Thứ Tư, 25 tháng 4, 2012

Đừng chĩa súng vào dân!


photo-200.jpgQuỳnh Chi, phóng viên RFA  2012-04-24

Mặc dù gặp sự phản đối quyết liệt của người dân huyện Văn Giang nhưng vụ cưỡng chế cánh đồng 70 hecta của xã Xuân Quan vẫn diễn ra sáng sớm ngày 24-04-2012.
Phần âm thanh
Tải xuống âm thanh

Lực lượng công an dày đặc trong ngày cưỡng chế đất tại huyện Văn Giang hôm 24/4/2012. Thính giả gửi RFA
Cưỡng chế, bắt người

Tin cho biết phía quyền có rất đông người, trong khi người dân tập trung tại cánh đồng lên đến 2 ngàn người. Cuối buổi cưỡng chế, có khoảng 10 người bị bắt. Bà Lê Hiền Đức chứng kiến sự việc và kể lại với Quỳnh Chi của đài Á Châu Tự do. Đầu tiên, bà cho biết về việc bà bị ngăn chặn không cho đến hiện trường:
Bà Lê Hiền Đức: Không có vấn đề gì. “Họ” không  muốn cho tôi có mặt ở hiện trường nhưng dù sao người dân cũng đưa tôi đến để có vài lời động viên với bà con nhân dân và nhắn nhủ với lực lượng công an nhân dân rằng “Cầm súng chĩa vào bọn tham nhũng, đừng cầm súng quay vào nhân dân. Những người nông dân lao động lam lũ chính là những người làm ra hạt lúa nuôi chúng ta”. Tôi nói như thế thì có một cháu công an khóc. Nhưng nói chung là cũng cưỡng chế xong hết rồi. Tuy nhiên, tôi nghĩ dân không thể dừng lại đây được.
Quỳnh Chi: Vì sao mà bà cho rằng người dân sẽ không dừng lại?
Bà Lê Hiền Đức: Không thể dừng lại được vì càng ngày “họ” càng tham nhũng, càng ngày “họ” càng đàn áp dân. Mọi người không thể hiểu được là người dân khổ như thế nào. Hôm nay, không phải chỉ có người dân Văn Giang mà còn nhiều người xã Đại Bái, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh cũng kéo sang hỗ trợ. Nhân dân Dương Nội, Hà Đông cũng nhiều lần mặc áo đỏ đi đến các cơ quan khiếu kiện. Nói chung nhân dân rất đoàn kết.
Quỳnh Chi: Sau khi vụ cưỡng chế được thực hiện xong thì thái độ hiện tại của người dân ra sao?
Bà Lê Hiền Đức: Trông người dân thương lắm. Bây giờ họ sống bằng gì đây? Tôi xót ra lắm. Thái độ người dân tất nhiên là buồn lắm nhưng họ vẫn có nhiều quyết tâm trong bụng. Tôi hiểu như thế. Tôi biết rằng dân bức xúc lắm.
Quỳnh Chi: Đài RFA có nhận được tin là có vài người bị bắt về đồn công an. Việc này bà có được chứng kiến không?
Bà Lê Hiền Đức: Cho đến bây giờ (7 giờ tối 24 tháng 4) tôi vẫn không biết những người bị bắt ấy bị giữ ở đâu. Người dân cũng chưa biết. Khoảng mười người bị bắt.
Quỳnh Chi: Lý do họ bị bắt là gì? Có phải là trong lúc cưỡng chế, một số người có hành động quá khích?
Bà Lê Hiền Đức: Không có gì là quá khích cả. Người ta cầm gộc gậy, thuổng cuốc đi làm đồng vì có những khu vực không phải là khu bị cưỡng chế. Nếu công an dùng súng hơi cay bắn vào nông dân, dùng dùi cui điện đánh vào dân thì người ta phải chống cự lại để tự vệ. Tôi đã hỏi “Tại sao lại bắt những người đó?” thì một số công an giải thích là tại “chống cự”, nghĩa là “dùng gậy gộc”. Bản thân tôi đi cùng với người dân ra hiện trường để xem thì có chỗ xe không đi được, tôi cũng không bước qua được. Lúc đó nhiều thanh niên chìa lưng vào cõng tôi nên tôi rất cảm động. Trong khi đó, công an thấy tôi cầm cái gậy chống thì hỏi “Bà đánh tôi à?” Một bà già chân đi không vững, phải có người cõng, vịn vào gậy mà họ lại hỏi như vậy. Tôi vừa buồn cười vừa bức xúc.
Tôi thấy chắn chắn không thể phát triển được bởi vì bao nhiêu của cải đều rơi vào tay bọn nhà giàu. Người giàu càng giàu mà người nghèo thì gần như khánh kiệt.
Bà Lê Hiền Đức
Quỳnh Chi: Theo bà thì lực lượng công an tham gia cưỡng chế có đông không? Thái độ của họ ra sao?
Bà Lê Hiền Đức: Gần hai nghìn người. Tôi buồn là chính quyền không tôn trọng người dân. Tôi không thể cầm được nước mắt.
Quỳnh Chi: Thưa bà, ĐCS Việt Nam lúc trước có khẩu hiệu là “Người cày có ruộng”. Nhưng thực tế cho thấy ngày càng xảy ra vụ cưỡng chế đất đai trái với ý muốn của người dân. Đây có phải là một nghịch lý?
Bà Lê Hiền Đức: Tôi không phát biểu về vấn đề này nhưng tôi chỉ muốn nhắc nhở rằng ngày xưa chúng tôi hy sinh cả tuổi thanh xuân. Cho đến bây giờ gần như cả cuộc đời tôi chiến đấu đem lại ấm no cho người dân, cho nông dân có ruộng cày. Nhưng bây giờ thì đồng ruộng của nông dân đang bị tước đoạt gần hết, có nơi bị tước đoạt hết giống như Văn Giang hay Dương Nội hôm nay. Tại những nơi đó, bây giờ những người nông dân chỉ có hai bàn tay trắng. Bây giờ họ sẽ sống bằng gì trong  khi tiền đền bù vô cùng rẻ mạt. Một mét vuông đất chỉ đáng bát phở. Đồng ruộng như xương máu của người nông dân. Lấy hết đất của họ thì họ trồng lúa vào gầm giường à? Nông dân trồng lúa để  nuôi bao nhiêu người và còn có bao nhiêu lúc để xuất khẩu mà bây giờ họ lại tước đoạt hết ruộng của nông dân. Tôi đau xót lắm. Tôi thương họ và đặt tất cả niềm tin vào sức mạnh của họ. Họ sẽ đi tìm công lý.

