…”Kháng chiến kiểu mới”…
Đó
là một câu mà đạo diễn bộ phim “Hoàng Sa – nỗi đau mất mát” – André
Menras Hồ Cương Quyết trả lời báo “Xa Xứ” tại buổi gặp gỡ mới đây trong
chuyến công du trình chiếu bộ phim mà ông là đạo diễn và viết kịch bản .
Hiếm có một người ngoại quốc nào yêu Việt Nam đến thế, gắn bó với Việt
Nam trong giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ giải phóng thống
nhất đất nước. Từng bị chính quyền Việt Nam Cộng Hòa cầm tù. Sau này,
đất nước thống nhất ông vẫn giúp đỡ Việt Nam, xin được nhiều học bổng
cho sinh viên Việt du học…trong những năm gần đây ông cũng là người lên
tiếng mạnh mẽ về hành động bành trướng xâm chiếm biển đảo của nhà cầm
quyền Trung Quốc, quyên góp giúp đỡ các gia đình ngư dân Lý Sơn – Quảng
Ngãi. Bộ phim tài liệu “Hoàng Sa nỗi đau mất mát” của ông là một minh
chứng cho tình yêu Việt Nam, trách nhiệm công dân (ông có quốc tịch Việt
Nam) với chủ quyền bờ cõi dân tộc.
Sau đây là nội dung cuộc trò chuyện của báo “Xa Xứ” với ông André Menras Hồ Cương Quyết.
BBT báo Xa Xứ
Báo Xa Xứ (Xa Xứ) : Nhiều
khi chúng tôi tự hỏi – không hiểu sao anh lại yêu Việt Nam của chúng
tôi đến thế? Anh còn hơn rất nhiều những người Việt “nguyên bản” không
phải “hàng nhái” mà thờ ơ với vận mệnh dân tộc. Xuất phát điểm của tình
yêu ấy từ đâu, thưa anh?
André Menras Hồ Cương Quyết (AM HCQ) :
Xin được nói và sửa ngay cái câu “Việt Nam của chúng tôi…” Việt Nam là
tổ quốc của tôi, của các anh nữa chứ (cười hóm hỉnh). Tôi là một giáo
viên sang Việt Nam dạy tiếng Pháp tại Miền Nam
Việt Nam khi quân xâm lược Mỹ đang hiện diện ở đó. Khi đó tôi ở Đà Nẵng,
tôi đã tận mắt chứng kiến các tội ác như tra tấn, mổ bụng mà đội quân
này và Đại Hàn gây ra với nhân dân Việt Nam. Là một thanh niên Pháp,
sống trong hòa bình và các giá trị của cuộc cách mạng mạng Pháp 1789 “
tự do, bình đẳng, bác ái”. Lúc đó tôi không biết Maxr, Lenin… tôi phản
đối chiến tranh với nhiệt huyết của tuổi trẻ. Tôi đã xác định ủng hộ
cuộc kháng chiến giành độc lập tự do mà các bạn đang tiến hành. Cụ thể
là ủng hộ Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng một cách công khai. Tôi đã phất cờ
MTGP trước Nghị Viện chính quyền Sài Gòn… Bị bắt, bị tù tại khám Chí
Hòa. Tôi bị tù cùng với những thanh niên tranh đấu, với những người cộng
sản, và chính họ đặt cho tôi cái tên Hồ Cương Quyết. Ý chi đấu tranh vì
độc lập tự do dân tộc của họ đã làm tôi cảm phục. Càng bị tra tấn họ
càng vững vàng. Trong số họ có những người đã hi sinh (xúc động và khóc,
) tinh thần đó, hình ảnh đó lý tưởng độc lập tự do của họ đã cho tôi
tình yêu và sức mạnh tới tận bây giờ. Khi đã mang tên là Hồ Cương Quyết
thì tôi sẽ cương quyết tới cùng để bảo vệ chủ quyền độc lập của dân tộc
Việt Nam trước bất cứ một kẻ xâm lược nào, cường quốc nào, dù mạnh tới
đâu… dù tôi là một người bình thường, một người “Tà Ru” nghĩa là “Tù
Ra”. Trong tù tôi học Tiếng Việt, đọc lại lịch sử Pháp và biết nhân dân
Pháp đã từng ủng hộ Việt Nam. Tôi học sử Pháp từ trong tù đấy (cười)…
Trò chuyện tại VP Ban Biên tập báo Xa Xứ
Bìa báo Xa Xứ số 252, ra ngày 27.3.2012
Buổi chiếu phim “Hoàng Sa Việt Nam-nỗi đau mất mát” tối 26.3 Tại Praha, CH.Séc. Ảnh: Xa Xứ
Xa Xứ: Chúng
tôi thấy tình yêu Việt Nam của anh lũy tiến lên trong thời gian gần
đây. Các vấn đề như khai thác bauxite tại Tây Nguyên, biển đảo, biên
giới. Anh đã lên tiếng với trách nhiệm của một công dân, một người gắn
bó với Việt Nam. Anh có nghĩ mình sẽ gặp trở ngại từ phía chính quyền
khi anh bầy tỏ tình yêu nhất là khi anh làm bộ phim “Hoàng Sa Nỗi Đau
Mất mát”?
