Hoàng Anh
Là
đảng duy nhất và nắm quyền lãnh đạo tại Việt Nam, Đảng cộng sản VN đã
mặc định về vị trí của mình trong toàn bộ quy trình quyền lực và ra
quyết định cũng như kiểm soát hệ thống quản trị. Nhưng hiện nay Đảng
cộng sản VN đang đối mặt với một số thách thức mà nếu có cái nhìn thật
khách quan, sẽ dễ dàng cảm nhận ra tính nghiêm trọng hay không của nó.
Thách thức từ những xung đột lợi ích liên quan đến quyền sở hữu đất đai
Khiếu
kiện đất đai không phải là vấn đề phức tạp duy nhất đối với Việt Nam,
nhưng đây rõ ràng là một quả bom đối với toàn bộ cục diện. Chính quyền
từ cấp cao nhất có vẻ đã không đủ sâu sắc để phân tích hết tín hiệu phát
ra từ vụ nổ súng phản kháng ở huyện Tiên Lãng, Hải Phòng, một trong
khoảng trên 500 đơn vị hành chính cấp huyện trên cả nước. Trước rất lâu
và ngay sau khi vụ việc được mệnh danh “Hoa cải đỏ” xảy ra, những vụ
cưỡng chế tương tự đã và vẫn diễn ra theo nhiều mức độ khác nhau ở hầu
như toàn bộ các huyện. Theo cách lý giải gần đây nhất từ bộ Thông tin
Truyền thông trong hội nghị báo chí ngày 30/3 tại Quảng Ninh thì bản
chất của vấn đề là: “Một số báo thông tin, bình luận có tính suy diễn,
cho rằng, gốc của vấn đề, vụ việc là do sở hữu toàn dân về đất đai trong
khi thực ra, nguyên nhân chủ yếu do nhận thức, thực hiện sai các quy
định pháp luật đất đai về cho thuê đất, thu hồi đất, cưỡng chế đất cũng
như do các quy định về quản lý đất đai thiếu đồng bộ, chống chéo, phức
tạp” (trích Toàn văn Báo cáo Đánh giá Công tác Báo chí 2011).
Đây
chính là quan điểm cuối cùng, được coi là kết luận của Đảng về vụ việc ở
Tiên Lãng. Sự nhìn nhận này cho thấy sẽ không có bất cứ thay đổi hoặc
tác động nào đến mối quan hệ giữa chính quyền và người dân ngay cả khi
cách hành xử đáng xấu hổ của các quan chức ở Hải Phòng trong vụ tranh
chấp chính là mẫu số chung trong mọi xung đột giữa hai nhóm lợi ích bất
cân xứng: quan chức, doanh nhân cấu kết đối đầu với nhân dân lao động,
nhất là những người nông dân có xu hướng tìm kiếm lợi ích dựa vào khai
thác đất đai.
Không thể phủ nhận xung đột lợi
ích là vấn đề chung đối với tất cả các xã hội có hoạt động kinh tế. Tạm
cho rằng, sự xung đột lợi ích trong lĩnh vực đất đai là một mẫu xung đột
có thể đại diện cho các hình thức khác, cũng giống tất cả các xã hội.
Nhưng sự khác biệt lớn nhất giữa mô hình xung đột của Việt Nam với các
mô hình xung đột được kiểm soát tốt khác chính là sự thiếu vắng một số
yếu tố đảm bảo. Thứ nhất, các bên có lợi ích bị xung đột biết và hiểu rõ
ràng về quyền lợi của mình. Thứ hai, có một thiết chế trung gian mang
tính trọng tài đảm bảo quy trình thương lượng hoặc giải quyết. Và thứ
ba, quan trọng nhất, là có được các nguyên tắc pháp lí chặt chẽ được đảm
bảo thực thi, hay một chế độ Pháp quyền.
Hệ
thống pháp luật thiếu chuẩn mực, được làm ra do tác động của các nhóm
lợi ích luôn có khuynh hướng thao túng đã luôn là một đặc điểm trong quy
trình làm luật ở Việt Nam. Hệ thống này trên thực tế là sự câu kết chặt
chẽ giữa những doanh nhân bất lương và những quan chức trong bộ máy
tham lam nhưng lại thiếu vắng hoàn toàn các tri thức và đạo đức của
người làm công tác quản trị quốc gia. Sự tráo đổi lợi ích và quyền lực
tạo thành một cơ chế đầu voi đuôi chuột đầy mập mờ đã biến nông dân,
nhóm lợi ích có ít khả năng phản kháng nhất do thiếu tri thức và một
công cụ bảo trợ đáng tin cậy trở thành con mồi để tiêu diệt. Sự đối
trọng này là bất cân xứng đến mức trong một số trường hợp trở thành xung
đột tiêu cực khi nhóm lợi ích nông dân phản kháng trong tình thế quẫn
bách đường cùng. Việc gia đình anh nông dân Đoàn Văn Vươn phản kháng với
quyết định cưỡng chế có động cơ cánh hẩu được chính quyền từ thành phố
Hải Phòng, huyện Tiên Lãng đến xã Vinh Quang hậu thuẫn.
