Chủ Nhật, 18 tháng 3, 2012

Trở về tâm điểm đói Cao Bằng


Đắc Thành
clip_image001
 
Trẻ con Thạch Lâm sống trong cảnh thiếu đói
 
   
Xã Thạch Lâm (Bảo Lâm, Cao Bằng) có 1.012 hộ thì chỉ có khoảng 112 hộ có cơm ăn vài ba tháng còn lại lót bụng bằng mèn mén quanh năm. Những hộ nói là có cơm ăn nhưng thực chất là cơm độn ngô, xen kẽ bữa cơm độn bữa mèn mén, đối phó mùa giáp hạt.
Không mấy hộ có cơm
Đến TX Cao Bằng, gặp người bạn đồng nghiệp hỏi về đói mùa giáp hạt, anh nói luôn: Cứ lên huyện Bảo Lâm, mùa này dân không đói mới lạ.
Cung quốc lộ 34 đang trong giai đoạn uốn nắn hàng trăm khúc cua vắt qua núi nên đất đá ngổn ngang, bùn lầy lội, sau gần một ngày vượt quãng đường gần 200km tôi đã có mặt ở thị trấn Bảo Lâm. Tá túc qua đêm ở đây gặp người dân hỏi về xã nào nghèo đói nhất huyện thì ai cũng rầu rầu: Thạch Lâm là số một. Xã ấy nghèo nhất, xa nhất… tỉnh Cao Bằng.