AM HCQ: Lúc trước tôi và
bạn bè tôi đã hi sinh vì độc lập tự do cho Việt Nam. Những giá trị ấy
không bao giờ thay đổi, nó phải được bảo toàn và giữ vững. Thời gian qua
cho thấy Việt Nam đang đứng trước nguy cơ bị mất chủ quyền độc lập
trước âm mưu bành trướng bá quyền kiểu mới của nhà cầm quyền Trung Quốc.
Các ngư dân Miền Trung bị bức hại, đánh đập, bắn chết khi đang hành
nghề trên vùng biển truyền thống của mình. Khi dã tâm xâm lược, chiếm
đóng quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa – Biên giới. Khi Trung Quốc khai thác
bauxiter trên một địa bàn địa chiến lược quan trọng – Tây Nguyên – “nóc
nhà của Đông Dương”…ngày một gia tăng. Tôi không thể im lặng. Tôi xác
định giai đoạn này là tiến hành “Một Cuộc Kháng Chiến Kiểu Mới” để giữ
vững độc lập tự do cho Việt Nam trước bất cứ kẻ thù nào, cường quốc nào
dù là Mỹ hay Trung Quốc…và giữ giá trị thiêng liêng là độc lập mà tôi đã
tranh đấu. ..bộ phim của tôi được sự ủng hộ của BVH&TT – BNG – và
nguyên Chủ Tịch Nguyễn Minh Triết…nhưng khi chiếu tại thành phố Hồ Chí
Minh thì bị cấm mà không hề có văn bản, tên người ra lệnh cấm, mặc dù
phim đã có giấy phép. Vì chẳng có chứng cớ, nên tôi khó biết, khó hiểu,
nó cứ chung chung như là “tàu lạ” còn đây là “người lạ”… không có ai trả
lời câu hỏi của tôi là lệnh từ đâu? Như thế là có vấn đề: trong lãnh
đạo bây giờ không có thống nhất về vấn đề đó. Có người phản đối, có
người ủng hộ tôi. Tôi không sợ bất cừ điều gì, có người kể chuyện một
phóng viên UPI bị hành hung, Lãnh sự quán Pháp tại SG cũng khuyên tôi
cẩn thận khi đi ngoài đường bị “tai nạn” xe…khi còn trẻ tôi đã chẳng sợ,
giờ hơn sáu mươi rồi, có gì phải sợ đâu. Tôi không lật đổ chế độ, không
manh động, không ai có thể nói tôi là “phản động”, tôi không yêu Việt
Nam…tôi không tham gia bất cứ một đảng phái nào, tôi không có tài sản
lớn, không ai mua chuộc chuộc nổi tôi, lương hưu của tôi là hai nghìn
Ero. Tôi chỉ có một tình yêu Việt Nam và vì nền độc lập của Việt Nam mà
tôi tranh đấu từ khi còn trẻ tới giờ. Tôi chỉ nói lên sự thật, mặc dù có
một số người ở Việt Nam không muốn nói lên sự thật. Không dũng cảm nói
lên sự thật, trong đó có một số người lãnh đạo, nhưng không phải là tất
cả. Hiện nay, dân chủ đang gõ cửa, đang sửa đổi hiến pháp, đó là tín
hiệu đáng mừng. Nhân dân không ai muốn lật đổ chính quyền, họ đi biểu
tình là biểu thị lòng yêu nước. Sức mạnh là lòng dân chứ không hẳn là vũ
khí hiện đại. Sợ nhất là khi người dân dửng dưng trước hiểm họa chủ
quyền bị đe dọa. Khi làm phim tôi gặp những gia đình ngư dân ở Lý Sơn,
người thân của họ bị Trung Quốc bắt giữ, đánh đập, đối xử như súc vật,
đòi tiền chuộc…(xúc động và khóc). Tôi buồn và giận chính quyền vì không
