Văn Giang một ngày sau cưỡng chế Quỳnh Chi, phóng viên RFA 2012-04-25
Tình hình bà con tại ba xã Xuân Quan, Phụng Công, Cửu Cao thuộc huyện Văn Giang ra sao sau khi chính quyền thực hiện cưỡng chế xong đối với 6 hecta đất nằm trong tổng số diện tích 72 hecta?Sợ sệt, không tin tưởng
Như tin đã đưa, để có thể giao 72 hecta vào đợt hai cho chủ thầu xây dựng, chính quyền các cấp tỉnh Hưng Yên thực hiện san phẳng cả khu vực và cưỡng chế 5,8 hecta đất của 166 hộ dân thuộc xã Xuân Quan – là những hộ dân không chịu nhận bồi thường. Theo bà con cho biết, việc cưỡng chế được chuẩn bị từ đêm 23 tháng 4 và bắt đầu thực hiện vào rạng sáng ngày 24 tháng 4. Hình ảnh quay lại từ vụ cưỡng chế được truyền đi trên mạng cho thấy rất đông cảnh sát mặc cảnh phục và thường phục được trang bị dùi cui, đạn cay đến thực hiện cưỡng chế. Nhiều nguồn tin giấu tên chứng kiến vụ cưỡng chế cho biết nhiều người đang hoảng sợ trước vụ cưỡng chế đầy quyết tâm của chính quyền. Một người dân giấu tên cho biết từ Phụng Công:“Nói chung bà con đang hoảng sợ quá trước sự cưỡng chế của chính quyền”.
Người đàn ông này còn cho biết, có trên 20 người bị bắt về tỉnh khi chính quyền thực hiện cưỡng chế. Riêng bản thân gia đình ông có 2 người thân bị bắt cho đến chiều ngày 25 vẫn chưa được gặp mặt thăm hỏi.
Báo chí trong nước trích lời ông Bùi Huy Thanh, Chánh văn phòng UBND tỉnh cho biết vào chiều ngày 24 tháng 4 rằng “Công an tạm giữ 20 người có hành vi quá khích”. Tuy nhiên, theo một nguồn tin khác, có 26 người bị bắt, trong đó đa số là bà con tại xã Phụng Công. Hiện tại, RFA chưa xác định được chính xác chi tiết này.
Nói chung bà con đang hoảng sợ quá trước sự cưỡng chế của chính quyền.Sau khi cưỡng chế một ngày, nhiều người dân ở đây đã hạn chế tiếp xúc báo chí và người ngoài, Thậm chí, nhiều người đã thẳng thừng từ chối khi tiếp xúc với người lạ:
Một người dân Phụng Công
“Nói thật với chị, mấy ngày nay từ các nơi gọi đến cho bà con nhưng bà con cũng nghi ngờ các vị không phải đứng về phía sự thật. Cho nên nhiều người đã thay số điện thoại hoặc không nghe. Nói thật khi trả lời chị, tôi cũng đắn đo. Nhưng tôi quyết định trả lời vì tôi muốn nói tiếng nói của sự thật. Nói thật là người ta quá đau xót khổ sở vì chỉ có một mảnh ruộng mà cũng bị ủi hết, người dân kêu cứu mà biết kêu ai”.
Bức xúc
Sau khi tỉnh Hưng Yên thực hiện cưỡng chế xong, nhiều tờ báo trong nước đồng loạt loan tin về vụ cưỡng chế, trong đó trích lời ông Bùi Huy Thanh cho rằng vụ cưỡng chế đã “thành công và an toàn tuyệt đối” khi không có công an hay người dân bị thương. Theo các nguồn tin này, có khoảng “500 cảnh sát tham gia thực hiện cưỡng chế, không có quân đội tham gia”. Báo VNexpress cũng trích lời ông Thanh nói rằng lực lượng cảnh vụ đã dùng hai quả đạn khói để giải tán những người tụ tập. Tuy nhiên, các clip quay được từ vụ cưỡng chế cho thấy lực lượng chính quyền khá đông đảo. Chia sẻ với đài RFA sau khi vụ cưỡng chế được thực hiện xong, bà Lê Hiền Đức cho biết con số đó là 2 ngàn người. Một người dân Văn Giang cho biết:“Họ dùng rất nhiều đạn hơi cay. Trên phần đất thuộc xã Phụng Công là họ bắn xối xả hơi cay, mù mịt. Họ bắn thẳng vào những người đang ngồi để giữ đất. Xong thì họ dùng lực lượng xua đuổi hết. Chứ không phải dùng chỉ hai quả đạn cay như họ nói. Còn tại khu vực cánh đồng bị cưỡng chế thì khói bay mù mịt không nhìn thấy gì”.