Sáng sớm hôm sau chúng tôi từ trung tâm thị trấn vượt gần 30km đường đất uốn lượn dọc theo sườn núi đá lên dốc, xuống đèo. Càng đi đập vào mắt tôi bốn phía núi đá thẳng đứng hiện ra và cảnh người dân đang phát cỏ đốt lửa khói bay nghi ngút. Nhìn xuống vực sâu những đám ruộng bé nhỏ được cày xới phơi nắng chờ mưa gieo trồng. Xã Thạch Lâm có diện tích tự nhiên 8.774ha, có 4 dân tộc anh em sinh sống gồm Mông, Tày, Nùng và Kinh phân bố ở 15 bản. Trong đó, người Mông chiếm 96%.
Ông Hoàng Nguyên Phúng, Bí thư Đảng uỷ xã Thạch Lâm cầm trên tay danh sách hộ nghèo đói, cho biết: “Xã có 15 bản thì nghèo đói sàn sàn nhau hết, ngô, rau rừng quanh năm. Nhà có gạo nấu cơm ăn cũng cầm cự đến tháng 4 âm lịch là hết sạch và lại chuyển qua ngô”. Lý giải cho cái nghèo, cái đói, ông Phúng cho rằng: “Diện tích sản xuất ngày một bị thu hẹp, đặc biệt sau nhiều năm canh tác bây giờ đã bạc màu”.
Cái tên Thạch Lâm được tách ra từ xã Quang Lâm cách đây 7 năm về trước và từ đó một xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn được biết đến. Tôi hỏi ông Phúng tên Thạch Lâm có phải là rừng đá không? Ông trả lời: “Cái này tôi không rõ lắm nhưng núi đá thì ở đây nhiều vô kể. Ngọn núi nào cũng dốc thẳng đứng, đá nhiều hơn đất”.
Rời trung tâm xã, tôi theo anh Hoàng Văn Quyết, một cán bộ xã lên bản Phiêng Roỏng, tới thăm nhà trưởng bản Lý Xáu Páu. Gặp ông hỏi về cái đói mùa giáp hạt, ông Páu “nã” một mạch không đứt quãng: “Bản có 72 hộ thì đến 70 hộ ăn mèn mén quanh năm không biết đến cơm là gì”.
clip_image002
Người dân xã Thạch Lâm dọn nương chờ mưa xuống gieo trồng vụ ngô mới
Tôi hỏi ông Páu: Thế còn 2 hộ không đói? Ông Páu cho hay: “Hai hộ ấy khá nhất bản là gia đình tôi và ông Hoàng Văn Nó, chúng tôi có được ít ruộng lúa nước, do đó năm nào cũng có ít lúa cất trong nhà. Ngoài ra hai chúng tôi có nhiều nương ngô nên tàm tạm ấm bụng”. Ông Páu bấm ngón tay nhẩm tính, năm nay tôi thu hoạch được 25 bao lúa nuôi 6 miệng ăn. Mỗi tháng ăn hết 3 bao, vị chi trong vòng 6 tháng sẽ hết (vụ thu hoạch từ tháng 8). Nhìn trong nhà ông chỉ còn 3 bao lúa, tôi thắc mắc, ông Páu giải thích: “Đáng lẽ hết lúa rồi nhưng tôi có kế hoạch ăn cơm độn ngô, ăn xen kẽ bữa ngô, bữa cơm mới dành lại được từng ấy. Ở vùng đất này bổ cuốc xuống gặp đá, chỉ độc canh cây ngô, còn trồng lúa nương thì không chết cũng chẳng cho được mấy hạt”.
“Trước đây vào mùa đói người Mông lên rừng đào củ mài trừ bữa nhưng đào mãi củ mài đã kiệt. Nay vào mùa giáp hạt người dân chạy bữa qua ngày cũng lên rừng nhưng chỉ hái được ít rau rừng về luộc chấm muối trừ bữa. Đói không chịu được thì nhà nào có con trâu, bò, gà hay vật dụng có giá trị đem bán kiếm cái mà ăn”, ông Páu tâm sự.
"Cơm thừa, cơm cháy bỏ bụng là nhất rồi"
Đến thăm gia đình Hoàng Giống Páo (33 tuổi), bản Phiêng Noỏng, nằm bên con đường liên bản. Trước cửa nhà lụp xụp có một đứa trẻ bưng bát cơm độn ăn rất ngon miệng. Chúng tôi bước vào trong thì rỗng tuếch, tài sản duy nhất là một cái giường ọp ẹp và mấy cái xoong nồi, bát đĩa nằm lăn lóc bên bếp. Vợ chồng Páo có 6 người con và chỉ được một cái nương nhưng vừa rồi mở đường liên bản đã xén mất hơn nửa nay chỉ trồng được khoảng 4kg ngô giống mỗi vụ.
clip_image003
Gia đình Hoàng Giống Páo ngon miệng với bữa cơm thừa, cơm cháy của công nhân dựng cột điện cho
Bồng đứa con thứ 6 mới sinh, vợ Páo nhóm lửa bắc nồi lên bếp, thấy vậy tôi liền hỏi: Nấu cái gì đó? Vợ Páo không biết tiếng Kinh nên tôi chỉ tay vào đó. Hiểu ý liền mở nắp xoong cho xem thì một nồi cơm cháy đen sì, cơm nguội đóng cục lẫn lộn. Tôi hỏi tiếp: Mùa giáp hạt mà có cơm ăn sướng thế? Nghe vậy anh Páo đáp liền: “Nhà có lúa đâu mà nấu cơm. Hôm nay, có các anh công nhân lên đây chôn cột điện và đóng lán ở cạnh nhà cho đó. Cứ sau mỗi bữa ăn, cơm ăn không hết hoặc cơm cháy dưới nồi họ gọi vợ con tôi sang lấy về, có cơm bọn trẻ mừng lắm. Hiện ngô hết rồi không biết lấy gì cho chúng ăn, có được cơm thừa, cơm cháy cho vào bỏ bụng là nhất rồi”.
Ông Lý Xáu Páu, trưởng bản Phiêng Noỏng chia sẻ: “Bữa ăn của mỗi gia đình nơi đây làm gì có thịt cá. Với chúng tôi chỉ mong có được chút mỡ cho vào nồi canh rau rừng để nuốt mèn mén vào bụng cho dễ trôi. Mỗi khi mua được ít mỡ lợn về rán lấy mỡ còn xác làm thức ăn thì đó là bữa cơm thịnh soạn nhất”.
Nồi cơm vợ Páo hấp nóng được nhắc xuống bếp thì những đứa con xanh xao, ở trần chạy lại tranh nhau bốc ăn. Anh Páo khoe: “Từ khi các anh công nhân lên đây bọn trẻ bụng lúc nào cũng căng hết nên chẳng đánh nhau tranh phần, đòi bố mẹ cho ăn no. Công nhân lên làm đường gia đình có cơm ăn, tôi còn xin được vào làm chôn cột điện mỗi ngày kiếm được mấy chục”.
Tôi hỏi Páo sao đẻ nhiều con thế? Páo đáp: “Vợ mình sinh 4 đứa con trai liên tiếp nên cố gắng kiếm mấy cô con gái để nhờ. Con gái không uống rượu giúp mình làm việc nhiều, ai ngờ vợ mình lại vừa sinh thêm một thằng nữa”.
Để mắt thấy tai nghe về cái đói, cái nghèo chúng tôi vào gia đình Hoàng Chư Tu (30 tuổi) đang chuẩn bị bữa tối, trên mâm dọn ra chỉ có mèn mén với tô gừng cắt lát nấu muối cùng bát canh rau rừng. Nhà Tu có 3 đứa con, mèn mén được nấu từ sáng sớm, sau đó để bên bếp bố mẹ đi làm đến tối mới về, mấy đứa con Tu ở nhà cứ đói vào mở nồi lấy ăn và đi ngủ trước. Thấy người lạ đến thăm nhà đúng bữa tối, Tu mời chúng tôi ăn cùng nhưng nói khéo: “Nhà không có ruộng lúa nước, đất xấu không trồng được lúa nương nên quanh năm ăn ngô, gia đình mình không có cơm mời cán bộ đâu. May cho cán bộ đến hôm nay còn mèn mén mà ăn chứ hết tháng này nhà Tu không còn ngô nữa”.
Nguồn: nongnghiep.vn