có biện pháp cứu trợ giúp đỡ gia đình họ. Họ vẫn bất chấp hiểm nguy ra
khơi như để khẳng định chủ quyền biển đảo, chủ quyền Hoàng Sa – Trường
Sa từ bao đời nay là của Việt Nam. Họ thự sự là những chiến sĩ của Việt
Nam. Phải có chính sách hỗ trợ gia đình họ như miễn phí về việc học hành
của con họ, trợ cấp lương thực, vốn cho họ để họ tiếp tục hành nghề. Họ
đơn độc trên biển, không có hải quân, tầu bảo vệ biên phòng…nếu Việt
Nam mất đảo là sẽ mất biển luôn, tương lai của Việt Nam sẽ thế nào? Tây
Nguyên thì Trung Quốc hiện diện rồi, rừng đầu nguồn TQ thuê rồi, dù Đại
Tướng Võ Nguyên Giáp cùng bao nhiêu bậc tướng lĩnh, cựu chiến binh, lão
thành cách mạng, trí thức, văn nghệ sĩ phản đối. Bây giờ là biển, ngư
trường, thềm lục địa…nền độc lập của Việt Nam chưa bao giờ bị đe dọa như
bây giờ…
Xa Xứ : Được biết, anh đã
tham gia cuộc biểu tình phản đối âm mưu xâm lược lấn chiếm, đòi TQ tôn
trọng chủ quyền biên giới hải đảo của Việt Nam. Anh nghĩ thế nào về các
cuộc biểu tình tự phát tại TP HCM và Hà Nội trong thời gian vừa qua?
AM HCQ:
Đó là biểu thị lòng yêu nước, ý thức về chủ quyền, về độc lập tự do của
Việt Nam từ xưa tới nay. Ôn hòa, không kích động, bài xích Trung Quốc.
Chỉ yên cầu TQ tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, tuân thủ luật pháp về
biển, luật pháp quốc tế. Chính quyền muốn mạnh, muốn giữ vững phải dựa
vào lòng dân. Hoàn toàn không có sự chống đối, bạo động, kích động lật
đổ chính quyền. Các cuộc biểu tình mang ý nghĩa đó. Tôi đã đi biểu tình,
để nói lên sự căm phẫn của tôi đối với nhà cầm quyền Trung Quốc, và
biểu lộ sự ủng hộ toàn diện của tôi với nhân dân Việt Nam cũng như nhân
dân các nước bạn ASEAN mà cái “ lưỡi bò“ của Trung Quốc muốn chiếm đoạt
biển đảo thiết yếu cho cuộc sống hôm nay và sự phồn hoa ngày mai. Tôi
đi biểu tình để vợi bớt sự cay đắng tích lũy từ nhiều tháng, nhiều năm
qua. Cùng đi với tôi là những người bạn đã từng chia sẻ hoạn nạn và
chung lưng đấu cật đấu tranh trong nhà tù của chế độ độc tài làm tay sai
cho xâm lược Mỹ. Thế là thế hệ lục tuần chúng tôi đã gặp lại nhau, với
đầu óc, trái tim và niềm tự hào của tuổi hai mươi, đoàn kết chống lại
cuộc xâm lược mới. Khẩu hiệu chúng tôi hô vang là những lời trong sáng,
không một chút vẩn đục hận thù. Đó là biểu hiện của một sức mạnh an
nhiên, hầu như vui tươi, không một chút sợ hãi. Và chắc chắn là không sợ
những cái dùi cui mà chúng tôi đã thấy ngay trước mặt. Chúng tôi đã
nhận lời chính quyền TP.HCM, cụ thể là ông Nguyễn Thành Tài, Phó chủ
tịch Ủy ban Nhân dân, và ông Nguyễn Văn Đua, Phó Bí thư thường trực
Thành ủy, đã có nhã ý mời chúng tôi đối thoại. Với hai vị, chúng tôi đã
khẳng định là chúng tôi kiên quyết lên án thái độ hiếu chiến, bành
