tày quê ở làng Nà Mạ, xã Hồng Việt, huyện Hòa An, tỉnh Cao
Bằng. Cô được Trần Đăng Ninh, chủ nhiệm hậu cần quân đội chọn rồi đưa
về Hà Nội nhằm ''phục vụ'' ông Hồ. Cô được bộ công an của Trần Quốc
Hoàn quản lý, giấu tại ngôi nhà số 66 phố Hàng Bông thợ nhuộm, để hàng
tuần đưa vào phục vụ ông Hồ một hai đêm. Mối quan hệ ấy đưa đến kết quả
là cô Xuân cho ra đời vào cuối năm 1956 một cháu bé được ông Hồ đặt
tên là Nguyễn Tất Trung theo họ cũ của mình (Nguyễn Tất Thành).
Trần Quốc Hoàn nổi tiếng dâm loạn, đã nhiều lần cưỡng hiếp cô Xuân, bị
cô chống lại quyết liệt, có cô Vàng là em họ ở cùng phòng với cô Xuân
biết rõ. Nhiều lần con quỷ râu xanh này trói cô Xuân vào giường để
cưỡng hiếp, hắn còn đe dọa hai cô không được hé môi nói với ai, nhất là
không được bẩm báo ông Hồ. Hoàn còn giương súng ngắn đe nẹt hai cô
rằng: ''chúng mày liệu hồn, đến ông Hồ cũng nằm trong tay tao đây, hiểu
chưa?''. Thế rồi sau một cuộc cưỡng hiếp cực kỳ thô bạo, tên Hoàn sợ
rằng cô Xuân sẽ báo với ông Hồ, Hoàn liền dựng lên một tai nạn xe ô tô
trên đường đê gần làng Chèm vào tờ mờ sáng để thủ tiêu cô. Ông Nguyễn
Minh Cần lúc ấy là phó chủ tịch uỷ ban nhân dân Hà Nội đã biết rõ vụ án
mạng này, với những biên bản khám mổ tử thi của bệnh viện Việt - Đức.
Sau đó cô Vàng bị đuổi về Cao Bằng và ''chết đuối'' trong một nghi án
trên sông Bằng Giang; chồng chưa cưới của cô Vàng khẳng định hung thủ
là tay chân của Trần Quốc Hoàn, kẻ sát nhân muốn bịt hết kẽ hở về tội
ác của mình.
Những nạn nhân một cuộc án mạng giữa cung đình:
Cô Xuân, cô Vàng, anh thương binh nặng chồng chưa cưới của cô Vàng đều
là những nạn nhân của chế độ toàn trị giả đạo đức, hiện còn ngậm đắng
nuốt cay dưới suối vàng vì nỗi oan khiên của họ vẫn chưa được làm sáng
tỏ; bọn tội phạm bất nhân của một chính quyền đàn áp lấy công an làm
nòng cốt vẫn còn lộng hành.
Ở đây, lúc này, toàn xã hội ta cần đặc biệt chú trọng đến số phận, đến
nỗi oan khiên đeo đẳng một con người còn sống và gia đình anh, đó là
anh Nguyễn Tất Trung, đứa con không được thừa nhận của ông Hồ Chí Minh
và cô Nông Thị Xuân.


Vợ chồng Nguyễn Tất Trung và Lưu Thị Duyên viếng mộ tướng Chu Văn Tấn
Đã 51 năm nay, hơn nửa thế kỷ, anh Trung sống lay lắt về mặt pháp lý,
không có giấy khai sinh thật, không được nhận cha đẻ của mình, không
được nhận mẹ đẻ của mình,chưa được một lần thăm mộ và thắp hương trên
mộ mẹ; anh không được về quê hương bản quán quê nội cũng như quê ngoại
để nhận bà con họ hàng, không được biết, và dù biết cũng không được
nhận ai là ông bà, chú bác, anh chị em, con cháu ruột thịt của mình.
