Để hiểu rõ sự kiện lịch sử tệ hại này, mời các bạn
tìm đọc tập hồi ký rất chân thực và sinh động của nguyên thứ trưởng
ngoại giao Trần Quang Cơ, với đầu đề “Hồi Ức và Suy Nghĩ” dày hơn một
trăm trang, mô tả tỷ mỷ các sự kiện, khắc họa từng nhân vật các bên ở
một thời điểm lịch sử then chốt.
Sau chiến tranh biên giới phía Tây Nam và biên giới
phía Bắc những năm 1976 -1979, rồi chiến sự ở Campuchia kéo dài đến
cuối năm 1988, mối quan hệ Việt Nam và Trung Quốc vốn dĩ phức tạp từ xa
xưa, khi bạn, khi thù, đến đây lại có bước ngoặt, từ chiến tranh quyết
liệt, từ đối đầu chuyển sang bình thường hóa, rồi từ bình thường hóa
chuyển nhanh sang tình hữu nghị «16 chữ vàng» và «láng giềng tốt, bạn bè
tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt», trên thực tế là phía lãnh đạo Việt Nam
chịu sự phụ thuộc về nhiều mặt đối với thế lực bành trướng nước lớn.
Thái độ này được các nhà trí thức yêu nước và bà
con ta gọi là thái độ “hèn với giặc, ác với dân”, từ sự kiện Thành Đô
đến nay đã kéo dài 22 năm.
Về các nhân vật lãnh đạo vào thời điểm tháng
9-1990, nên chú ý: Lê Duẩn, nguyên tổng bí thư từ năm 1960 - là người
chống Trung Quốc bành trướng quyết liệt nhất - đã chết bệnh ngày
10-7-1986. Trường Chinh làm quyền tổng bí thư từ tháng 7 đến tháng 12
-1986, rồi làm cố vấn Ban Chấp hành Trung ương, chết ngày 30-9-1988.
Trường Chinh khi cuối đời rất hăng hái với việc ghi trong Hiến pháp 1980
đoạn lên án bọn xâm lược và bành trướng Trung Quốc.
Nguyễn Văn Linh được bầu là tổng bí thư trong Đại
hội đảng lần thứ VI cuối năm 1986, chỉ làm 1 nhiệm kỳ, đến Đại hội VII
làm cố vấn. Ông Linh nổi tiếng là con người hời hợt, không có chiều sâu,
hay ngả nghiêng, có thời rất cởi mở, viết báo đều trong chuyên mục
«Những việc cần làm ngay» ký tên N.V.L. (sau bị châm biếm là « Nói và
Lừa »), sau lại quay sang kiểm soát chặt báo chí. Có dạo được coi là một
Gorbachev Việt Nam, chủ trương cởi trói cho văn nghệ sỹ được tự do sáng
tác, sau đó lại quay ngoắt sang trừng trị họ. Tại Thành Đô ông là kẻ
ngây ngô tán tỉnh Giang Trạch Dân và Lý Bằng nên ưu tiên thắt chặt tình
hữu nghị Trung - Việt do cùng là nước xã hội chủ nghĩa anh em (!). Ông
còn có lúc ngả sang theo quan điểm thâm độc của Lê Đức Anh là thực hiện
«giải pháp đỏ», nghĩa là đoàn kết trước hết các đảng cộng sản Trung
Quốc, Việt Nam, Khơme Đỏ theo bản chất cộng sản là anh em thân thiết
nhất. Ông từng nghe bùi tai lời của Lê Đức Anh là “tôi từng quen, là bạn
và làm việc với Pon Pot”. Ông Linh bị nhỡ tàu khi phía Trung Quốc trả
lời rằng Trung Quốc chỉ coi quan hệ với Việt Nam như với mọi nước bình
thường khác.
Phạm Văn Đồng bị nhử sang Thành Đô chỉ là do phía
Trung Quốc hé ra khả năng ông sẽ được Đặng Tiểu Bình – lúc ấy là lãnh tụ
cao nhất tiếp. Về sau ông tỏ ý tiếc, rằng lẽ ra ông không nên đi. Con
người ông lú lẫn đến mức quên rằng Đặng là kẻ mưu thâm và tàn ác nhất
khi đích thân ra lệnh cho quân bành trướng khi rút quân phải phá sạch,
giết sạch, không ngần ngại, theo phương châm 4 chữ «sát cách vô luận».
Bắc Kinh triệu tập cuộc họp Thành Đô một cách rất
trịch thượng. Đại sứ Trung Quốc Trương Đức Duy chỉ báo trước có 5 ngày,
yêu cầu ngày 2-9-1990 phải có mặt ở Thành Đô, lại là ngày Quốc khánh
chẵn của Việt Nam.
Hàng đầu: Tổng bí thư Giang Trạch Dân cùng Thủ tướng Lý bằng đứng giữa. Phía bên phải Giang là Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh và Cố vấn Phạm Văn Đồng (chắp tay). Phía bên trái Lý là Thủ tướng Đỗ Mười, Chánh văn phòng TW Hồng Hà, Thứ trưởng ngoại giao Đinh Nho Liêm.
Sau Thành Đô, Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân, Lý
Bằng hiểu rõ bụng dạ của từng người lãnh đạo Việt Nam, nên ngay năm sau
1991 họ đã vận động để gạt phăng Nguyễn Cơ Thạch ra khỏi Bộ Chính trị,
đưa Đỗ Mười thay Nguyễn Văn Linh làm tổng bí thư, đưa Lê Đức Anh lên
cương vị chủ tịch nước, rồi đưa Nông Đức Mạnh làm chủ tịch Quốc hội và
tổng bí thư sau này. Cả một bộ sậu thân Tàu, chịu khuất phục Tàu, lũng
đoạn nền chính trị nước ta cho đến tận ngày nay
Nguồn VOA