trướng chủ nghĩa của chính quyền Bắc Kinh ở Biển Đông. Chúng tôi cũng
nói rõ với các vị không gì và chẳng ai có thể ngăn chận được sự phẫn nộ
xuất phát từ lòng yêu nước của nhân dân, bởi đó là sự phẫn nộ lành mạnh,
chính đáng và cần thiết để bảo vệ đất nước. Đó là sự phẫn nộ cứu quốc.
Chúng tôi đã yêu cầu chính phủ và Nhà nước Việt Nam tạo điều kiện để thể
hiện trong tinh thần trách nhiệm, hòa bình, kiên quyết, toàn diện trong
sự tôn trọng trật tự. Có những tình huống mà im lặng không giúp ta
tránh né được hiểm nguy, ngược lại chỉ làm tăng mối họa vì đối phương
lầm tưởng im lặng là bạc nhược. Làm
sao có thể
trông mong vào sự ủng hộ của công luận thế giới nếu ta cấm đoán chính
nhân dân ta lên tiếng? Phản ứng ngoại giao tất nhiên là cần thiết, nhưng
không đủ để tranh thủ được sự đoàn kết quốc tế mà Việt Nam rất cần
trong lúc này. Làm sao mà những người đã từng dựa vào sức mạnh của nhân
dân để giải phóng và thống nhất đất nước ngày nay lại có thể cản ngăn
quyền thông tin và hành động của nhân dân? Hoàng Sa và Trường Sa là của
Việt Nam? Ta không nên tự bằng lòng với những cuộc họp của mấy chuyên
gia Việt Nam để khẳng định điều ấy một cách âm thầm với vài chuyên gia
quốc tế. Các hội nghị ấy đều quan trọng, nhưng chúng ta cần khẳng định
chủ quyền ấy trong các trường học, trong các chương trình sử địa ở cả
nước. Tôi rất sửng sốt và đau buồn khi thấy trên đảo Lý Sơn, nơi xuất
phát của những ngư dân vẫn kiên trì đánh cá ở vùng biển Hoàng Sa, hòn
đảo đứng đầu sóng ngọn gió trong cuộc tranh đấu để khẳng định chủ quyền
của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa, con em của họ không được biết gì về
địa lý của những hải đảo, nơi mà cha anh của các em bị hải quân Trung
Quốc bắt bớ, giam cầm, nhận chìm tàu thuyền. Biết bao tấm bản đồ hành
chính Việt Nam còn thiếu vắng đảo Hữu Nhật và Quang Ánh, những địa danh
mang nặng nghĩa tình vì tại đây, tổ tiên của họ trong hải đội Hoàng Sa
đã hy sinh! Tôi rất hiểu vị thế cực kỳ khó khăn và tế nhị của các nhà
lãnh đạo Việt Nam mong muốn tránh cho nhân dân mình đã trải qua bao đau
thương trong suốt lịch sử dân tộc phải gánh chịu những hy sinh mới. Ai
cũng biết Trung Quốc là một cường quốc kinh tế và quân sự có khả năng
làm hại và tàn phá to lớn, nhất là đối với những nước lân cận như Việt
Nam. Nhà cầm quyền Trung Quốc đã chứng tỏ họ không ngần ngại làm đổ máu
Việt Nam: năm 1974, năm 1979, năm 1988. Ngày nay họ vẫn tiếp tục, họ vin
vào bất cứ biểu hiện kháng cự chính đáng nào để hành động khiêu khích,
giết chóc, phá hủy và chiếm đóng. Những con người đã làm đổ máu chính
nhân dân họ, thanh niên của nước họ năm 1989, những con người ấy không