Cả cuộc đời anh và đời vợ con anh bị đặt trong thế bất công và phi lý,
không có một văn bản pháp lý nào quy định, sống không có căn cước thật,
bị xô đẩy, đưa qua chuyển lại tùy tiện theo ngẫu hứng của giòng đời.
Trung chỉ được yên ấm trong lòng mẹ Xuân và trong vòng tay êm ái của dì
Vàng có vài tháng ngắn ngủi, để rồi côi cút, cô đơn, không hiểu gì cho
rõ về cuộc đời mình. Ông Sao Đỏ - Nguyễn Lương Bằng - đưa bé Trung về
gia đình được vài tháng trong năm 1957, rồi giao lại cho gia đình tướng
Chu Văn Tấn [*] trên Thái Nguyên vài năm. Sau đó, các bà Hội phụ nữ
cứu quốc trung ương đưa chú bé vào trại mồ côi của Hội, rồi vào trường
Nguyễn Văn Trỗi dành cho con liệt sĩ.
Vào những năm 1967 - 1968, cậu bé Trung thông minh, nhanh nhẹn, bắt đầu
tìm hiểu thế giới xung quanh, cũng bắt đầu tò mò về căn cước thật của
mình, thì hai đợt ốm nặng ập đến, có lúc tưởng như không qua khỏi. Bóng
đen của tên ''lưu manh xứ Nghệ'' trở thành trùm công an cộng sản - quỷ
dâm ô Trần Quốc Hoàn lại hiện ra. Tên này lo sợ bị lật tẩy, đã dùng
thủ thuật an ninh cộng sản được thầy Tàu tiếp tay, cho cậu bé uống và
tiêm nhiều lần thuốc độc, thuốc lú, gây thần kinh hỗn loạn, khi quên
khi nhớ, có lúc như ngớ ngẩn, có khi ngồi thừ vô cảm hàng buổi, mất hẳn
sinh khí, như kẻ vô hồn. Ông Hồ mất vào tháng 9-1969 khi cậu Trung vừa
ra khỏi cơn ốm dài. Trước khi mất, ông chỉ mong được đi gặp Cụ Mác cụ
Lê, quên khuấy còn có đứa con bị bỏ rơi đang băn khoăn về lý lịch thật
của mình.
Cái may cho cậu Trung là sau khi ông Hồ mất, ông Vũ Kỳ, thư ký riêng
lâu năm (từ năm 1948) của ông Hồ đón Trung về gia đình, nhận Trung làm
con nuôi, coi như con đẻ của mình, đi học trường phổ thông Chu Văn An
cạnh Hồ Tây cùng 2 con ông là Vũ Quang và Vũ Vinh, cùng độ tuổi với
Trung. Đây là thời kỳ ổn định, ấm cúng nhất của anh Trung, nhưng bệnh
đau đầu dai dẳng không cho anh vào được trường Đại học. Ông Vũ Kỳ còn
quan tâm đến việc lập gia đình cho Trung, và đám cưới được tổ chức khi
anh 32 tuổi, vào năm 1988, với cô Lưu Thị Duyên, thuộc một gia đình
bình thường. Anh chị có một cháu trai kháu khỉnh, sinh năm 1992, đặt họ
và tên là Vũ Thanh, sau đổi là Nguyễn Thanh Trung, vì tuy Trung rất
quý ông Vũ Kỳ, nhưng vẫn nuôi ý muốn tìm trở về gốc gác thật của mình.
Trong xã hội Việt nam suốt nửa thế kỷ qua, không có một con người nào
sống trong tình trạng cay đắng đặc biệt như anh Trung. Anh bị mất quyền
được là mình. Anh luôn phải đeo chiếc mặt nạ. Anh không có cha thật,
mẹ thật, anh chị em thật của mình. Anh là người công dân lương thiện
cực hiếm trong xã hội không có căn cước thật. Anh không hề có một tội
nào dù là nhỏ nhất. Thắc mắc về cội nguồn, anh có chăng? biết hỏi ai
cho ra lẽ? Anh tự biết, nếu hỏi với người cai quản anh, có khi mang vạ
vào thân. Vì anh có thể lờ mờ hiểu rằng người đẻ ra anh có liên quan
đến nhiều vụ án mạng kinh khủng. Anh ngại, anh sợ. Nhiều người biết, và
họ thấy ở anh luôn có sự không bình thường; bệnh trầm cảm, phẫn chí,
lầm lì, tâm thần bất định... luôn bám chặt anh.
