Sưa cổ thụ và đá quý trong vườn ngài bí thư |
Thời gian gần đây người dân ở xã Ninh Thành, huyện Ninh Giang - Hải Dương đang đồn thổi nhau và không tiếc lời khen ngợi, ngưỡng mộ đối với độ hoành tráng và kiến trúc tuyệt đẹp của khu nhà vườn trên diện tích đất hơn 5.000 m2 được người dân địa phương xác định là của gia đình ông Bùi Thanh Quyến - Bí thư tỉnh Hải Dương.
Sưa cổ thụ và đá quý trong vườn ngài bí thư |
Khu nhà vườn này tọa lạc ở một vùng quê nghèo của huyện Ninh Giang - Hải Dương nhưng không vì thế mà nó thiếu đi những nét đặc trưng của một khu nhà vườn hiện đại, ngược lại khu nhà này đã được thiết kế thành một quần thể nhà vườn hoành tráng với những kiến trúc lạ mắt những sẽ khiến cho những ai lần đầu đến đây phải ngỡ ngàng.
Khu nhà đang xây dựng của ông Bùi Thanh Quyến ở thôn Đông Tân
- xã Ninh Thành - Ninh Giang - Hải Dương
|
Từ thông tin phản ánh qua đường dây nóng của người dân xã Ninh Thành
(huyện Ninh Giang - tỉnh Hải Dương) có nội dung: Công trình nhà vườn có
diện tích khoảng hơn 5.000 m2 ở thôn Đông Tân (xã Ninh Thành) đang tiến
hành xây dựng trên đất nông nghiệp trái phép (đất chưa được chuyển đổi)?
Và cũng theo phản ánh của người dân thì khu nhà vườn đang xây dựng trên
diện tích đất thuộc sở hữu của gia đình ông Bùi Thanh Quyến – Bí thư
Tỉnh ủy Hải Dương?
Phóng viên đã về thôn Đông Tân, xã Ninh Thành (Ninh Giang - Hải Dương) để xác minh thông tin này.
Khối "tài sản kếch xù" trong khu nhà vườn
Khi chúng tôi có mặt tại đây, điều dễ dàng nhận thấy đó là những tiếng
nổ của các loại máy cẩu, máy xây dựng công trình nơi được coi như một
"đại công trường" đang thi công.
Đi từ con đường trải bê tông dẫn vào làng hiện ra một “tư dinh” rất
hoành tráng bởi hệ thống tường rào được xây kiên cố cao chừng 3m cùng
một hàng cây xanh nhấp nhô chạy song song sát bên tường.
Vào bên trong khu nhà vườn đang xây dựng này thực sự khiến chúng tôi bị
“choáng ngợp” trước những gì được “mắt thấy tai nghe”. Và chính xác hơn,
nó giống như một khu nghỉ dưỡng sinh thái lý tưởng ở những khu du lịch
nổi tiếng.
Cung điện của hoàng đế nào đây? |
Theo điều tra của phóng viên và thông tin của một số người dân địa
phương, công nhân xây dựng ở đây cho biết, toàn bộ khuôn viên khu nhà
vườn này có tổng diện tích khoảng trên 5.000 m2 bao gồm một ngôi nhà 3
tầng (1 tầng hầm và 2 tầng nổi) được thiết kế theo phong cách hiện đại
và khác lạ (tức là, ngoài tầng hầm và tầng 1 được xây bình thường thì
tầng 2 của ngôi nhà sẽ được làm hoàn toàn bằng gỗ, mái cong hình mái
chùa); hệ thống dẫn nước đến 2 hòn non bộ "khổng lồ" bằng đá xanh được
thiết kế công phu, đẹp mắt để điều hòa sinh thái cho khu nhà; một "rừng"
cây cảnh thuộc dạng quý hiếm cũng khiến mọi người phải ao ước được sở
hữu…
Những tảng đá lớn nầy móc từ hòn núi nào? |
Theo chỉ dẫn của những người thợ xây dựng ở đây, tầng hầm nằm sâu dưới
lòng đất khoảng 3m. Theo sơ đồ thiết kế hệ thống phòng sẽ có 4 phòng nhỏ
và 1 phòng lớn, trong đó có 3 phòng ngủ, 1 phòng khách và 1 phòng hát?
Cũng theo những người công nhân xây dựng ở đây cho biết, từ khởi công
đến khi hoàn thành, chủ nhà phải bỏ ra một khoản tiền lớn cho phần chi
phí xây dựng. Chưa hết, để trang trí cho ngôi nhà này, trong bản thiết
kế xây dựng còn được ốp lát bằng các loại gỗ quý và ước tính cũng phải
"ngốn" hết khoản tiền không nhỏ.
Như vậy, nếu các thông tin mà những người công nhân này cận kề với giá
trị thực và chỉ nhẩm tính thì chi phí xây dựng ngôi nhà sẽ là một con số
không hề nhỏ chút nào...?