Xung
đột này và cách giải quyết của chính quyền Trung ương đã cho thấy một
sự nhầm lẫn đáng cảnh báo về vai trò thực sự của các bên. Một cách trực
diện, có thể nhận ra ngay rằng thêm một lần nữa quán tính hành động theo
mô thức “đóng cửa bảo nhau” lại được áp dụng. Nhà nước, thiết chế có
vai trò trung gian đại diện đã tham gia xung đột với tư cách là một bên
tranh chấp và hoàn toàn sao nhãng vai trò của mình là thiết chế bảo đảm
trình tự của một quy trình chứ không phải bên tham gia các xung đột. Nó
trở thành lực lượng hậu thuẫn cho đám khủng long doanh nghiệp, vốn luôn
buông thả với lòng tham và các thủ đoạn của mình trên con đường tìm kiếm
lợi ích. Áp lực này đã đẩy người nông dân, nói riêng, và các nhóm yếu
thế khác đến bờ vực của sự khánh kiệt.
Bản chất
của vụ việc Tiên Lãng hay hàng ngàn vụ “Tiên Lãng” khác ở cả khía cạnh
địa lý và lĩnh vực chính là việc họ, các nhóm lợi ích, đã được giới hạn
trong một khuôn khổ pháp lý hay chưa? Nói cách khác, đã đến lúc các lực
lượng quản trị quốc gia, hàm nghĩa cả Đảng lãnh đạo hoặc Nhà nước thừa
hành, phải lựa chọn một chỗ đứng có tính trung dung nhất: là thiết chế
đại diện được ủy quyền phù hợp để điều hòa các mâu thuẫn. Điều này là sự
thách thức thứ nhất của Đảng trong quy trình vận động của Việt Nam.
Cách vô hiệu hóa quả bom này không phải chỉ đơn giản chỉ là lấp cát lên
nó để không ai nhìn thấy.
Thách thức thứ hai là áp lực về chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Thông
tin lan truyền theo tốc độ của sự tiến bộ về công nghệ truyền dẫn đã
trang bị cho lòng yêu nước của người Việt Nam những chi tiết để soi sáng
từng góc cạnh trong mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc. Dù có thể
đã mai một nhiều đi trong khoảng gần một thế kỷ gần đây, nhưng không thể
phủ nhận đã từng tồn tại ở Việt Nam một nền văn hóa nuôi dưỡng lòng yêu
nước và một chủ nghĩa dân tộc rất bản lĩnh.
Trong
khi các cấp lãnh đạo từ thượng tầng có vẻ như đã quay lưng lại với
những tiếng nói yêu cầu một thái độ dứt khoát trong vấn đề chủ quyền
biển đảo, thì trong môi trường hạ tầng, những tiếng thủ thỉ than oán về
cách hành xử quá nhũn và nhu nhược của chính quyền đang nuôi dưỡng những
căm giận. Thậm chí, nhiều cách đặt vấn đề đã được nêu ra mà tâm điểm
chính là việc theo hay bỏ Trung Quốc với ý nghĩa là một mối quan hệ
thuần phục liên quan đến việc còn Đảng hay mất Nước. Mâu thuẫn đã được
nhận diện là, liệu Đảng có mâu thuẫn không khi chấp nhận mọi sự áp đặt
ngày càng ít điều kiện từ phía Trung Quốc về mọi vấn đề mà quên đi rằng
động cơ tồn tại của nước Việt Nam từ thời lập quốc luôn có một yếu tố cố
định là thoát ra khỏi sự phong tỏa của gã hàng xóm tham lam và luôn
nung nấu dã tâm đã thành thâm căn cố đế.
