Thứ Tư, 5 tháng 9, 2012

Công an Hà Nội lại tra tấn chết người

Mặc Lâm, biên tập viên RFA 2012-09-04

Công an Hà Nội lại tiếp tục đánh chết người dân trong lúc lấy khẩu cung của nạn nhân tại trụ sở công an.
Photo courtesy of vietbao.vn
Tang lễ nạn nhân Nguyễn Mậu Thuận bị công an Hà Nội đánh chết

Mặc dù những kẻ giết người đã bị bắt nhưng câu hỏi liệu bản án dành cho họ có công bằng hay không vẫn nhức nhối trong lòng nhiều người, nhất là gia đình nạn nhân.

Tải xuống âm thanh

Theo báo Người Lao Động loan tin ngày 31-8, Công an huyện Đông Anh Hà Nội đã khởi tố vụ án cố ý gây thương tích gây hậu quả chết người và tạm giữ 4 công an gây án  gồm: Hoàng Ngọc Tuyên, phó Ban CA xã Kim Nỗ; Nguyễn Trọng Kiên, Đoàn Văn Tuyến và Hoàng Ngọc Thức, tất cả đều là công an thuộc xã Kim Nỗ.
Bốn công an này đã trực tiếp gây ra cái chết cho ông Nguyễn Mậu Thuận thường trú tại xã Kim Nỗ, Đông Anh Hà Nội vào tối 30 tháng 8. Ông Thuận được người nhà đem thi hài về từ một bệnh viện với thương tích gây chấn động cho người xem qua bức ảnh đăng trên tờ Người Lao Động. Sự tra tấn dã man để lại những dấu vết mà lương tâm con người không thể làm ngơ nếu nhìn thấy bức hình này. Hai đùi của ông Thuận bị đập thâm tím như bị hoại tử, đùi trái có một vêt khâu dài gần hai gang tay bên cạnh đó người nhà nạn nhân cho biết ông bị đánh gãy nhiều xương sườn và những vết thương này hiện rõ trên thi hài của nạn nhân.

Người dân vẫn bức xúc

Luật sư Trần Đình Triển là người tham gia rất nhiều vụ án công an tra tấn đến chết người cho biết kinh nghiệm của ông:
Chúng tôi tham gia tố tụng để bào chữa cho các bị can bị cáo nên được biết rất nhiều trường họp khi bị bắt tạm giam, ra tòa họ tố cáo rằng họ bị bức cung nên bắt buộc phải ký lời cung như vậy. Thậm chí như vừa qua có một vụ ở thành phố Tuyên Quang mà tôi đang làm liên quan đến vụ việc chị Xuân, một bên là con nợ trốn không trả nợ mà lại bắt người đi đòi nợ và lại dùng nhục hình. Đã có bằng chứng của nhiều phạm nhân khác chứng kiến việc đó.
Ông Nguyễn Quang Phục cha ruột nạn nhân Nguyễn Quốc Bảo người bị công an quận Hai Bà Trưng đánh tới chết vào ngày 21 tháng 1 năm 2010 cho biết phản ứng của gia đình mình khi nghe tin về cái chết của người bị công an đánh:
Tôi là một trong những gia đình nạn nhân mà công an đã đánh chết con trai tôi. Tôi cực lực phản đối hành động bao che của chính quyền đối với lực lượng công an hiện nay.
Ông Nguyễn Quang Phục
Tôi là một trong những gia đình nạn nhân mà công an đã đánh chết con trai tôi. Tôi cực lực phản đối hành động bao che của chính quyền đối với lực lượng công an hiện nay. Cố tình che giấu, dung túng để cho họ giết người một cách dã man, Công an được nhà nước bao che để lộng hành, liên tục gây ra những tội ác khủng khiếp. Đánh chết người trong các trại giam, hay nhà tạm giam mà đấy là những người dân vô tội bắt nhầm rồi đánh chết người ta.
Mặc dù bốn viên công an trực tiếp tra tấn nạn nhân tại Kim Nỗ đã bị bắt giam chờ xử lý nhưng bức xúc của dư luận không vì thế mà lắng xuống, đặc biệt tại Hà Nội nơi trung tá công an Nguyễn Văn Ninh, trưởng công an Thịnh Liệt đã đánh chết ông Trịnh Xuân Tùng vào ngày 8 tháng 3 năm 2011 nhưng chỉ bị xử 4 năm tù giam, ngang với mức án của một vụ trộm cắp, làm gia đình nạn nhân không thể nguôi ngoai dẫn đến các đơn kiện tiếp theo sau vụ xử. Ông Nguyễn Quang Phục đơn cử trường hợp bao che tương tự của chính gia đình ông:
Kỳ vừa rồi Viện kiểm sát Nhân dân tối cao ra quyết định không khởi tố vụ án là đi trái với pháp luật. Hiện nay gia đình tôi vẫn đang tiếp tục khiếu kiện nhưng mà cho đến nay vẫn không thấy họ trả lời. Theo như gia đình tôi được biết và trên chứng cứ thực tế của nạn nhân thì tôi thấy rằng cơ quan công an Hà Nội đã dựng toàn bộ hiện trường giả gây nên cái chết của con tôi để vu khống cho con tôi và đồng thời bao che cho những kẻ phạm tội.