biết băn khoăn, coi trọng mạng sống con người là gì. Nhưng sợ hãi không
đẩy lùi được hiểm họa. Ngược lại, khi bị chó sủa mà anh bỏ chạy, thì nó
sẽ đuổi theo anh và cắn anh. Cụ Bùi Thượng 73 tuổi, vô địch lặn nước sâu
ở Lý Sơn, rất biết điều ấy: “ Gặp một con cá mập lớn, thì phải đối mặt
với nó, nhìn trừng mắt vào nó. Có như thế thì nó mới không tấn công“. Có
những thời điểm phải biết đối mặt. Đó là vấn đề sống còn. Đối mặt trước
hết là nói thật, nói sự thật. Ở Bình Châu và Lý Sơn, tôi đã phỏng vấn
những ngư dân ngày ngày phải liều mạng ra khơi. Họ kể rằng họ đã đụng
phải những đoàn tàu đánh cá Trung Quốc tới sát đảo 20 hải lý. Những đội
đánh cá Trung Quốc tổ chức chặt chẽ, hung hãn, chắc là được sự yểm trợ
của hải quân Trung Quốc đóng căn cứ ở Hoàng Sa. Còn ngư dân Việt Nam,
tôi không thấy ai nói là cảm thấy được bảo vệ hay yểm trợ! Và khi gặp
họa, thì bị bắt, bị giam cầm, bị tịch thu cá mú và thiết bị, và những
món nợ to lớn phải trả. Thân cô thế cô, như ông Tiêu Viết Là, người xã
Bình Châu, bốn lần bị Trung Quốc bắt giam. Trợ cấp của nhà nước hoặc
không có, hoặc không thấm vào đâu. Phải anh hùng đến mức nào mới tiếp
tục đi khơi ra lộng trong tình hình như vậy! Món tiền tượng trưng hai
triệu đồng mà chính quyền thi thoảng ban phát nơi này nơi kia không thay
đổi được số phận của họ. Món tiền hàng tỉ đồng mà các đại gia bỏ ra để
xây tượng đài ở Trường Sa không giúp gì cho họ sống qua ngày. Phải lên
tiếng, phải nói về họ. Họ phải được hưởng một chương trình hỗ trợ chính
thức của Nhà nước, một chương trình ưu tiên và tối thiểu cũng phải cung
cấp lương thực, nhu yếu phẩm và thuốc men. Con cái của họ phải được học
và chăm sóc sức khỏe hoàn toàn miễn phí. Các cháu các em phải được coi
là nghĩa tử quốc gia. Bảo vệ các em, mẹ của các em là bảo vệ biển đảo,
là bảo vệ đất nước một cách cụ thể và hữu hiệu. Trong bối cảnh ấy, tôi
lại càng sửng sốt khi thấy chính quyền tìm cách giảm nhẹ trách nhiệm của
Trung Quốc. Hãy nói chuyện tàu lạ với ngư dân Trung Bộ, họ sẽ sửa ngay
“tàu Trung Quốc“. Họ chẳng “lạ“ gì, sự thật rành rành đối với họ. Tại
sao phải giấu cả tên bọn hung thủ mà không ai không biết? Nhiều bạn nói
với tôi: Trung Quốc không như Mỹ đâu: họ khôn lắm, nên nguy hiểm hơn
nhiều. Không chắc! Đúng là gần kề thì hiểm họa càng lớn và lâu dài, đúng
là họ có kế hoạch bành trướng bạo liệt về mọi mặt – kinh tế, quân sự,
ngoại giao và tuyên truyền đối nội – nhưng chưa chắc là họ đã cân nhắc
đầy đủ những hậu quả của chính sách xâm lược ấy. Các nhà lãnh đạo Trung
Quốc có thực là “khôn“ không? Leo thang quân sự như vậy, họ đang tạo
điều kiện xích lại gần nhau giữa những nước ASEAN mà lợi ích ở Biển Đông
bị đe dọa. Sau các sự kiện Tây Tạng, Tân Cương, họ đang đánh mất chút