Tầng 1 của ngôi nhà |
Sự kỳ công, đắt đỏ của khu nhà vườn này còn phải kể đến một hệ thống
đường dẫn nước từ bên ngoài vào rồi cung cấp cho các hòn non bộ "khổng
lồ" ở trước và sau khu nhà, góp phần tô điểm cho khuôn viên của khu nhà
vườn thêm lộng lẫy. Theo những người thợ tại đây, những loại đá xanh, đá
đỏ quý được đưa từ vùng đất Ninh Bình, Thanh Hóa và một số nơi khác về.
Theo tìm hiểu của PV, và thông tin của những công nhân xây dựng ở đây
cho biết: toàn bộ các loại đá được đưa về đây, giá trị của chúng cũng
lên đến con số rất 'khủng'.
Cây cổ thụ nầy từ đâu ra nếu không từ rừng già? |
Trong đó, riêng tổ hợp hòn non bộ ở phía sau nhà cũng không kém đắt
tiền. "Chi phí để mua các loại đá về cũng hết khá nhiều tiền, nhưng đắt
nhất là loại đá đỏ được đặt ở cổng chính vào và một hòn khác ở trên đồi"
- ông K, một công nhân xây dựng ở đây cho biết.
Và "rừng" cây, gỗ quý...
Tất cả những con số trên là những điều có thể đánh giá được bằng phép
tính đơn giản, nhưng những cây xanh quý hiếm được coi là "tài sản" vô
giá trong khu vườn này.
Đá và cây bứng từ rừng về? |
Đó là một "rừng" cây, gỗ quý được trồng ngay hàng, thẳng lối để "trang
điểm" cho khu nhà vườn này như: cây sưa hàng trăm năm tuổi, tùng la hán,
gốc thị lâu năm... và một số cây quý có nguồn gốc từ nước ngoài.
Đặc biệt là sự có mặt của gốc sưa hơn 1 vòng tay người ôm và cây tùng la
hán ước tính khoảng vài trăm năm tuổi. Theo như đánh giá của những nghệ
nhân, những chuyên gia về cây thì có thể những loại cây kể trên có giá
trị một vài trăm triệu cho đến vài tỷ, thậm chí có những cây đặc biệt
quý có thể có giá vài chục tỷ...
Khu vườn đá quý trên cánh đồng lúa |
"Nói chung cây cảnh là vô giá và nó phụ thuộc vào sở thích của mỗi người
nên đắt hay rẻ cũng khó nói lắm. Nhưng ở đây có hai cây có giá vài tỷ
đồng là cây tùng la hán ở phía trước nhà và cây sưa.
Vào thời điểm đắt nhất, năm 2010, thì cây tùng la hán có giá rất cao,
cây sưa ở trên đồi kia đâu như cũng có giá phải tính bằng đô (USD). Còn
lại những cây khác thì giá vô vàn lắm..." - ông K chỉ tay về hướng cây
sưa ở trên đồi (đồi nhân tạo trong khu nhà vườn) nói.
Cán bộ UBND đi nghỉ mát vào ngày làm việc?
Khi PV đến UBND xã Ninh Thành (ngày 16/5) để liên hệ công tác báo chí và
xác minh nguồn gốc đất như theo phản ánh của người dân thì ông Vũ Thành
Lượng Chủ tịch UBND xã Ninh Thành từ chối không hợp tác: "Chủ tịch đi
vắng không tiếp được".
Trong khi đó, ông chủ tịch xã vẫn ngồi chễm chệ trong phòng kế toán?
Thậm chí, ông chủ tịch xã còn tuôn ra những ngôn ngữ hơi khiếm nhã và
"lệnh" cho CA xã "mời" PV ra khỏi ủy ban.
Trước đó, thứ 2, ngày 14/5, phóng viên đã điện thoại để đặt lịch làm
việc với UBND xã nhưng điện thoại bàn Văn phòng ủy ban chỉ có chuông và
không ai nhấc máy. Sau đó, PV tiếp tục điện thoại cho ông Vũ Thành Lượng
Chủ tịch xã nhưng đầu dây bên kia chỉ tiếng thuê bao hiện giờ không
liên lạc được?
Theo ông Nguyễn Văn Kiệt Chánh Văn phòng UBND xã Ninh Thành cho biết: "Hôm đó (14/5), chúng tôi đang đi du lịch ở Huế?".
Qua nhiều lần liên lạc bằng điện thoại, phóng viên đã gặp được ông Bùi
Thanh Quyến. Trao đổi với PV, ông Bùi Thanh Quyến, Bí thư tỉnh ủy Hải
Dương đã khẳng định: Thông tin về việc ông xây nhà trên đất nông nghiệp
(đất chưa chuyển đổi) là không chính xác.
"Khu đất này đã được mua của các hộ dân ở địa phương và cách đây gần
chục năm, đây là đất đã được chuyển đổi, hợp pháp..."_Ông Quyến xác
nhận.