Trần Minh Thảo
Dưới
đầu đề như đã thấy, tác giả muốn phân tích một số hệ quả đáng lo ngại
do việc duy trì chế độ công hữu dẫn tới. Chúng tôi xin đăng lên để các
chuyên viên chính sách của Nhà nước đang chuản bị dự thảo Hiến pháp sửa
đổi cân nhắc mọi mặt lợi hại, và bạn đọc xa gần rộng đường tham khảo.
Bauxite Việt Nam
|
Đối
lập với sỡ hữu tư nhân - là yếu tính của chủ nghĩa tự do tư sản - là sở
hữu toàn dân, sở hữu công, sở hữu nhà nước...
Nói theo cách bình dân về
sở hữu công (công hữu) thì thành ngữ sau đây diễn tả được bản chất của
chế độ công hữu: “đất của vua, chùa của Phật”. Thực nghĩa của thành ngữ
ấy phải được hiểu: chùa hay Phật cũng là của vua vì đất là của vua rồi.
Nâng “đất” thành “lãnh thổ” thì quả thật trời, đất, rừng, biển, thánh,
thần, Phật, Chúa, người dân, trường học, bệnh viện, cầu đường… trên đất
của vua là tài sản của vua và tập đoàn cai trị (chẳng hạn chế độ quân
chủ Nho trị ở Á đông ngày trước). Đảng cộng sản cai trị, lãnh đạo đất
nước thì có gì trên lãnh thổ Việt nam không phải là của đảng? Người dân
được học hành, chữa bệnh, đi lại, ăn ngủ… là được hưởng ân huệ của vua,
của đảng. Người dân đòi quyền làm chủ đất đai (rộng ra là lãnh thổ), là
làm đảo lộn chế độ sở hữu, tất yếu là phản động, chống đảng (chống vua)!
1/Nền tảng của chế độ XHCN là công hữu?
Dư
luận xã hội ngạc nhiên về sự im lặng khó hiểu của lãnh đạo đảng CSVN về
biến cố Đoàn Văn Vươn. Ông Thủ tướng có lên tiếng nhưng với tư cách
người đứng đầu Chính phủ. Sự im lặng đáng kinh ngạc của lãnh đạo đảng
cho thấy về đường lối, quan điểm, lập trường, định hướng cách mạng thì
cách xử lý của Hải Phòng không có gì sai kể cả trong thời gian có cuộc
vận động chỉnh đốn đảng. Phải chăng cách hành xử của đảng, chính quyền
Tiên lãng, Hải Phòng không có gì sai với chế độ (công hữu), là tích cực
bảo vệ chế độ?
Huấn thị của ông Thứ trưởng Bộ
Thông tin và Truyền thông (TTTT) trong Hội nghị cán bộ báo chí toàn quốc
tổ chức ngày 30/3/2012 tại tỉnh Quảng Ninh đã bạch hóa nhận thức, chủ
trương của đảng và nhà nước về biến cố Đoàn Văn Vươn. Nói ‘Nhận thức,
chủ trương của đảng’ vì trước khi đọc báo cáo tại một hội nghị quan
trọng như vậy, ông Thứ trưởng phải trình và được lãnh đạo đảng phê duyệt
nội dung huấn thị: “Có bài báo, tờ báo thông tin sai sự thật, thiếu
kiểm chứng, không khách quan, mang tính một chiều. Đơn cử, liên quan vụ
cưỡng chế, thu hồi đất ở Tiên Lãng (Hải Phòng) mặc dù đã được Ban Tuyên
giáo Trung ương và Bộ Thông tin và Truyền thông 4 lần nhắc nhở, định
hướng nhưng có một số tờ báo vẫn thông tin dồn dập, quá liều lượng cần
thiết, mất cân đối với những vấn đề quan trọng khác của đất nước. Đáng
lưu ý, trong khi nhấn mạnh sai phạm của chính quyền ở Tiên Lãng, Hải
Phòng, lại thông tin “nương nhẹ” về những vi phạm, sai phạm của ông Đoàn
Văn Vươn theo kết luận của Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan
chức năng. Một số báo thông tin, bình luận có tính suy diễn, cho rằng, gốc của vấn đề, vụ việc là do sở hữu toàn dân về đất đai trong
khi thực ra, nguyên nhân chủ yếu do nhận thức, thực hiện sai các quy
định pháp luật đất đai về cho thuê đất, thu hồi đất, cưỡng chế đất cũng
như do các quy định về quản lý đất đai thiếu đồng bộ, chồng chéo, phức
tạp” (http://www.vietnamplus.vn/Home/Toan-van-Bao-cao-Danh-gia-Cong-tac-Bao-chi-2011/20123/133477.vnplus ).