uy tín còn lại đối với công luận quốc tế. Họ mở ra một trận tuyến mới,
nghĩa là phải ghìm ở đây những lực lượng, nghĩa là chuyển hướng một phần
đầu tư cần thiết cho công cuộc phát triển kinh tế vào một cuộc phiêu
lưu tốn kém chắc chắn sẽ làm họ sa lầy. Đã qua rồi cái thời mà họ có thể
ngang nhiên chiếm đoạt Hoàng Sa, ngang nhiên đánh chìm tàu tiếp vận của
Việt Nam tại Bãi Gạc Ma. Trung Quốc đang phát triển mạnh, song chính sự
phát triển ấy đang khoét sâu những mâu thuẫn nội tại, khuếch đại những
bất bình đẳng xã hội. Nguy cơ xảy ra rối loạn xã hội không thể dùng đàn
áp mà đẩy lùi mãi mãi, và những rối loạn ấy sẽ đe dọa sự phát triển kinh
tế mà thực chất là tư bản chủ nghĩa. Không cần phải là nhà tiên tri
cũng thấy được rằng: khó khăn của Bắc Kinh đang ở trước mặt, chứ không
phải ở sau lưng. Đó là điều chắc chắn. Và lúc đó, họ sẽ phải trả lời
trước nhân dân Trung Quốc, trước những người mà họ sách nhiễu, đàn áp,
trấn lột. Còn một bài học Lịch sử nữa mà nhà cầm quyền Trung Quốc muốn
quên – như thế không “ khôn “ tí nào – đó là: về lâu dài, không thể làm
nên điều gì khi họ đi ngược lại ý chí của các dân tộc, bởi vì sức mạnh
thực sự nằm trong nhân dân, chứ không nằm trong họng súng, trong số
lượng vũ khí. Ở Lý Sơn, tôi có dịp tham dự một nghi thức rất có ý nghĩa,
nói lên ý chí của người dân hải đảo. Khi một ngư dân mất tích vì bão
biển hay vì lí do bí ẩn nào đó, gia đình nào có khả năng xây mộ và mời
thầy cúng, thì tổ chức một cái lễ rất độc đáo, có lẽ có một không hai,
để gọi hồn người đã khuất về nhập vào một hình nhân nặn bằng đất sét
được phù phép. Hình nhân được an táng trong một cái mộ gọi là « mộ gió
», để thân nhân có thể tới cúng viếng. Mê tín chăng? Có thế. Nhưng không
chỉ có thế. Tôi nghĩ việc này có một ý nghĩa sâu sắc: phong tục mấy
trăm năm này nói lên ý chí của những người sống, kiên quyết giành lại từ
biển cả, từ kẻ địch cái gì quý nhất, mang về cho gia đình, cho đất
nước. Đó là thông điệp rất rõ ràng gửi tới kẻ xâm lược: “Dù các người
làm gì đi nữa, chúng tôi vẫn gắn bó với những người đi biển, gắn bó với
biển, với văn hiến này, với đất nước này. Những điều ấy, không gì, không
ai có thể chiếm đoạt được .”
Tôi rất buồn và
đau đớn khi xem lại các tấm ảnh chụp về cuộc biểu tình tại Hà Nội. Không
cắt dán lắp ghép – của những công an quần áo màu lục hay màu lam, đội
mũ, đi ủng, hay những công an mặc thường phục; họ xô đẩy, lôi kéo, đấm
đá; họ đá cả vào mặt một thanh niên đã ngã xuống. Những bức ảnh này chụp
điều mọi người đều chứng kiến trên đường phố. Khi xem các ảnh đó, hơi
hám của chế độ cũ trở lại trong ký ức tôi, và một vị máu mặn đắng trở
lại trong miệng. Vị máu mà tôi đã hơi quên, gay gắt trên môi trên lưỡi.