Thời minh bạch và hội nhập, sự giải thoát
Chúng ta hãy tưởng tượng nỗi hận đời trong lòng anh Nguyễn Tất Trung,
khi tâm trí anh đã trở lại gần như bình thường 5, 6 năm nay, như một số
anh em trong nước cho biết, sau khi ''thuốc lú '' độc ác đã tiêu tan
với thời gian. Bao nhiêu câu hỏi '' vì sao ? '', '' vì sao ? '' gậm
nhấm tâm hồn anh. Vì sao anh lại phải sống u ẩn, trong bóng tối mãi thế
này ? Vì sao mình lại không được là mình ? phải mang mặt nạ kỳ quặc
mãi thế này? Cái quý nhất của con người là căn cước riêng biệt để phân
biệt với mọi người khác đã bị tịch thu vĩnh viễn. Quyền cao quý nhất là
quyền được làm một con người, được là chính mình đã bị tước đoạt. Một
điều phi lý bất công anh có vẻ không sao hiểu và chịu nổi.

Nguyễn Tất Trung thăm hang Pắc Bó,
ngồi bên hòn đá, có ghi: Chủ tịch Hồ Chí Minh từng ngồi tại đây để dịch
cuốn Lịch sử đảng CS Liên Xô vào năm 1941 ở Hang Pắc Bó - Cao Bằng
(suối Lê Nin)
Vẫn chưa hết. Câu hỏi ai oán nhất làm anh đau xót là về mẹ anh. Anh chỉ
có một bức ảnh hơi mờ ảo về người mẹ xinh đẹp và hiền hậu của anh, đôi
mắt sáng mà dịu, hàm răng hé trắng, mái tóc bồng, áo len cụt tay tự
đan, ảnh quý chụp năm 1956 ngay sau khi sinh anh; nhưng còn thiếu cháy
bỏng những di vật có thể còn - bộ quần áo, chiếc gương, lược - , những
hiểu biết về ông bà ngoại, về họ hàng thân thuộc ở Nà Mạ hiện còn là
những ai để ngày nào đó anh sẽ đưa vợ con anh lên thăm. Nỗi ám ảnh lớn
là cái chết bi thảm của người mẹ yêu quý của anh đã diễn ra như thế nào
vào sáng 12-2-1957 ấy , vì sao? ai là thủ phạm? Mộ mẹ anh ở đâu sau
khi mổ tử thi ở bệnh viện Việt - Đức thì người ta mang chôn nơi nào? Có
ai chăm sóc nấm mộ thiêng ấy, bao giờ anh và vợ con anh được thăm
viếng? Lại còn cái chết bi đát của dì Vàng, mà vòng tay đã ôm ấp anh từ
những ngày trứng nước, có phải đã bị giết ngày 2-11-1957 rồi quẳng
xuống sông Bằng Giang? Phải chăng, như có người biết, anh vẫn gìn giữ
một phiên bản lá thư của anh thương binh chồng chưa cưới của cô Vàng
gửi ông Nguyễn Hữu Thọ Chủ tịch Quốc hội (đề ngày 29-7-1983) để quyết
tìm hiểu cho ra sự thật. Bức thư tuyệt mệnh này đã được gửi ra hải
ngoại và một bản sao đã được một người bạn chuyển cho anh. Có lần anh
đã mạnh dạn tìm đến nhà tướng Ngô Thế Nùng, em rể ông Hoàng Minh Chính
để cố hỏi dò về cái chết bi thảm của mẹ anh.