Phần
nêu bật trong đoạn trích cho thấy nhận định về nguyên nhân sâu xa gây
ra biến cố Đoàn Văn Vươn là chế độ công hữu đất đai đã đụng đến ‘vảy
ngược con rồng đảng’, là ‘rất phản động, chống đảng, chống chế độ’.
Trả lời phỏng vấn báo nước ngoài về cải cách doanh nghiệp nhà nước, ông Thủ tướng khẳng định: “Chúng
tôi sẽ xác định vai trò và chức năng của các doanh nghiệp quốc doanh
trong nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa”; “sẽ chỉ giữ lại một số
doanh nghiệp nhà nước then chốt ở một số ngành nhất định”. (http://vneconomy.vn/2012040304296781P0C9920/thu-tuong-se-chi-giu-lai-mot-so-doanh-nghiep-nha-nuoc.htm/).
Ông Thủ tướng cho thấy nếu không có ‘doanh nghiệp nhà nước’ (tức là sở
hữu công) thì không còn ‘định hướng XHCN’ hay như một số đảng viên trung
kiên khẳng định: không có kinh tế quốc doanh (sở hữu công) chủ đạo thì
không thể có chủ nghĩa xã hội (Mác-Lênin). Nói như ông Thủ tướng thì các
đối tác đang thương nghị về TPP (hiệp định đối tác xuyên Thái Bình
Dương) phải hiểu là Việt nam có thể không gia nhập TPP chứ không thể
không ‘định hướng XHCN’. Ai đang hoài nghi đảng CSVN chọn ai, Trung Quốc
hay phương Tây đều hiểu đảng đã chọn phương nào.
Trở
lại biến cố Đoàn Văn Vươn, nhiều ý kiến không đồng tình với thông cáo
báo chí (TCBC) của lãnh đạo Hải Phòng về việc xử lý vụ Đoàn Văn Vươn
theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ (http://haiphong.gov.vn/Portal/Detail.aspx?Organization=UBNDTP&MenuID=170&ContentID=26469).
Phải hiểu TCBC thế nào? Theo tôi, TCBC của Hải Phòng chỉ là việc tái
khẳng định ‘ai là chủ, ai là tớ’, là bản minh định với lãnh đạo đảng về
sự trung thành với chế độ công hữu, định hướng XHCN, vững vàng quan điểm
lập trường cách mạng, không thoái hóa biến chất (tán thành tư hữu), có
sai luật nhưng giữ được bản chất của chế độ.
Ông
Thủ tướng nói vẫn giữ doanh nghiệp quốc doanh, ông Thứ trưởng TTTT
không cho sở hữu toàn dân (công hữu) là nguồn gốc của bạo loạn (khởi
nghĩa?) nông dân, đảng Hải Phòng buộc trọng tội cho gia tộc Đoàn văn
Vươn là có cùng nền tảng tư tưởng: công hữu là nền tảng, bản chất, chỉ
dấu của chủ nghĩa xã hội. Không được đụng đến bản chất của chế độ chính
trị: công hữu tài sản hay sở hữu toàn dân, sở hữu nhà nước. Đối với ba
triệu đảng viên thì thứ gì quý nhất: ‘đất của vua’ (sở hữu công) hay bản
thân ông vua (chủ nghĩa xã hội)? Nếu có một thứ chủ nghĩa xã hội không
sở hữu công thì đảng viên chọn thứ nào?
2/ Công hữu (sở hữu toàn dân) tất yếu dẫn đến... vô chính phủ ([1])?