Lòng tin ngày càng mất đi

Công lý không được người thi hành coi trọng nên sự mất lòng tin của dân chúng vào cơ quan thi hành pháp luật là điều hiển nhiên. Những vụ án sát nhân do công an tra tấn vô cớ người bị bắt diễn ra liên tục nhưng chưa một vụ nào được xét xử bình đẳng trước dư luận khiến bức tranh mù mờ của pháp luật ngày một nhạt nhòa hơn.
Các nạn nhân chưa bao giờ lấy được sự trong sạch khi bộ máy công an dựng lên tất cả chứng cứ tại hiện trường chống lại họ nhằm che mắt dư luận. Điều ngạc nhiên là không ít cơ quan công tố lại bao che cho thủ phạm và đưa ra những quyết định khó thể chấp nhận nếu nhìn bằng lăng kính luật pháp.
Tôi đã đọc kỹ kết luận của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, tôi cho rằng đấy là một kết luận hoàn toàn sai trái và không căn cứ vào một chứng cứ nào cả.
Luật sư Trần Đình Triển
Viện Kiểm sát không thực hiện quyền kiểm sát như đã được hiến pháp giao phó mà trái lại cơ quan này nhiều lần trực tiếp dung túng kẻ phạm pháp với những kết luận không theo bất cứ bằng chứng hay lời khai của nhân chứng. Viện Kiểm sát chỉ dùng những bằng chứng được cơ quan điều tra của công an cung cấp vì vậy sự a tòng không thể không tính tới. Luật sư Trần Đình Triển cho biết nhận xét của ông về việc này:
Hầu như trường hợp nào tôi cũng có kiến nghị cả, thế nhưng nó đang đi vào một sự quên lãng. Một là quên lãng hai nữa là giải quyết không theo đúng trình tự quy định của luật khiếu tố khiếu nại hay của Bộ luật tố tụng hình sự dẫn đến việc có người bị mất, bị chết. Cũng như làng xóm hay công luận mất rất nhiều niềm tin vào phương pháp giải quyết đó. Họ kéo dài hàng năm không trả lời và nếu trả lời thì cuối cùng hầu như cho rằng nguyên nhân là tự sát hay ốm đau. Tôi lấy thí dụ trường hợp của anh Nhựt vừa qua. Tôi đã đọc kỹ kết luận của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, tôi cho rằng đấy là một kết luận hoàn toàn sai trái và không căn cứ vào một chứng cứ nào cả.

Bao giờ mới chấm dứt?

yume-250.jpg
Trưởng Công an xã Kim Nỗ - ông Nguyễn Đức Vọng. Photo courtesy of yume.vn
Những cái chết oan khuất do công an gây ra không thể xem là cá biệt của từng địa phương vì sự thật cho thấy nó xảy ra trên khắp nước, không tỉnh thành nào không có những cái chết như vậy. Điều này cho thấy pháp luật đang bị bịt mắt, không phải để thực hiện sự công bình mà để hoàn toàn không nhìn thấy kẻ phạm pháp đang được dung túng bao che từ chính cơ quan thực thi pháp luật. Luật sư Trần Đình Triển nhận xét: Sinh mạng của một con người đã được Hiến pháp quy định dù họ có vi phạm pháp luật thì họ chỉ bị hạn chế một phần nào quyền công dân nhưng họ vẫn có quyền con người, mà trong một xã hội thì quyền con người là quyền thiêng liêng nhất. Không thể chà đạp lên quyền con người, cái quyền được sống, quyền được mưu cầu hạnh phúc của họ mà trong những trường hợp như vậy thì chính các cơ quan thẩm quyền lại tìm mọi cách bao che, che dấu không đưa ra ánh sáng những việc đó dẫn đến việc mất niềm tin của dân.
Hình thức dùng nhục hình tra tấn để bức cung hay ép cung tuy không mới mẻ gì đối với nhiều nước, tuy nhiên nước nào càng tiến gần tới sự tôn trọng tự do dân chủ và nhân quyền thì hình thức tra tấn càng nhanh chóng bị thủ tiêu trong các nhà giam. Ở Việt Nam sự tra tấn đã trở thành quen thuộc đối với cơ quan điều tra và chính điều này dẫn tới những cá nhân hay phong trào đòi hỏi dân chủ nhân quyền ngày một có cớ để dâng cao.
Dù chính quyền cố gắng che giấu tới đâu thì tiếng gào thét của gia đình nạn nhân cũng vọng tới tai cộng đồng thế giới bởi hệ thống thông tin nhanh nhạy hiện nay.
Cách mà Tòa án tiếp tay với chính quyền bao che cho các thủ phạm trong ngành công an cho thấy quyền lực của hành pháp đang bao trùm tất cả. Từ đó công luận cho rằng nếu thực tâm đổi mới theo như Nghị quyết của Trung ương Đảng thì động thái làm sạch ngành công can có lẽ là việc cần làm trước tiên. Phải làm ngay vì khi tay người thi hành công vụ đã trực tiếp hay gián tiếp dính máu thường dân thì không nghị quyết nào của đảng sẽ còn giá trị.