Đó là cái vị mà tôi đã nếm qua dưới chân bức tượng Thuỷ quân Lục chiến ở
Sài Gòn khi tôi treo lá cờ Giải phóng, và mật vụ của Thiệu tay cầm đá
đã động quyền cước mạnh mẽ đánh tôi rách da sọ! Tôi lại còn được nếm
chính cái vị máu ấy lúc hứng dùi cui mưa trên đầu, khi chúng tôi kháng
cự việc chúng đày những người anh em tù đi Côn Đảo trong sân khu BC của
Chí Hoà; lúc đầu tôi không ngừng va đập vào mỗi nấc thang, vì bị lũ "đầu
trâu mặt ngựa", đi ủng và mang dùi cui, nắm chân kéo lên xà lim biệt
giam. Đừng mong rằng tôi sẽ làm giống như một số người bạn tôi, cựu tù
nhân chính trị của chế độ Sài Gòn. Nhân danh một quá khứ quang vinh, họ
im lặng cam chịu chấp nhận những khốn khổ thê thảm hiện tại. Họ sợ phải
lên tiếng cùng với thế hệ thanh niên của họ đang xuống đường. Họ bám víu
vào hình ảnh đầy hào quang của họ trong quá khứ và nhắm mắt trước những
hình ảnh hiện tại vì sợ bị chóng mặt hay buồn nôn. Tôi rất mến những
người bạn này, nhưng cũng rất thương cho họ. Chắc họ khổ tâm lắm! Khổ
tâm hơn tôi nhiều. Tôi đơn giản hy vọng rằng những hành xử man rợ và
phản quốc, mà những hình ảnh biểu tình ngày 17 tháng 7 năm 2011 tại Hà
Nội đã cho tôi thấy, sẽ đánh thức dậy lòng can đảm trong tuổi hai mươi
của họ... và làm cho họ khoẻ mạnh hơn. Tuổi trẻ ngày hôm nay cần đến một
hình ảnh sống động và đàng hoàng của họ! Trước làn sóng đang dâng lên,
hợp pháp, lành mạnh và cứu rỗi, sự đàn áp sẽ lên đến những mức nào trong
cái bẩn thỉu, sự hãi sợ, và sự ngu xuẩn? Có phải người ta sẽ mở lại các
trại tập trung? Có phải người ta sẽ xử dụng xe tăng theo kiểu Thiên An
Môn? Có phải người ta sẽ bắn vào quần chúng? Tra tấn? Thủ tiêu? Liệu có
ai ngây thơ đến độ tin rằng nhân dân Việt Nam cũng giống như nhân dân
Trung Quốc, và sẽ cúi đầu trước roi vọt? Bởi vì phong trào đã âm ỉ từ
lâu như thế, và đã tiến lên như thế, sẽ không dừng lại. Đó không phải là
một phong trào bột phát lửa rơm của sinh viên: nó đã tụ hợp được trên
những điểm mấu chốt những trí thức có tiếng tăm, có quá khứ ái quốc đầy
uy tín, được kính trọng và được lắng nghe, những quân nhân mà sự vinh
quang phục vụ tổ quốc cũng như sự liêm khiết không ai có thể nghi ngờ.
Nó bắt rễ rất sâu trong quá khứ yêu nước và trong văn hoá đại chúng.