Có thể đặt câu hỏi cách khác: Chỉnh đốn đảng vì nhà nước pháp quyền hay vì chế độ sở hữu?
Vì
nhà nước pháp quyền thì hiểu nôm na nhà nước là trọng tài hòa giải các
tranh chấp trong xã hội. Vì chế độ (sở hữu) thì hiểu nôm na nhà nước là
một bên của các tranh chấp. Nhà nước có vũ trang với quân đội, công an,
cảnh sát, tòa án, nhà tù với hệ thống chính trị đồ sộ lại đi tranh chấp
quyền sở hữu với dân thì ai được, ai mất?
Nghe
nói việc sửa đổi Hiến pháp lần này sẽ làm rõ các vấn đề nhà nước pháp
quyền, quyền và nghĩa vụ của công dân, vai trò lãnh đạo của đảng. Dư
luận nêu câu hỏi: Lợi ích nào phục tùng lợi ích nào trong hiến pháp đổi
mới? Câu trả lời đã có rồi: “sinh mệnh của Đảng và sự tồn vong của chế độ”. Trên cả hiến pháp, luật lệ,
kỷ cương, chủ quyền quốc gia, sinh mệnh của nhân dân… là sinh mệnh của
đảng và sự tồn vong của chế độ (Tin về việc cảnh sát biển ra Hoàng Sa
cứu ngư dân gặp nạn làm nức lòng người nhưng dư luận vẫn cứ bán tín bán
nghi về thỏa thuận ‘đánh trận giả’ giữa anh em với nhau).
Tại sao ‘công hữu’ tất yếu dân đến ‘vô chính phủ’?
Vì
lợi ích tối cao là sự tồn vong của chế độ (công hữu hay sở hữu của tầng
lớp cai trị) mà có ý kiến cho là lợi ích phe nhóm (nhóm lợi ích), địa
phương, giòng tộc và mối quan hệ ‘tôi sống anh sống, tôi chết anh chết’
trong tầng lớp thống trị, không cho phép có một nhà nước pháp quyền theo
thông lệ quốc tế. Mà không có nhà nước pháp quyền đúng nghĩa, nói cách
khác nhà nước pháp quyền phải nhượng bộ lợi ích đảng (lợi ích nhóm), thì
xã hội đâu còn được điều hành bằng công pháp. Mọi sự phạm luật, vi
hiến... đều trở thành bình thường.
Có thể đánh
chết người không đội mũ bảo hiểm nhưng không thể bỏ rơi lợi ích từ mũ
bảo hiểm; dân có thể mất đất, nghèo đói nhưng không thể bỏ qua mối lợi
từ thu hồi đất; thanh thiếu niên có thể bỏ học nhưng không thể không
tăng học phí; người dân có thể chết bịnh vì không có tiền nhưng không
thể không tăng viện phí… Loạn phí, loạn thuế, loạn giá, loạn thu hồi
đất, mải miết tăng thu, tăng chi cho một một bộ máy cai trị thường xuyên
‘cần thu và cần chi’ là vì lợi ích nào? Của ai? Hành vi vô chính phủ
của quyền lực cai trị thì nhan nhản, phổ biến, xảy ra hàng ngày không kể
hết được.
Để thỏa mãn ý chí làm chủ của đảng
cai trị thì tất yếu bộ máy cai trị các cấp sẽ hành xử việc nước kiểu duy
ý chí, vô chính phủ, mạnh được yếu thua, ‘muốn là được’ nhiều hơn. Vô
chính phủ là phổ biến, kỷ cương là cá biệt.
Có
một vấn nạn cần làm rõ: bộ máy cai trị hành xử với dân ngày càng tàn
bạo, thiếu nhân tính, vô chính phủ… là do đâu, phải chăng là do bộ máy
ấy chỉ chăm chăm trung thành với chế độ sở hữu (Mác có nói về kiểu hành
xử khi lợi nhuận tăng lên 300%)? Nhưng đấy là vấn đề khác không đề cập
trong bài viết này.
