Đó là nhận định của cụ Nguyễn Trọng Vĩnh, 97 tuổi đời, 73 tuổi đảng,
Thiếu tướng, nguyên Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng,
nguyên Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc, được Nhà nước tặng thưởng Huân
chương Hồ Chí Minh, trong phỏng vấn dưới đây do Trần Ngọc Kha thực hiện.
PV:
Thưa Cụ! Là người từng làm Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc, nay vẫn
thường xuyên theo dõi quan hệ Việt - Trung, Cụ nhận định thế nào về mối
quan hệ này trong thời gian gần đây?
Thiếu tướng
Nguyễn Trọng Vĩnh: Như mọi người đã biết, ngày 17-2-1979, Trung Quốc
huy động mấy quân đoàn sang giết hại biết bao dân ta, tàn phá nặng nề
các tỉnh biên giới phía Bắc nước ta. Vậy mà cũng như nhiều năm qua, ngày
17-2 năm nay các phương tiện thông tin đại chúng nước ta vẫn tuyệt
nhiên không hề có một bài viết nào cho kỷ niệm đau thương này.
Thôi thì, nay quan hệ hai nước bình thường hóa, một cách tế nhị không
báo chí gì về sự kiện này để khép lại quá khứ, hướng tới tương lai thì
cũng có thể chấp nhận được. Nhưng, đáng ra Đảng và Nhà nước phải có ít
nhất một đoàn đại biểu lên các tỉnh biên giới phía Bắc thắp hương tượng
trưng trên vài ngôi mộ liệt sĩ, đồng bào ở mỗi tỉnh để tỏ lòng thành
kính, biết ơn các anh hùng liệt sĩ và an ủi gia đình họ cũng như gia
đình các nạn nhân chiến tranh. Thế mà, không những không làm như vậy mà
trước ngày kỷ niệm đó một ngày, ngày 16-2-2012, Ủy viên Bộ Chính trị,
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng lại mời cơm thân thiện Đại sứ Trung
Quốc. Trong khoảng thời gian có ngày kỷ niệm đau thương và uất hận ấy,
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Tô
Huy Rứa lại sang "thăm hữu nghị" Trung Quốc (!?). Trong khi đó, trên tờ
Hoàn Cầu Thời báo, cơ quan của Đảng Cộng sản Trung Quốc, như thường lệ
vẫn có bài viết về cuộc xâm lược này mà họ gọi trẹo ra thành "Cuộc phản
kích tự vệ" và khoa trương, khoác lác rằng đã tiêu diệt 1 Sư đoàn, đánh
thiệt hại 3 Sư đoàn chủ lực, giết được 300.000 quân Việt Nam mà "Bọn
Việt Nam vẫn chưa biết sợ" (!!!).
PV: Trong mấy
tháng đầu năm nay, ngoài những động thái ngoại giao như Cụ đề cập, còn
có các ông, bà: Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị
Phóng, Trần Đại Quang, UVBCT, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Ngoại
giao Phạm Bình Minh và UVBCT, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung
ương Tô Huy Rứa liên tiếp sang thăm Trung Quốc. Cụ có bình luận gì về
động thái này?
Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh:
Nguyên tắc trong quan hệ ngoại giao, các nước đều phải bình đẳng với
nhau bất luận ai lớn, ai nhỏ. Nhưng trong quan hệ Việt - Trung có khác.