Chúng tôi đi khiếu kiện thì Trung ương cho biết Tỉnh làm như thế là sai luật nhưng Tỉnh vẫn cưỡng chế thì Trung ương có làm gì đâu.Theo hình ảnh quay và chụp được từ vụ cưỡng chế, cánh đồng hơn 70 ha được phủ khói mù mịt cho thấy nhiều đạn khói đã được sử dụng. Một blogger chứng kiến sự việc còn đăng tải trên Facebook của mình là có lúc lực lượng cưỡng chế sử dụng hết đạn khói nên phải chờ tiếp viện. Một clip khác được đăng tải trên mạng cho thấy một nhóm công an và người mặc thường phục đeo băng đỏ xúm vào đánh một người dân như một bằng chứng cho thấy cảnh sát dùng bạo lực quá mức cần thiết khi cưỡng chế. Các tin tức trái chiều làm nhiều người bức xúc, nhất là những người chứng kiến sự việc:
Một người dân Văn Giang
“Người ta là chính quyền, là chế độ một đảng nên họ nói như thế. Ví dụ chúng tôi đi khiếu kiện thì Trung ương cho biết Tỉnh làm như thế là sai luật nhưng Tỉnh vẫn cưỡng chế thì Trung ương có làm gì đâu?”.
Tiếp tục giữ đất
Hiện tại, cánh đồng hơn 70 hecta đã được san phẳng để giao cho nhà đầu tư. Phần đất bị cưỡng chế gần 6 hecta nằm trong vùng qui hoạch cũng bị phá sạch và đa số người dân không thể mang cứu được các cây trồng của mình. Cánh đồng rộng 5,8 hecta của khoảng 166 hộ bị cưỡng chế đa phần được dùng để trồng cây cảnh.Theo ước tính của một người dân chia sẻ với đài RFA, tổng thiệt hại của bà con từ vụ cưỡng chế lên đến nhiều tỉ đồng. Trước tình hình hiện tại, nhiều người quyết tâm canh tác tiếp và trồng lại cây. Một người dân cho biết:
“Những người có trồng cây cảnh thì có thể họ trở lại cánh đồng cưỡng chế, còn tôi thì chỉ trồng lúa nên vẫn đang chờ xem chính phủ giải quyết đơn kiện như thế nào”.
Một người dân khác nói thêm rằng, gia đình ông vẫn sẽ tiếp tục canh tác và kêu gọi chính quyền:
“Gần 100 máy ủi hôm qua phá cả cánh đồng 72 hecta. Bà con xót xa cánh đồng của mình thì vẫn phải ra làm để giữ đất chứ làm sao để cho người ta làm đất của mình? Việc cưỡng chế là của chính quyền, còn người dân thì vẫn tiếp tục ra đồng làm chứ làm sao bỏ được. Vẫn phải tiếp tục đến các cơ quan nhà nước để đòi hỏi quyền lợi của bà con.”
Mỗi hộ gia đình tại đây có khoảng hơn 1 sào ruộng để canh tác. Số tiền bồi thường mà công ty chủ quản dự án đưa ra là 36 triệu đồng một sào ruộng. Nhiều người phản đối và kiên quyết không nhận tiền bồi thường vì với số tiền ấy họ không thể tái lập cuộc sống mới. Chính vì thế, hiện tại, phương án của bà con là quyết tâm bám đất để sống:
Việc cưỡng chế là của chính quyền, còn người dân thì vẫn tiếp tục ra đồng làm chứ làm sao bỏ được. Vẫn phải tiếp tục đến các cơ quan nhà nước để đòi hỏi quyền lợi của bà con.“Tôi vẫn phải đi làm (ngoài đồng) chứ không thì chết đói à? Tôi vẫn đi làm vì vẫn có gia đình, con cái. Nếu người ta có quyền lực trong tay, người ta thực hiện cưỡng chế thì chúng tôi là dân đen phải chịu. Cũng căm phẫn lắm nhưng không biết phải làm thế nào? Một bên là chính quyền đa cấp từ trung ương đến địa phương. Một bên là người dân đen. Người dân mỗi người chỉ có hơn 1 sào ruộng. Chúng tôi chỉ mong muốn giữ được đất để làm ăn”.
Một người dân Văn Giang
Dư án khu đô thị Văn Giang được thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phê duyệt và cấp phép rồi giao cho công ty Đầu tư và phát triển đô thị Việt Hưng làm chủ dầu tư, diện tích khoảng 500 ha. Toàn bộ vùng đất này thuộc sở hữu của khoảng 4 ngàn hộ dân. Trong đó, còn khoảng 1 ngàn 800 của ba xã Xuân Quan, Phụng Công, Cửu Cao chưa nhận tiền bồi thường.
Báo người cao tuổi số ra ngày 20 tháng 4 cũng cho biết quyết định cưỡng chế của tỉnh Hưng Yên là trái pháp luật vì theo luật đất đai, chỉ những dự án phục vụ quốc phòng, an ninh… Nhà nước mới thu hồi đất. Còn những dự án khác, Nhà nước chỉ làm trung gian để nhà đầu tư thỏa thuận.