Việc thông tin công khai, nói lên đầy đủ sự thật về Nguyễn Tất Trung
nay đặt ra là đã chín muồi. Nỗi hận ấp ủ nửa thế kỷ đến hồi phải được
giải tỏa. Vì đất nước đang trong quá trình đổi mới không ai cưỡng lại
nổi, tính trong sáng, minh bạch đã được cam kết trước toàn dân và thế
giới.
Chia sẻ yêu thương
Trước hết những người có lương tâm và tình người trong xã hội ta dễ
thông cảm với anh Nguyễn Tất Trung và lòng khao khát của anh tìm hiểu
sự thật về mình, vượt lên số phận bất công phi lý do hoàn cảnh khe khắt
tạo nên, và sẵn sàng khuyến khích, tiếp sức cho anh bước vào cuộc đời
mới, có căn cước thật, được là chính mình.
Được biết anh Trung thường ngồi suy tư hàng giờ, và từng nói với bạn
rằng anh đã khóc cạn nước mắt về người mẹ quý yêu, rằng cuộc đời anh
chìm nổi tưởng là chết nhiều lần rồi, nay thì phải sống để biết những
điều cần biết...
Tôi cùng một số bạn mạnh dạn đưa câu chuyện về anh Trung và gia đình vì
thông cảm sâu sắc với hoàn cảnh của anh, trên trách nhiệm con người
đối với con người, không ai có quyền dửng dưng với một số phận éo le,
cô đơn, có vẻ bế tắc như thế, để tiếp sức nghị lực cho anh đứng dậy là
chính mình giữa thanh thiên bạch nhật. Anh rất ham tin tức trên đời,
hằng ngày đọc các bản tin trên mạng. Anh thông minh, tư duy đã hồi phục,
tự mình biết cách '' ra công khai '' như thế nào và từ đó làm chủ đời
mình, không cần ai chỉ vẽ, o ép.
Thật ra tôi đã có lòng cảm mến anh thanh niên Nguyễn Tất Trung từ gần
20 năm nay. Vào năm 1989 tôi hay ghé qua nhà ông Vũ Kỳ, khi ấy đang là
Giám đốc bảo tàng Hồ Chí Minh. Ông Kỳ và tôi lúc ấy rất không hài lòng
khi thấy họ xoá bỏ ba đoạn của di chúc ông Hồ Chí Minh, các đoạn nói
về: mở ngay cuộc kiểm điểm sau toàn thắng để phòng ngừa bệnh kiêu ngạo;
giảm một năm thuế nông nghiệp để '' thư dân ''; làm '' hỏa thiêu''.
Tôi đặt và đăng bài viết của ông Vũ Kỳ trên báo Nhân Dân Chủ nhật
phơi bày ba điểm ấy, buộc họ phải đưa ra Quốc hội, công bố lại ''toàn
bộ di chúc'', đưa công khai bản chụp nguyên si cả tập di chúc, ra nghị
quyết giảm thuế nông ngiệp 50% trong 2 năm. Ông Kỳ và tôi bị ban bí thư
lên án là vô kỷ luật, bị triệu tập đến ''làm việc với lãnh đạo'' ở số 4
Nguyễn Cảnh Chân, cứ như một phiên tòa. Sau đó tôi hay ghé chơi nhà
ông Kỳ, và gặp cả ba cháu Quang, Vinh và Trung ở đó. Quang và Vinh
người mập mạp như ông Kỳ, còn Trung thì gầy, cao, rất xinh trai. Vợ
Trung là cô Duyên cũng xinh, trắng, giản dị; hai vợ chồng đã ở riêng,
đang cố chữa bệnh để mong có con. Hai vợ chồng vẫn thường về thăm ông
Vũ kỳ và gia đình.
