Thứ Năm, 11 tháng 10, 2012

Hội nghị Trung ương 6: Nguyễn Phú Trọng muốn gì?


KieuPhong (Danlambao) - Như chúng ta biết, tình hình kinh tế VN đang lâm vào giai đoạn khó khăn chưa từng thấy như các doanh nghiệp phá sản hàng loạt, nạn thất nghiệp trầm trọng, ngân hàng lao đao. Đối nội thì như thế, còn đối ngoại thì Bắc triều quấy phá, bắt bớ ngư dân, đánh chiếm biển đảo, càng ngày càng tập trung tàu chiến, lăm le xâm chiếm biển đảo.
Trong tình hình cấp bách như vậy, hội nghị TU6 được triệu tập khẩn cấp.
Ngỡ rằng hội nghị TU6 được họp khẩn cấp để nhằm lo đối phó đối nội kinh tế khó khăn, lo đối ngoại nguy cơ bị xâm chiếm biển đảo. Nhưng thực tế mục tiêu của nó chỉ là để tranh dành quyền lực trong đảng.
Từ sự kiện đấu đá nội bộ, lấy hội nghị TU6 làm bình phong của thượng tầng lãnh đạo đảng CSVN, chúng ta cũng nên điểm lại 3 nhân vật chóp bu với những nguyên do sâu xa của nó:
1. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang:
Thực ra ông Sang là nhân vật sáng giá nhất để ứng cử chức Thủ Tướng vào năm 2006. Nhưng vì dính 2 vết nhơ nên bị dìm hàng:
Đó là khi còn tại chức Bí thư Tp. HCM, Trương Tấn Sang bị nhúng chàm vụ án Năm Cam và vụ án ép tình bà Nguyễn Thị Hồng, giám đốc công ty xuất nhập khẩu quận 3. Trương Tấn Sang rủ bà Hồng đi qua Singapore ép ngủ qua đêm với mình. Người ta không chịu thì ông Sang ra lệnh công an bắt bỏ tù. Khi ra tù, vợ chồng bà Hồng đã làm đơn kiện Trương Tấn Sang lên Trung Ương.
Hai vụ án này còn nằm trong hồ sơ của cựu Tổng bí thư Nông Đức Mạnh (được ếm lại).
2. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng:
Cũng giống như Trương Tấn sang, ông Dũng là 1 trong 2 nhân vật được cựu Thủ tướng Võ Văn kiệt chiếu cố nâng đỡ, là 2 ứng viên sáng giá chức thủ tướng tương lai.
Võ Văn Kiệt trải qua bí thư Thành ủy Tp. HCM rồi lên chức thủ tướng.
Phan Văn Khải làm chủ tịch UBND Tp. HCM, sau được rút về trung ương làm Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Kế hoạch Nhà nước (UBKTKHNN) là chức vụ coi như dự bị để chuẩn bị nắm quyền thủ tướng.
Trương Tấn Sang cũng thế, sau khi trải qua chủ tịch UBND, rồi bí thư Tp. HCM, sau về trung ương như Phan văn Khải, nắm chức chủ nhiệm UBKTKHNN. Nhưng Nguyễn Tấn Dũng được 2 thái thượng hoàng Lê Đức Anh, Võ Văn Kiệt ủng hộ, nên ba Dũng được đưa lên nắm chức thủ tướng năm 2006. Tư Sang bị ra rìa.
Vào nhiệm kỳ 2 thủ tướng năm 2010 cũng có đồn đoán Trương Tấn Sang tranh giành chức thủ tướng với Nguyễn Tấn Dũng, nhưng thất bại, Tư Sang nắm chức Chủ tịch nước với quyền hạn hạn chế.
Do đó không có gì ngạc nhiên khi Trương Tấn Sang liên kết với Nguyễn Phú Trọng quyết sống mái với phe Nguyễn Tấn Dũng kỳ Hội nghị Trung ương 6 này. Vì đây là cơ hội giành thắng lợi của 2 ông Sang - Trọng.
3. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng:
Như chúng ta biết, dưới chế độ CS thì đảng CS nắm quyền tuyệt đối, chẳng khác gì như vua, khi chết gục mới trao lại chức vụ Tổng bí thư cho đảng.
Hồi xưa chức danh Thủ tướng gọi là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (CTHĐBT) quyền hạn rất hạn chế (như ông Phạm Văn Đồng).
Để chống lại sự thu tóm quyền lực vào tay Tổng bí thư, các nước CS sau này đã thực hiện một sự thay đổi lớn, bằng cách giới hạn nhiệm kỳ Tổng bí thư hoặc giới hạn tuổi, như 2 nước Trung Quốc và Việt Nam thời gian qua đã thực hiện.
Khi Tổng bí thư làm đúng chức năng của mình (công tác đảng, chỉ đạo, nắm Bí thư Quân ủy Trung ương..), thì Thủ tướng điều hành Chính phủ gồm các bộ, ban, ngành trực thuộc Chính phủ đúng với quyền hạn của mình, cũng giống như các nước có Thủ tướng nắm quyền như Pakistan, Ấn Độ, Singapore, Iraq (chỉ khác là các quốc gia đó không phải Cộng sản mà theo chế độ Tư bản, cơ cấu Đại Nghị, quốc hội nắm quyền lập pháp cao nhất, Thủ tướng nắm quyền hành pháp. Quyền hạn thủ tướng VN được tăng lên là giai đoạn Nông Đức Mạnh nắm Tổng bí thư.