Tôi nhớ sau khi bế mạc Đại hội Đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XI, Tổng
Bí thư, Chủ tịch nước CHND Trung Hoa Hồ Cẩm Đào cử Đặc phái viên sang
nước ta chúc mừng thành công Đại hội và chúc mừng đồng chí Nguyễn Phú
Trọng được bầu làm Tổng Bí thư. Qua Đặc phái viên này của Trung Quốc,
đồng chí Nguyễn Phú Trọng gửi lời mời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước CHND
Trung Hoa Hồ Cẩm Đào sang thăm hữu nghị Việt Nam. Nhưng, như đã biết,
ông ấy đã không sang. Sau đó ít lâu, phía ta, Tổng Bí thư Nguyễn Phú
Trọng dẫn đầu một đoàn đại biểu cấp cao rất lớn bao gồm nhiều thành viên
ở hầu hết các cơ quan Đảng và Chính phủ sang thăm Trung Quốc. Phía
Trung Quốc, chỉ mãi đến ngày 21-12-2011, mới có Ủy viên Thường vụ Bộ
Chính trị, Phó Chủ tịch nước Tập Cận Bình sang thăm nước ta. Sau đó, như
anh đã biết, phía ta dồn dập có đến 3 Ủy viên Bộ Chính trị, một Bộ
trưởng sang thăm Trung Quốc. Dư luận cho rằng đã không "đối đẳng" lại có
vẻ như cầu hòa, cầu thân quá mức, tự hạ mình một cách không nên có. Đối
lại, Trung Quốc chưa bao giờ thực hiện bình đẳng, hữu nghị thật với ta.
Khi
ông Tập Cận Bình sang thăm nước ta, ông này vẫn nêu phương châm "16 chữ
vàng" và quan hệ "4 tốt" cùng nhiều lời lẽ "thắm thiết" tỏ vẻ trân
trọng tình hữu nghị với Việt Nam. Nhưng, chưa đầy một tháng sau, Trung
Quốc ra lệnh cấm đánh bắt cá ở cả trong ngư trường truyền thống và trong
vùng đặc quyền kinh tế của ta. Gần đây, tàu Hải Giám số 789 của Trung
Quốc bắn vào tàu cá của ông Đặng Tằm, áp giải về đảo Phú Lâm. Các ngư
dân ta bị lính Trung Quốc đánh đập, tước đoạt toàn bộ tài sản đã đánh
bắt được và các thiết bị, ngư cụ, phương tiện thông tin liên lạc trên
tàu rồi mới thả cho về. Thiệt hại cho ngư dân ta vụ này khoảng 300 triệu
đồng. Ngày 24-2-2012, tàu cá của ông Đặng Tằm mới về đến cảng Sa Kỳ
(Quảng Ngãi).
PV: Trước tình hình này, quan điểm ngoại giao của ông đối với Trung Quốc là gì?
Thiếu
tướng Nguyễn Trọng Vĩnh: Trong một bài xã luận, Hoàn cầu thời báo của
Trung Quốc cảnh báo rằng: Các nước nhỏ như Philippines và Việt Nam nên
chấm dứt thách thức quyền lợi của Trung Quốc nếu không thì cần chuẩn bị
đón tiếng đại bác. Đấy, tình hữu nghị mà ông Tập Cận Bình nói với chúng
ta là như thế đấy! Cho nên thiên hạ đã tổng kết rằng: "Chớ tin vào những
lời nhà cầm quyền Trung Quốc nói, hãy xem việc họ làm!". Đừng cho rằng
Trung Quốc đón các đoàn của ta sang thăm có vẻ trọng thị, tiếp đãi nồng
hậu, có khi có cả "biếu xén" nữa là rất "bình đẳng", "hữu nghị". Đấy chỉ
là giả dối, hình thức mà thôi, đúng như trong một bài thơ ai đó viết:
"Miệng hô "đồng chí" tươi trên mặt/Tay đấm "anh em" vỡ cả đầu"...
Với Trung Quốc, phải cương kết hợp với nhu, nhưng lúc nào cũng cần hết sức cảnh giác và không được nhược như vậy!
PV: Xin cảm ơn và kính chúc Cụ mạnh khỏe!
T.N.K. (thực hiện)
Người phỏng vấn gửi trực tiếp cho BVN.
Nguồn BVN
XEM
- Ai đã ngầm thỏa thuận ? bán Biển Đông choTrung quốc ?
- CHÂN DUNG HỒ CHÍ MINH
- NGUYỄN TẤT TRUNG ĐỨA CON RƠI CỦA HỒ CHÍ MINH ( Bùi Tín )
- VIỆT NAM phải làm gì để tránh chiến tranh ? Tránh đổ máu ?
- Hồ Chí Minh và đứa con rơi Nguyễn Tất Trung.
- Vì sao chủ nghĩa công sản bị cáo buộc chống nhân loại (phần 1)