Tôi cũng được biết tháng 4-2005, khi ông Vũ Kỳ ốm nặng nằm trong bệnh
viện Việt - Xô sát bờ sông Hồng, Trung luôn thay phiên với Quang và
Vinh túc trực bên cạnh bố; khi ông Kỳ mất, Trung cũng mặc áo xô, chống
gậy, đội mũ rơm trong lễ tang.
Vì bị bệnh, học không đến nơi đến chốn, nên Trung khó kiếm việc làm. Có
lúc làm giữ kho, bảo vệ công xưởng. Khi sức khỏe khá, hai vợ chồng mở
quán cà-phê, ở sau ga Hàng Cỏ - Hà Nội, rồi dời về cổng trường Đại học
Bách khoa. Có lúc gia đình anh ở số nhà 31 phố Lê Thanh Nghị, có lúc ở
tại Phòng 102- Khu tập thể Ủy ban khoa học nhà nước trong ngõ Thịnh Hào
1. Lâu nay anh được tự do tiếp bè bạn hơn trước, không khí chung của
xã hội dễ thở hơn, tính công khai minh bạch và quyền tự do công dân
được khẳng định dần.
Trước đây, thế lực an ninh luôn vây bủa, kiềm chế cuộc sống của gia
đình Trung, kiểm tra mọi mối quan hệ, vừa đe dọa vừa mua chuộc. Gần
đây, kinh tế khá lên, họ cấp cho nhà khá rộng, rồi phong lên là sĩ quan
trong danh sách, nhận lương cấp 'thượng tá, cốt để vợ chồng tránh
những quan hệ xã hội rộng rãi khó kiểm soát.
Nhưng không gì quý hơn tự do, nhân phẩm của một con người. Con người
luôn nhận trách nhiệm với chính bản thân mình trước hết. Khi cuộc sống
anh Nguyễn Tất Trung khá lên, tiền không thiếu, có xe cộ khá sang thì
anh lại càng có vẻ băn khoăn thao thức; thì ra tiền không mua được sự
yên tĩnh của tâm hồn, anh có vẻ bứt rứt: tại sao cuộc đời che giấu,
mang mặt nạ mãi của anh lại không đến lúc chấm dứt, để anh được là anh
với căn cước chân thực đàng hoàng, sống tự do, thoải mái, hồn nhiên
trong quãng đời còn lại của mình.
Cả đại gia đình người Việt trong và ngoài nước sẽ hết lòng chia sẻ yêu
thương với anh và chị Duyên cùng gia đình và tận lực giúp anh, che chở
anh khi cần. Có kẻ sẽ lại vu cáo tôi là nói xấu chế độ, có âm mưu lật
đổ và phá hoại. Tôi chỉ có lòng dạ ngay thật, trọn vẹn với nhân dân,
kiên định niềm tin vững chãi rằng sự thật, chỉ có sự thật mới cứu vãn
được đất nước này khỏi sự dối trá, đạo đức giả và tội ác, xây dựng mối
quan hệ ngừơi với người là bạn, là anh chị em trên tình nghĩa đồng bào
thân thiết.
Không có bí mật quốc gia nào, không có danh dự của một phe đảng nào có
thể viện ra để chà đạp nhân thân, thủ tiêu căn cước thật, quyền làm
người trọn vẹn của một công dân sinh ra đã bình đẳng tuyệt đối với mọi
con người khác dưới ánh mặt trời.
Giáp Tết Mậu Tý 2008 " ( Trích đoạn )
Bùi Tín
[*] Thượng tướng Chu Văn Tấn người dân tộc Nùng ở Bắc Sơn, Tư lệnh kiêm
chính ủy Quân khu Việt Bắc, Phó chủ tịch Quốc hội, sinh năm 1910, mất
năm 1984, bị lột hết chức vụ năm 1978 vì '' tội'' làm gián điệp cho Tàu
không có xét xử; khi chết không được chôn ở Nghĩa trang Mai Dịch, mộ
trong ảnh ở Thái nguyên, mấy người đứng quanh là mật vụ công an luôn
theo dõi những người đến thăm mộ.
Bài liên quan :