Đôi
lúc, cách hành xử của nhà quản trị sẽ là định hướng cho các lực lượng đi
theo khi họ nhận thức được rằng điều đó là thuận chiều với tư duy chung
của tất cả. Nhưng không phải lúc nào người Việt Nam cũng tán thành cách
cư xử của các nhà lãnh đạo trước áp lực của Trung Quốc. Thách thức của
vấn đề này chính là chưa bao giờ người dân Việt Nam chấp nhận vị thế nô
lệ của bất cứ một kẻ ngoại bang nào khác. Điều đó cho họ năng lực để
theo dõi và đánh giá từng việc làm của Chính quyền Trung ương. Dù thơ
ngây hay không thơ ngây khi các nhà cai trị ở thượng tầng làm ngơ trước
việc Trung Quốc cướp quần đảo Hoàng Sa từ tay chính quyền Nam Việt Nam
cũng là một tội lỗi không thể tha thứ. Quan hệ giữa chính quyền phía Bắc
với chính quyền phía Nam có lẽ đã không tốt đẹp khi mỗi bên đại diện
cho một ý thức hệ. Nhưng có điều gì đó để các nhà lãnh đạo miền Bắc quên
đi một nguyên tắc của sự tồn vong cho một quốc gia như Việt Nam là: Khi
bất cứ kẻ cướp nước nào xâm phạm phần lãnh thổ của mình dù chỉ là một
cái chạm đầu tiên của mũi giày chúng, tất cả sẽ phải là người Việt Nam.
(Quan
hệ giữa Trung Hoa lục địa và Đài Loan trong mối tương quan tranh chấp
chủ quyền biển Nam Trung Hoa là một bài học tinh tế. Có thể Đài Bắc và
Bắc Kinh đối lập với nhau về nhiều điểm liên quan đến kinh tế, văn hóa,
thương mại… Nhưng họ hầu như không bao giờ lên tiếng phủ nhận khi bên
kia tuyên bố chủ quyền trên các đảo trong khu vực tranh chấp).
Năm
2011, bất chấp sức ép từ Bắc Kinh lên bộ máy chính quyền Hà Nội, 11
cuộc biểu tình vẫn diễn ra liên tiếp nhằm thể hiện khát vọng được cất
tiếng nói với thái độ cương quyết về vấn đề chủ quyền đối với Hoàng Sa
và Trường Sa. Trước khi nó bị dập tắt bởi vô số mánh khóe của an ninh
trong nước, một sự thức tỉnh mạnh mẽ cùng với nhiều thông tin đã được
truyền đến người dân theo những lớp lang khá cụ thể. Gần đây nhất, khi
các nỗ lực nhằm vinh danh và tưởng nhớ những anh hùng đã hy sinh trong
cuộc chiến chớp nhoáng năm 1988 đều bị chính quyền ngăn chặn, làn sóng
yêu nước vẫn ngấm ngầm tồn tại trên không gian Internet. Hiệu ứng và quy
mô của chúng có lẽ đã lớn đến mức tất cả đều có thể nhận ra sẽ là một
lời thách thức từ chính các nhà lãnh đạo đối với nhân dân của mình khi
họ lựa chọn làm hài lòng Bắc Kinh và tiếp tục đàn áp những tiếng nói yêu
nước chân chính của nhân dân.
Vấn đề chủ quyền
đối với Hoàng Sa và Trường Sa chắc chắn sẽ không bị xóa đi theo cách
nhân viên nghành an ninh trong nước bắt bớ, nạt nộ nhân dân để họ thôi
đi biểu tình hoặc đấu tranh theo những phương pháp hòa bình. Ngay cả khi
các chuyên gia an ninh dùng thủ đoạn xấu xa nào nhằm ngăn cản một cuộc
gặp mặt của những người biểu tình hay một trận đá bóng giữa họ, mọi
chuyện cũng sẽ chỉ làm tăng mối nghi ngờ về tác dụng của miếng bả mà Bắc
Kinh đã ma lanh trộn vào. Xem ra, thách thức thứ hai cũng đã quá rõ.
Việc quả bom nổ hay không nổ dĩ nhiên không phụ thuộc vào việc anh đặt
đầu của nó quay về hướng Bắc hay hướng Tây.
Thách thức thứ ba: năng lực quản trị hữu hiệu
Việc
xử lý các bị can trong vụ án Vinashin hôm 30/3 có thể đã làm hài lòng
một vài người. Nhưng đó không phải là phương thuốc trị bệnh mà chỉ là
một ít dầu xoa lên vết sưng do ung thư nội tạng. Cái xác chết Vinashin
đang trôi nổi kia dù đã trở thành một sự cảnh báo về năng lực điều hành
kinh tế và khả năng hoạch định chính sách duy ý chí, nhưng có vẻ nó chưa
làm tỉnh ngộ hoặc làm chờn tay các nhóm lợi ích đang lợi dụng thao túng
các tập đoàn nhà nước. Mỗi tập đoàn nhà nước kiểu Vinashin là một ngành
độc quyền. Mỗi ngành độc quyền là một đầu mối nắm trong tay một mạch
chủ nguồn lực quốc gia. Những kẻ thâu tóm các tập đoàn độc quyền trên
thực tế là những kẻ sử dụng công cụ, khai thác nguồn lực quốc gia để
thỏa mãn nhu cầu lợi ích của mình hay phe nhóm mình.