Nông dân khánh kiệt


van-giang-250.jpg
Người dân huyện Văn Giang bị cưỡng chế đất hôm 24/4/2012. RFA screen capture
Quỳnh Chi: Việc ngày càng có nhiều khiếu kiện liên quan đến đất đai thường xuất phát từ đâu thưa bà?
Bà Lê Hiền Đức: Hoàn toàn là do nông dân cứ bị thu hồi đất. Tôi cũng không đồng ý việc chính quyền dùng từ “thu hồi”. Người ta chưa nhận được một đồng nào tiền đền bù thì tại sao lại dám nhổ hết cây cối của họ đi? Hôm qua tôi đã ở với dân và tìm hiểu cả ngày. Một người nông dân nói với tôi rằng “Nhà cháu chưa chạy được một cây nào cả”. Cánh đồng của bà ta có mấy ngàn cây hoa Hải Đường. Bây giờ mang cây chạy đi đâu? Chẳng lẽ đào lên hết rồi mang về nhà? Trông họ xót xa lắm.
Quỳnh Chi: Nhiều người cho rằng việc ngày càng có các khiếu kiện đất đai là do chế độ công hữu về tư liệu sản xuất đang được ĐCS Việt Nam áp dụng. Ý kiến của bà ra sao?
Bà Lê Hiền Đức: Tôi không dám phân tích xa xôi nhưng tôi chỉ biết bênh vực quyền lợi người dân và chống tham nhũng. Tôi nói là dân sẽ vùng lên nếu họ có trình độ. Bởi vì chủ yếu chính quyền cấp quận huyện cướp đất của dân và ăn chia với cấp tỉnh, thành phố. Cho nên, dân có kiện lên cấp thành phố thì cũng bị trả về tỉnh.
Cầm súng chĩa vào bọn tham nhũng, đừng cầm súng quay vào nhân dân. Những người nông dân lao động lam lũ chính là những người làm ra hạt lúa nuôi chúng ta.
Bà Lê Hiền Đức nói với công an

Quỳnh Chi: Trong  hơn 60 năm phục vụ đất nước thì bà thấy khoảng thời gian nào xảy ra nhiều bất đồng giữa người dân và chính quyền nhất?
Bà Lê Hiền Đức: Đó là thời gian hiện tại. Hoàn toàn trước mắt tôi như thế. Hơn sáu mươi năm hy sinh cả tuổi trẻ và cuộc đời mình, chiến đấu để mang lại lợi ích cho người dân nhưng tôi thấy dân càng ngày càng khổ và càng bức xúc. Cho nên làm sao tôi có thể ngồi yên mà bưng  bát cơm ăn được.
Quỳnh Chi: Thế thì nếu tình trạng bất đồng giữa chính phủ và người dân cứ kéo dài như thế thì sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển đất nước như thế nào?
Bà Lê Hiền Đức: Tôi thấy chắn chắn không thể phát triển được bởi vì bao nhiêu của cải đều rơi vào tay bọn nhà giàu. Người giàu càng giàu mà người nghèo thì gần như khánh kiệt.
Quỳnh Chi: Cám ơn bà đã dành thời gian cho đài RFA.