Thứ Tư, 14 tháng 3, 2012

Láng giềng 16 chữ vàng của Đảng giết Quân Đội của Nhân Dân


HÔM NAY GẠCMA Tháng Ba 14, 2012 — nguyencuvinh





Các anh nghẹn ngào khi xem lại cảnh các đồng đội bị giặc bắn, tại Khu du lịch Suối Lương, Đà Nẵng năm 2011
Hôm nay ngày đảo Gạcma rơi vào tay Trung Quốc: 14/3/1988. Mình nhớ anh hùng liệt sĩ Trần Văn Phương, đã vì Gạcma, chết vì nước Việt, chết vì bảo vệ chủ quyền đất đai cương giới . Nhà Phương cách nhà mình chưa tới hai cây số. Ngày Phương hy sinh, mình chạy xuống nhà, gặp người vợ trẻ của Phương lúc ấy đang mang bầu đứa con đầu. Sau này mình mới biết rõ ràng cái chết anh hùng của Phương. Lính Trung Quốc đã bắn chết tất cả các chiến sĩ giữ đảo, 64 chiến sĩ và Phương hy sinh trong tư thế dầm mình trong nước biển, hai cánh tay anh ghì chặt lấy lá cờ tổ Quốc. Phương hy sinh trong tư thế ấy, tư thế anh hùng, tư thế của một người lính sống và chết vì nhiệm vụ bảo vệ đảo. Ngày hôm ấy, lá cờ Tổ Quốc mang màu đỏ thêm lần nữa nhuốm máu người chiến sĩ. Sau này vợ Phương sinh con gái. Hai mươi năm sau con gái Phương trưởng thành, với nguyện vọng được phục vụ trong đơn vị Hải quân của cha, và cô bé ấy đã thành chiến sĩ Hải quân. Trong một chuyến ra công tác ở đảo Trương Sa, con gái Phương đã đi qua nơi đảo chìm Gạcma, nhìn thấy cái nơi cha của cháu hy sinh, cháu viết thư về cho mẹ: Mẹ ơi, con đã tới được hòn đảo nơi cha của con đã hy sinh vì Tổ Quốc. Hôm nay, đúng ngày Phương hy sinh, mình không ngủ được. Mình đã được xem clip ghi lại được cuộc tấn công tàn bạo của Tàu Trung Quốc tấn công đảo Gạcma, bắn chết các chiến sĩ của ta, nhìn thấy cả hình ảnh Phương ôm chặt lá cờ lảo đảo ngã xuống trong làn đạn của quân xâm lược. Những hình ảnh ấy ai đã xem thì không thể nào quên được, nó làm con tim ta nhức buốt, muốn gào lên, thét lên, đau đớn và căm giận tột cùng. Thế hệ những người lính như Phương cùng thế hệ của mình, của Đoàn Văn Vươn, trẻ lắm, nhiệt huyết lắm. Những người lính bao giờ cũng trẻ, họ cống hiến tuổi trẻ cho Tổ Quốc và khi họ ngã xuống cũng là những cái chết trẻ. Nếu Phương còn sống, có thể Phương đã thành sĩ quan cấp cao, hoặc ra quân về làng, ngày ngày gieo lúa trồng khoai. Cũng như Đoàn Văn Vươn, ra quân, học đại học, về làng lập nghiệp. Người lính khi bảo vệ biển đảo của Tổ Quốc, dù chỉ là một đảo chìm, chỉ là một gờ đá, nhưng đã là đất đai nước Việt dù chết cũng cam lòng-chết Anh hùng như Phương. Người lính khi về làng, hai sương một nắng, thèm khát lao động, vẹn nguyên tình yêu với đất đai, như Đoàn Văn Vươn, mang cả tính mạng, sức lực của mình quai đê lấn biển, vươn cánh tay ra biển, ưỡn ngực đón lấy bao nhọc nhằn, để sống, để làm giàu trên đất, vì đất. Nếu ngày đó, Đoàn Văn Vươn có mặt ở đảo, chắc chắn Đoàn Văn Vươn cũng sẽ tình nguyện hy sinh giữ đảo như Trần Văn Phương đã tình nguyện hy sinh giữ đảo. Nếu hôm nay Phương sống, Phương cũng có thể trở thành người quai đê lấn biển, nuôi cá, nuôi tôm, với ý chí cao cả là làm giàu cho bản thân mình, đóng góp cho xã hội. Người lính là thế, luôn hy sinh, luôn chịu thiệt thòi, luôn đứng ở hàng đầu tiên trong mọi công việc, trong mọi khó khăn, trong mọi thử thách. Phương hy sinh cũng là để giữ đất, giữ đảo, Đoàn Văn Vươn cũng thế, anh đã cùng gia đình ròng rã hai mươi năm để giữ đất, để sinh tồn. Và cũng vì để giữ đất, anh lại phải chịu sa chân vào đường lao lý. Gạcma của Phương mãi lưu giữ trong nhiều thế hệ người Việt yêu nước. Đảo có thể mất nhưng tên đảo còn, tên những người giữ đảo còn, mãi mãi như thế.
Những người lính lưu danh họ bằng hành động.

XEM:   Ai đã ngầm thỏa thuận bán Biển Đông choTrung quốc ?

                  Láng giềng 16 chữ vàng của Đảng chiếm đảo Gạc Ma của VN.