Lần
lượt những anh cả đỏ, những quả đấm thép đang chảy ra, trở nên loãng
nhếch bởi trên thực tế chúng chỉ là công cụ cho một động cơ khác. Các
tập đoàn này kể từ khi thành lập đã đảm nhận 2 nhiệm vụ trọng yếu:
-
Nhiệm vụ thứ nhất: đầu tư mọi ngành chúng muốn hoặc nghĩ ra, gây lãng
phí bất cứ cho mục đích gì mà chúng có thể làm. Chưa nói đến động cơ
chính của việc làm này, chỉ nói đến việc những người chủ trương hiển
nhiên không phải là các tay tốt thí như Phạm Thanh Bình và bộ sậu. Hiển
nhiên là, họ không thể không biết việc làm này là sai. Ngay cả khi họ vì
một hạn chế nào đó để không hiểu đó là sai, cũng đã có rất nhiều người
tâm huyết nói cho họ biết điều ấy. Điều đó có nghĩa họ hoàn toàn có mục
đích khi giành mọi quyết tâm để duy trì tình trạng lãng phí triền miên
đó. Mục đích của chúng thực ra nằm ở nhiệm vụ quan trọng nhất kể ra sau
đây.
- Nhiệm vụ thứ hai: làm ổ để vơ vét và tham
nhũng. Thực chất, hai nhiệm vụ này không thể tách nhau ra được. Với
những cơ chế hình thành, điều hành không minh bạch, các tập đoàn được
hậu thuẫn về chính trị và tài chính đến kinh ngạc. Việc thành lập các
Tập đoàn với mục đích như vậy thực tế cũng không căn cứ vào bất cứ một
tiêu chí nào về hoạt động quản trị kinh doanh khoa học mà do ý chí và
những động cơ khác hẳn. Không có thay đổi nào về các nhiệm vụ này ngay
cả trước đó chúng tồn tại ở dạng các công ty vừa hoặc nhỏ do nhà nước
kiểm soát. Điểm khác biệt thậm chí có thể làm chúng ta giật mình: Trước
đây, họ tham nhũng bằng các công ty có quy mô 1 tỷ. Bằng cách góp 50
công ty 1 tỷ đó, họ sẽ có một công ty có quy mô 50 tỷ.
Quan
hệ giữa hai nhiệm vụ như thế nào, thực ra không phải là một câu hỏi
khó. Để tham nhũng và lại quả được 1 tỷ, họ sẵn sàng nhắm mắt bỏ qua mọi
quy trình thẩm định một dự án 20 tỷ, bất chấp cái dự án đó có thể không
bao giờ hoàn thành hoặc đó là một dự án để lại một đống sắt vụn như
siêu khách sạn nổi “Hoa Sen” mà ông Bình được cho phép mua về.
Dù
động cơ chính của việc thành lập và quản trị các tập đoàn kinh tế là
thế nào thì điều đó cũng đang đặt ra vấn đề quản trị hữu hiệu và chống
tham nhũng. Ở những chiều kích khác nhau, tham nhũng do duy trì một mô
hình quản trị lỏng lẻo duy ý chí bản chất là sự cạnh tranh chia chác
giữa các nhóm lợi ích. Sự hậu thuẫn của chính sách và việc gắn liền lợi
ích giữa quan chức trong bộ máy chính quyền là nguyên nhân làm biến dạng
tính chất của mối quan hệ xã hội này.
Yêu cầu
cụ thể được đặt ra trong cuộc thương lượng ngầm này là Đảng phải cải
thiện các thành tích phát triển, làm tăng mức sống giúp người dân đủ sức
chống chọi lại các biến cố kinh tế. Nhưng quan trọng hơn, phải có một
luật chơi mà chính Đảng phải tham gia với tư cách là một phần chứ không
phải là quản trò hiện tại.
Thách thức thứ tư: cách ứng xử với sức ép quốc tế
Sự
xuất hiện đều đặn hơn của người đứng đầu Chính phủ, Nguyễn Tấn Dũng tại
các hội nghị CG (Hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ) hàng năm nói lên
điều gì? Vụ án động trời ở đại lộ Đông-Tây mà hệ quả là con tốt thí
Huỳnh Ngọc Sỹ bị trảm; và động thái tiếp theo khi Chính phủ Nhật Bản
tuyên bố cắt viện trợ vô thời hạn đã khiến tâm trạng của rất nhiều người
bị bao phủ bởi nỗi xót xa tiếc nuối. Mặc dù sau đó, phía Nhật Bản đã
tháo gỡ lệnh cắt viện trợ, nhưng các động thái trên đã cho thấy ở một
mức độ nào đó sự phụ thuộc quá đáng của Việt Nam vào các nguồn vốn vay
và viện trợ.