Nông Đức Mạnh là một tổng bí thư có vẻ lùi về phía sau, chỉ đạo từ hậu trường. Cùng lúc đó Thủ tướng được trao nhiều quyền hơn để chủ động điều hành xã hội gần như mọi lãnh vực. Nói cách khác chính cựu Tổng bí thư Nông Đức Mạnh tạo điều kiện cho Thủ tướng được nhiều quyền hạn chủ động hơn.
Còn chính quyền địa phương (ngoài tầm kiểm soát của chính phủ) phân cấp theo chế độ phân quyền. Do đó các chính quyền địa phương có quyền hạn rất lớn ảnh hưởng trực tiếp đến mọi sinh hoạt đời sống tinh thần vật chất, tự do của người dân. Kẻ đứng đầu chỉ đạo địa phương chính là Bí thư tỉnh, thành phố, đều là Ủy viên Trung ương đảng, hay Ủy viên Bộ Chính trị (hãy nhìn nhân vật Bạc Hy Lai để biết bí thư Tỉnh tác động đến đời sống người dân như thế nào).
Trở lại vấn đề, trong thời gian Nông Đức Mạnh làm Tổng bí thư, lần đầu tiên có 2 người miền Nam nằm trong tứ trụ triều đình cộng sản Việt Nam. Đó là Nguyễn Minh Triết nắm Chủ tịch nước, Nguyễn Tấn Dũng nắm Thủ tướng, và hiện nay là Trương Tấn Sang và Nguyễn Tấn Dũng.
Tất cả đều có nguyên do: Từ khi ông Hồ Chí Minh tuyên bố độc lập đến năm 1985, người miền Bắc chưa từng được hưởng không khí tự do tư bản thực sự, nên chịu ảnh hưởng chế độ phong kiến và chế độ tài đảng trị cs, vì vậy cho nên tư tưởng còn rất phong kiến, bảo thủ. Mặt khác người miền Bắc rất nặng tính địa phương, cục bộ, đồng hương. Do chịu tác động như vậy, nên sinh ra hiện tượng phe phái mang tính địa phương cục bộ nặng nề.
Đây là một trong những nguyên do chính khiến thời Nông Đức Mạnh đã đưa người miền Nam lên nắm 2 vị trí cao trong tứ trụ nhằm cân bằng phe phái. Điều này cũng giống như Nông Đức Mạnh là nhân vật trung dung được đưa lên làm Tổng bí thư do các phe phái không đưa được người của mình lên giữ chức vụ này. Như vậy người miền Nam giống như con cờ trung dung được sử dụng để cân bằng các phe phái miền Bắc (người miền Nam không có tính cục bộ địa phương, mà chúng ta thấy rõ 2 nhân vật ba Dũng, tư Sang như nước với lửa, không liên kết dù là cùng dân miền Nam).
Thực ra hiện nay Tổng bí thư còn nhiều quyền hạn, ngoài công việc đúng chức năng của nó như công tác đảng, chỉ đạo... còn nắm quyền tối cao quân đội và một số quyền hạn quyết định quan trọng khác, ví dụ như vụ Bô xít Tây Nguyên, Ký kết phân định biên giới, giải tỏa đất đai diện tích rộng lớn,... đều phải thông qua Tổng bí thư và Bộ Chính trị.
Nhưng Tổng bí thư không còn được huy hoàng như thời cựu Tổng bí thư Lê Duẩn giống như vua.
Do đó, nếu xác định hội nghị Trung ương 6 không nhằm lo đối phó hiện tình kinh tế đất nước khó khăn, cũng như đối phó đề phòng ngoại bang lăm le xâm chiếm biển đảo, thì Hội nghị TU6 triệu tập khẩn cấp nhằm mục đích gì?
Rõ ràng không ngoài mục đích lợi dụng tình hình chính phủ điều hành phạm nhiều sai lầm, trong đó nổi cộm là 3 vấn đề doanh nghiệp sụp đổ hàng loạt, ngân hàng đang nguy cơ phá sản do Thống đốc Ngân hàng Nguyễn Văn Bình điều hành độc đoán tùy tiện và kém cỏi, và lạm phát tăng chóng mặt. Phe Trọng - Sang thừa cơ lấy danh nghĩa Thủ tướng điều hành chính phủ có nhiều sai lầm, chống tham nhũng, đảng viên suy thoái đạo đức để hạ bệ Nguyễn Tấn Dũng, không ngoài mục đích tăng thêm quyền hạn cho mình.
Phải chăng Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng muốn khôi phục đảng trị, muốn Tổng bí thư nắm về mặt đảng và cả Hành pháp? Hay muốn thực hiện theo chân quan thầy Trung Cộng, Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước?
Ngẩm lại, thời cha ông xưa lắc xưa lơ, thời Trần Nhân Tông mở Hội nghị Diên Hồng cùng với toàn dân nhằm lo đối phó chống giặc Nguyên Mông lăm le xâm chiếm nước ta lần 2 mà thấy Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng mở hội nghị TU6 này thật trái ngược với tiền nhân.
Ngẩm nghĩ mà buồn vậy.