Quả
là đến lúc dừng lại dùi cui, để mở mắt nhìn và để dỏng tai nghe: con
đường đàn áp là bế tắc. Hỡi quý ông mang dùi cui, cái vị máu trong miệng
đó, và cái nỗi thịnh nộ đó, mà mỗi ngày các phản ứng hèn hạ của quý ông
mỗi làm cho thêm người cùng nếm trải, đang đưa quý ông, và gia đình, và
cả đất nước này đến thảm hoạ. Mà kẻ hưởng lợi độc nhất là xâm lược Bắc
Kinh. Chỉ có một lối thoát, chỉ có một lối ra duy nhất cho tất cả những
vấn đề liên quan đến công cuộc bảo vệ quốc gia, nền độc lập dân tộc,
việc hiện đại hoá nền kinh tế. Đó là nhanh chóng và can đảm mở cánh cửa
dân chủ, mở ra cuộc đối thoại tự do với các công dân, khuyến khích họ
thực sự tham gia một cách tích cực vào những quyết định trọng đại. Không
có gì, không có ai, không một đảng nào có thể tước đoạt lâu dài những
quyền tối thượng đó của nhân dân, không có thế lực nào có thể bóp nghẹt
hơi thở lành mạnh và cần thiết của lòng yêu nước. Điều này đúng cho việc
bảo vệ các hải đảo và vùng biển cũng như đúng cho tất cả những vấn đề
khác của đất nước. Hôm 5.6.2011, trong lần biểu tình đầu tiên trước cửa
Lãnh sự quán Trung Quốc tại thành phố HCM, một lãnh đạo cấp cao của
thành phố, mà tôi đã có lần gặp gỡ thân mật, mời tôi đối thoại, cùng với
một số người bạn tôi. Vị này gọi tôi là đồng chí. Tôi đã có phản ứng lễ
độ nhưng quả quyết khi trả lời rằng danh từ này chưa bao giờ có một ý
nghĩa chung nhất và bền vững. Tôi cho rằng có đồng chí khi này và có
đồng chí khi khác: hãy cho biết anh làm gì ở đây hôm nay, và tôi sẽ nói
tôi có là đồng chí của anh hay không. Bà bán cháo, khi nhập vào dòng
biểu tình để biểu lộ một cách ôn hoà sự phẫn nộ của bà, là đồng chí của
tôi. Vị lãnh đạo đã mượn kiểu giảng đạo chính trị để nhân danh sự "ổn
định chính trị" mà thuyết phục tôi từ bỏ quyền lợi hợp pháp và nhiệm vụ
của người công dân yêu nước, mà chính là phải biểu lộ công khai sự phẫn
nộ khi đất nước bị xâm lược và nhân dân bị sỉ nhục, phải chăng vị đó là
đồng chí của tôi? "Đồng chí" ấy nói về kiểu "ổn định chính trị" nào vậy?
Kiểu buông xuôi? Ông ta đang nói gì với tôi vậy? Rằng vấn đề tối cao về
độc lập dân tộc là tôi không cần phải lo? Rằng tôi phải ngoan ngoãn về
nhà, câm nín trong tủi hổ, đọc biết qua Internet là những "đồng chí" cấp
cao đó thương lượng sau lưng tôi với bọn cướp vẫn đang tiếp tục cướp
bóc, về kinh tế, quân sự, chính trị, ngoại giao, văn hoá, đồng thời
khích động lòng thù hận trên chính nhân dân họ chống lại tôi? Đó là tình
đồng chí mà tôi được trao cho ư? Không, cám ơn, nghìn lần không, tôi
không muốn nhận và tôi buồn nôn. Vì nó sẽ bôi quá nhiều ô uế lên ký ức
về những người mà tôi biết bao yêu mến và cảm phục, những người với máu
trong miệng và trên môi, vâng, chính họ, trong ngục tù của đế quốc, đã
cho tôi bài học về ý nghĩa đích thực của danh từ Việt Nam tuyệt đẹp
"Đồng chí", tôi - kẻ chưa bao giờ thốt lên chữ đó bằng tiếng Pháp. Vâng,
với những người đó, tôi vẫn là, và sẽ luôn luôn là đồng chí, với vinh
dự, với tình yêu. Và điều này tăng thêm cho tôi ý chí đem lại cho những
chữ này ý nghĩa thực thụ của chúng, để tôi có thể có phần hãnh diện. May
mắn thay cho Việt Nam và tương lai của nó, tôi không phải là người cộng
sản duy nhất và cũng không là công dân duy nhất suy nghĩ như thế...
Nguồn: Xa xứ (Cộng hoà Séc) số 252, ra ngày 27.3.2012