Kịch bản thường thấy nhất trong các
sự kiện này chính là việc đại diện của nước chủ nhà tuyên bố họ cẩn
trọng với tất cả các nguồn vốn vay hoặc viện trợ và coi đó là yếu tố
quan trọng cho quá trình phát triển. Nhưng trên thực tế, đây không phải
chỉ là câu chuyện về việc sử dụng các đồng vốn. Bản thân việc sử dụng
các nguồn lực này cũng đáng quan ngại vì cùng một hệ thống xử lí, nếu
như nguồn ngân sách trong nước bị làm thâm hụt do yếu kém chủ quan của
bộ máy hấp thụ thì không có nghĩa các nguồn vốn vay hỗ trợ phát triển
không bị đối xử như vậy. Đi kèm với các cam kết tài trợ, đa phần người
dân trong nước không đươc tiếp cận với các ràng buộc, trong đó bao hàm
cả các điều kiện về cải thiện mô hình phát triển, cải thiện môi trường
kinh doanh, thậm chí là cả yêu cầu cải thiện hồ sơ nhân quyền.
Trên
thực tế, thông tin về kênh hỗ trợ này chỉ được tiết lộ ở mức độ tối
thiểu. Chính phủ Việt Nam chưa có kế hoạch nào nhằm công khai các chi
tiết liên quan đến việc chi tiêu nguồn lực này, đồng thời họ từ chối
luôn việc thành lập những cơ chế cho phép giám sát và phản biện. Nói
cách khác, đến lúc này, việc nhận về hàng chục tỷ USD từ các nhà tài trợ
và tiêu dùng như thế nào vẫn chỉ là chuyện riêng giữa Chính phủ và bản
thân các nhà tài trợ. Và gần như hội nghị hàng năm là thời điểm duy nhất
họ trao đổi công khai các vấn đề đã được lựa chọn kỹ càng.
Sử
dụng danh nghĩa nhân dân để kêu gọi hỗ trợ quốc tế cho các vấn đề hạ
tầng, kỹ thuật và đào tạo, trong khi không có cơ chế kiểm soát đa chiều
theo chuẩn mực luôn là vấn đề được đặt câu hỏi về độ trung thực và tính
hiệu quả. Điều hoài nghi này trên bề mặt đã làm giảm đi tính nóng hổi
của vấn đề, nhưng thực chất là một thủ thuật nhằm làm biến dạng tình
hình. Nó phản ánh gần như trực diện thái độ và ý đồ của Chính phủ Việt
nam trong cách ứng xử mà sự khác biệt là rất lớn. Một mặt, trước cộng
đồng quốc tế là hình ảnh một Việt Nam nghèo đói và cần được giúp đỡ để
cải thiện nội lực. Mặt khác, đối với nhân dân trong nước thì lảng tránh
mọi câu hỏi cật vấn và cơ chế kiểm soát từ bên trong. Tính hiệu quả
trong quá trình sử dụng vốn vay và vốn tài trợ phát triển, bất chấp việc
quy mô của chúng đang lớn lên từng ngày vẫn là một điều tuyệt mật đối
với nhân dân và thậm chí cả các nhà tài trợ khi họ chỉ nhận được câu trả
lời của các thiết chế mà Đảng đã cài đặt và lên chương trình rất kỹ
lưỡng.
Tính từ năm 1992, thời điểm mà sau sự nới
lỏng của Mỹ và cộng đồng quốc tế, World Bank (Ngân hàng thế giới - WB)
được phép vào hoạt động tại Việt Nam nhằm hỗ trợ công cuộc Đổi mới. Hàng
tỷ USD đã được đổ vào các công trình cơ sở hạ tầng và xóa đói giảm
nghèo. Tuy nhiên, vẫn cần phải nói thêm nhiều lần nữa về cơ chế hấp thụ
và kiểm soát mọi dòng vốn trong bối cảnh căn bệnh tham nhũng tràn lan
trong cơ thể chính trị do Đảng kiểm soát. Cảnh báo từ năm 2004 của WB về
quá trình tăng trưởng khiến cho ngày càng có nhiều người ít được hưởng
lợi hơn đến nay vẫn không có cải thiện nào (Vietnam: Development Report
2004: Rapid economic growth won’t be enough to eradicate poverty within
the next few years. If the pro-poor nature of economic growth in Vietnam
over the last decade provides good reasons to be optimistic, there are
also clear signs that development is becoming less inclusive.)