Nhà nước (công hữu) vô chính
phủ thì người dân cũng phải vô chính phủ. Đất nước vô chính phủ thì văn
minh tiến bộ thế nào được! Mọi hiểm hoạ sẽ nẩy sinh từ đó. Mọi thứ đều
lùn đi vì kiểu cai trị vô chính phủ của nhà nước (công hữu) chuyên
chính.
3/Nhà nước vô chính phủ: Giàu nghèo đều khóc?
Người
nghèo lâm vào cảnh khốn cùng, khóc than đến chảy máu mắt, bán vợ, bán
con, bán cả bản thân là điều bình thường trong xã hội Việt nam ngày nay.
Người giàu cũng khóc than (doanh nghiệp thua lỗ, giải thể, phá sản,
quỵt nợ, tự tử… hàng loạt) là điều không bình thường.
Dẫn
chứng sinh động việc nhà giàu cũng khóc là vụ hạ bệ Bạc Hy Lai và các
tỉ phú trong nhóm họ Bạc bị điều tra. Truyền thông quốc tế cho rằng Bạc
bị thất sủng vì muốn phục hồi chủ nghĩa Mao. Quả thật nếu chủ nghĩa Mao
được phục hồi thì trật tự sở hữu (chủ yếu là đất đai ở cả hai nghĩa:
ruộng đất và lãnh thổ) cũng thay đổi, xáo trộn. Vụ Bạc Hy Lai là một bài
học về vận dụng, bẻ cong pháp luật thế nào để bảo vệ lợi ích sở hữu
nhân danh đảng và chế độ của các nhóm lợi ích trong Trung Nam Hải. Biến
cố đó thể hiện khá rõ nét tính vô chính phủ của xã hội xã hội chủ nghĩa
kiểu Trung Quốc.
Biến cố Đoàn Văn Vươn đã phục
hoạt cuộc tranh luận mang tính ý thức hệ: chế độ sở hữu, “Đất của vua,
chùa của Phật”. Bởi chế độ sở hữu (công hữu, tư hữu) là cụ thể hóa của
hệ tư tưởng chính trị, là thể hiện quyền lực mỗi bên trong quan hệ xã
hội: ai là chủ, ai là người làm thuê (chủ tớ) - chủ thì có quyền, tớ chỉ
có nghĩa vụ. Ông Thủ tướng được xã hội đồng tình trong vụ Đoàn Văn
Vươn: thượng tôn pháp luật, không phải là mạnh được yếu thua của nhà
nước vô chính phủ. Nhưng nếu thượng tôn pháp luật thì lại phủ định chế
độ (sở hữu) và quan hệ cai trị bị trị (chủ tớ), dân đúng, đảng (địa
phương) sai. TCBC của Hải Phòng chứng tỏ Hải Phòng có đảng tính cao,
vững vàng: dân sai, đảng đúng (tớ sai, chủ đúng).
Khi
quyền lực cai trị ngang nhiên hành xử vô chính phủ với dân thì hậu quả
là phải biến dân thành ‘thế lực thù địch’, thành phần tử ‘đối kháng,
phản động’. Nhà nước vô chính phủ là môi trường của bạo loạn, cướp bóc,
suy thoái trên nhiều mặt (kinh tế, văn hóa, đạo đức, quan hệ xã hội),
chiến tranh, chết chóc, nghèo đói...
Khi nhà
giàu nhà nghèo đều khóc vì ‘nhà nước công hữu’ thì tình thế của chế độ
và của đất nước đang ở ‘đầu sóng ngọn gió’, ‘ngàn cân treo sợi tóc’.
Khi
giàu nghèo cùng chung tâm trạng thì dầu có chỉnh đốn đảng vì sự tồn
vong của chế độ (công hữu), cái vòng luẩn quẩn chắc đâu đã tránh khỏi,
chỉ làm vui lòng đồng chí 4 tốt,16 chữ vàng thôi .
Khi nhà giàu, người nghèo đều khóc thì đảng cai trị có mất ăn mất ngủ không?
04/04/2012
T.M.T.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN
Nguồn BVN
XEM Hồ Chí Minh
(6)