Mẫu
ví dụ điển hình cho việc sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển này có thể
mô tả như sau: WB tài trợ cho một dự án cơ sở hạ tầng khoảng 500 triệu
USD để làm một con đường dân sinh. Tuy nhiên, dưới khả năng phù phép của
hệ thống, số tiền này, thay vì được đầu tư để làm một con đường trong
một huyện nghèo phục vụ nhu cầu của nhân dân thì được rót vào đầu tư cho
con đường vòng quanh một chiếc hồ ở Hà Nội, nơi có nhà ở của nhiều quan
chức trong bộ máy chính quyền. Thậm chí, con số cụ thể về số tiền đầu
tư một dự án như thế cũng không bao giờ được tiết lộ. Điều này dường như
đã là một chuyện bình thường và không nên đặt lại vấn đề nữa.
Tựu
trung lại, các vấn đề về tham nhũng và khả năng hấp thụ vốn không được
minh bạch không phải là những vấn đề tách biệt. Nó cho thấy, động cơ lợi
ích bị chi phối bởi các cánh hẩu đang khoét sâu đến mức không thể kiểm
soát khoảng cách giàu nghèo trong một quốc gia. Câu hỏi đặt ra là, sự
việc sẽ còn là chuyện nội bộ của Việt Nam trong bao lâu nữa khi mà hoạt
động kinh tế trong nước đang tỏ ra quá yếu kém và đã dần được nuôi dưỡng
bởi cách bình oxy đặt bên cạnh?
Khi chính quyền
trung ương ở cấp thượng tầng theo đuổi chiến lược nuôi dưỡng một bộ
phận thân tín gắn liền với lợi ích của chính họ và bỏ quên một cách chủ ý
các nhóm lợi ích yếu thế là một biểu hiện cho thấy họ đang nuôi dưỡng
động cơ xung đột xã hội. Nó cũng cho thấy một thái độ ứng xử thiếu suy
nghĩ một cách chủ quan đối với sức ép của cộng đồng quốc tế vì sớm hay
muộn, cách làm việc thiếu minh bạch đó sẽ dẫn đến một số hệ quả không
mong muốn: Thứ nhất, nó sẽ khiến cho các nhà tài trợ trở nên hoài nghi
và hết kiên nhẫn; Thứ hai, đó là cách thức không thể tốt hơn để từ chối
mọi cơ hội thực sự nghiêm túc để phát triển nội lực quốc gia. Và thứ ba,
hãy hình dung một bối cảnh mà các điều kiện để có được nguồn vốn từ bên
ngoài ngày càng rõ ràng xu hướng buộc chính quyền do Đảng lãnh đạo phải
thay đổi các ưu tiên phát triển; trong khi lòng kiên nhẫn của nhóm lợi
ích bị bỏ quên đang đi đến giới hạn chịu đựng cuối cùng.
Thách thức thứ năm: Giải Hoa và Phi Hoa
Áp
lực từ phía Trung Quốc đối với tiến trình chính trị của Việt Nam hiện
tại là một biến tướng nguy hại trong mối quan hệ giữa hai nước. Ảnh
hưởng của văn hóa và lịch sử của Trung Quốc lên các quốc gia lân cận
hiển nhiên không phải là vấn đề phải bàn cãi. Nhưng trước hết, Trung
Quốc và Việt Nam dù là “hàng xóm liền vách” hay “đồng chí bốn tốt” thì
đây vẫn là hai quốc gia cụ thể, hai đất nước cụ thể có lộ trình phát
triển riêng. Thách thức thứ năm thoạt nhìn có vẻ vẫn là một ẩn số, nhưng
nó không biểu hiện một cách mơ hồ mà phụ thuộc chủ yếu vào thái độ của
Đảng Cộng sản Việt Nam trong ứng xử với Trung Quốc. Mèo có thể chơi với
chuột, nhưng cuối cùng mèo sẽ ăn thịt chuột, vì đó là bản năng của nó.
Con
đường phát triển của Việt Nam, dù có thể có thêm nhiều lí giải nữa về
các yếu tố “cần” và “phải” làm gì đó, nhưng suy cho cùng mấu chốt cũng
chỉ có một điểm duy nhất: Thoát Trung. Cục diện quan hệ hiện tại, nhìn
từ bên trong, là hệ quả của một quá trình nhầm lẫn giữa ý thức hệ với
quyền lợi quốc gia dân tộc. Nhìn từ bên ngoài, Việt Nam trên thực tế
đang là một quân bài mà Trung Quốc muốn sử dụng triệt để nhằm hiện thực
hóa tham vọng bá quyền của mình. Đây chính xác là một gọng kìm khiến
Việt Nam hầu như đã bỏ lỡ tất cả những cơ hội tuyệt vời nhất để vươn
mình lên trở thành một nhân tố tích cực trong cuộc cạnh tranh toàn cầu
về các giá trị phổ quát.
Thứ nhất, về sự
nhầm lẫn giữa ý thức hệ với quyền lợi quốc gia. Nhầm lẫn tai hại của các
thế hệ lãnh đạo cấp thượng tầng trong Đảng là đã cố tình làm sai lệch
vị trí của hai vấn đề này, thậm chí đã có lúc gộp nó thành một. Trung
Quốc hay bất cứ quốc gia nào, thậm chí cả Mỹ dưới nhiều hình thức, không
phải là một kẻ mơ hồ trong hành động. Là một quốc gia, họ luôn ý thức
được lợi ích của đất nước họ mới là giá trị bất biến. Việc thực hiện một
phương thức nào hay lựa chọn phương thức là cách họ biểu hiện ra bên
ngoài trình độ và ý thức cộng đồng của họ. Điều này thay đổi theo hoàn
cảnh chứ tuyệt nhiên không phải là sự minh chứng cho lòng tốt và cố
định.
Năm 1978, khi Trung Quốc thay đổi bằng
một cuộc cải cách, bản thân họ đã ý thức được các nguy cơ khi tiếp tục
theo đuổi câu chuyện viển vông và ngu xuẩn vào cái mà họ gọi là Xã hội
Chủ nghĩa. Trung Quốc từ thời điểm đó đã chính thức trở thành một quốc
gia theo đuổi mô hình kinh tế thị trường tự do dưới cái áo khoác mang
tên “Chủ nghĩa Xã hội mang màu sắc Trung Quốc”. Không phải ngay lập tức,
nhưng những đòi hỏi và sức ép bên trong cũng khiến Việt Nam nhận thức
ra vấn đề. Cuộc Đổi mới khởi sự năm 1986 cho thấy những biến chuyển ở
Việt Nam cũng là một sức ép. Nhưng điều đáng tiếc, trong hành động này,
các nhà lãnh đạo cao nhất đã từ chối chấp nhận thực tế rằng, sức ép đó
là giành cho vận mệnh của dân tộc. Họ chỉ thừa nhận thông qua hành động
của mình rằng, sự thay đổi đó là cần thiết cho việc duy trì vị thế lãnh
đạo của Đảng Cộng sản.
Đây là một điểm yếu mà
ngay lập tức Trung Quốc đã nhận ra và khai thác triệt để. Sẽ không phải
là thượng sách nếu bộ máy lãnh đạo của Việt Nam đồng lòng với nhân dân
trong nước đang khao khát thay đổi cục diện. Một mặt, bằng các chiêu
thức ngoại giao cao tay, Trung Quốc vô hiệu dần dần các đồng minh của
Việt Nam và kéo hẳn nó vào lòng mình. Mặt khác, Trung Quốc tạo ra cảm
giác họ đang đồng hành với Việt Nam trong bối cảnh cả hai nước đồng hành
trên con đường xây dựng XHCN. Thực tế đã cho thấy, trong một quốc gia,
sự không đồng lòng giữa lãnh đạo tối cao và nhân dân sẽ khiến cho sức
mạnh của họ suy yếu. Duy trì được sự suy yếu đó, nghĩa là khoét sâu được
mâu thuẫn giữa thượng tầng và hạ tầng sẽ tạo ra được một nước Việt Nam
tồn tại ở dạng “đầu Ngô, mình Sở” và dễ dàng thao túng. Chỉ cần can
thiệp được vào nội tình Việt Nam và khống chế được bộ máy cai trị, sự
đối nghịch nội bộ sẽ khiến Việt Nam luôn ở trong tình thế bị nội thương
và luôn èo uột. Thắng được nước cờ này, Trung Quốc đã yên tâm hơn để thi
triển những ngón đòn khác trong một tình thế mà Việt Nam không còn khả
năng kháng cự.
Thứ hai, Việt Nam như là
một quân tốt trên bàn cờ Trung Quốc đang đấu lại với phần còn lại của
thế giới. Sự phát triển bất chấp các quy luật và bài học về đạo đức của
Trung Quốc đã biến nó thành mối lo ngại của thế giới. Khó có thể nói
nhân dân Việt Nam, thậm chí cả một số nhà lãnh đạo cao nhất trong Đảng
lại không nhận ra mối lo ngại này (lập trường của VN trong cuộc họp
thượng đỉnh ASEAN vừa mới đây mách với ta điều đó). Làn sóng phản đối
Trung Quốc lẽ ra đã biến thành một cơn sóng thần đủ sức làm thay đổi
nhiều thứ liên quan đến vận mệnh đất nước nếu như nó không bị ngăn chặn
sau khi đã diễn ra trong suốt 11 tuần liền ở Hà Nội và một phần thành
phố Hồ Chí Minh.
Như đã nói, sự bành trướng của
chủ nghĩa bá quyền đã làm thay đổi quan điểm của nhiều quốc gia trong
mối quan hệ với Trung Quốc, đặc biệt là các nước láng giềng. Nói cách
khác, thậm chí những tham vọng không biết điều của nước này đã biến nó
thành kẻ thù hoặc ít nhất là một mối nguy hiểm thường trực của đa số các
nước láng giềng. trên thực tế, trong khoảng 10 năm tính đến 2012, cả Ấn
Độ, Nhật Bản, Mông Cổ, Nga, Nhật Bản đã có những động thái nhìn nhận gã
khổng lồ đang trỗi dậy bằng con mắt nghiêm khắc và đầy quan ngại. Việt
Nam, trong tình huống đã từ bỏ khả năng phản xạ đó, trở thành hướng đi
khả dĩ nhất cho con đường bành trướng quyền lực xuống phía Nam, ra Thái
Bình Dương qua hướng biển Đông. Đây chính là nguyên nhân quan trọng nhất
buộc Trung Quốc phải khắc chế để Việt Nam không trở thành một chướng
ngại vật. Điều đó cũng là một sự khẳng định về việc Trung Quốc sẽ cảm
thấy bất an như thế nào nếu Việt Nam thực sự là một quốc gia giàu mạnh
và có tiếng nói trung lập.
Như vậy, thách thức
thứ năm, cũng là thách thức lớn nhất của Đảng cộng sản Việt Nam chính là
việc nó có thực sự mong muốn thoát ra khỏi sự ảnh hưởng của Trung Quốc
hay không. Giải Hoa, Phi Hoa, trong đa số trường hợp được sử dụng như
một ngữ nghĩa học thuật. Nhưng trong bối cảnh này, nó là giải pháp ứng
xử chính trị có tính quyết định đến việc khẳng định lý do tồn tại của
Đảng trong lòng xã hội Việt Nam. Suy cho cùng, các biện pháp tuyên
truyền hay hào quang trong quá khứ không thể mãi là thành trì và cũng
không đủ vững vàng đảm bảo cho một vị trí lãnh đạo của Đảng nữa. Sự tồn
tại của nó trong tương quan với quan hệ Việt Nam - Trung Quốc tuyệt
nhiên cũng không phải là yếu tố có tính quyết định mà bản thân Đảng phải
nhận thức. Đảng Cộng Sản Việt Nam phải chính danh trong chính đất nước
mà nó được sinh ra và tự nhận là đại diện. Mất tính chính danh đi là mất
tất cả.
Kết luận: Vẫn chưa quá muộn để thay đổi.
Sự
tồn tại của quốc gia Việt Nam, từ thưở khai quốc, tuyệt nhiên không phụ
thuộc vào một triều đại, một hệ tư tưởng lãnh đạo, hoặc một đảng phái
nào. Không có một triều đại, không có một hệ tư tưởng lãnh đạo hoặc một
đảng phái nào là sự bảo đảm duy nhất cho tiến trình đó. Chỉ có ở trong
bản chất một nền văn hóa nuôi dưỡng lòng yêu nước chân chính, một chủ
nghĩa dân tộc bản lĩnh và khao khát theo đuổi lợi ích dân tộc là những
yếu tố không thể bị đánh cắp hoặc tráo đổi.
Đã
đến lúc từ bỏ tất cả những gì không phù hợp cho hệ quy chiếu này để tham
gia vào cuộc chạy đua cùng nhân loại. Đã đến lúc từ bỏ, ngay cả khi đó
từng là một ý thức hệ thiêng liêng và nhìn lại nguyên nhân của mọi yếu
kém, xấu xa hiện tại để đặt ra những vấn đề có tính hiện thực và chân
giá trị hơn. Hãy thực sự nghiêm túc với nhau, với chính mình để trả lời
cùng nhau những câu hỏi mà việc giải đáp nó bằng sự quyết tâm đích thực
sẽ giúp tìm ra được bí quyết đưa đất nước đi lên: Còn bao nhiêu trẻ em
chưa thực sự được đến trường, chưa được chăm sóc bằng tình thương yêu và
sự nghiêm khắc của đạo đức và tinh thần nhân văn? Còn bao nhiêu người
dân trong nước chưa được tiếp cận thông tin từ thế giới, được học tập để
có tay nghề, được hưởng một cuộc sống tinh thần thoải mái, thanh thản,
được tôn trọng các quyền cơ bản và không sợ bị bỏ tù khi bày tỏ chính
kiến. Và họ, với tư cách là chủ nhân đất nước và khai sinh của quyền lực
quốc gia đã hoặc có được tham gia quyết định các vấn đề liên quan đến
sinh mệnh của dân tộc hay chưa? Và sau hết, xin hãy tự hỏi liệu đất nước
mình đã có những bước tiến như thế nào so với chính mình và các nước
khác về lòng nhân ái, tình yêu thương và sự tin cậy của người dân các
quốc gia khác trên hành tinh này?
H.A.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN / Nguồn BVN