Thứ Bảy, 18 tháng 2, 2012

Nhà nước cần phải sửa đổi Hiến pháp

BA CÂU CHUYỆN VỀ ĐẤT

Luật sư TRỊNH  MINH  TÂN
Không phải là nhà lý luận nên tôi không dám mạo muội tranh luận thế nào là “lỗi hệ thống”. Xoay quanh câu chuyện thu hồi, cưỡng chế thu hồi đất ở xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng – Hải Phòng đã làm cho tôi phải liên hệ đến những sự việc đã diễn ra cách đây nửa thế kỷ và những  năm sau năm 1975. Câu chuyện sai ngày nay và câu chuyện sai của ngày xưa của chính quyền từ cấp cấp làng cho đến cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh thuộc lỗi gì? Mong mọi người bình luận và phân tích. Đây là những câu chuyện có thật.  
 
Câu chuyện thứ 1.
Năm 1962, nhà tôi bị hợp tác xã (HTX) nông nghiệp chiếm dất vườn để làm nhà kho và sân phơi của HTX. Lúc đó việc chiếm đất không hề có một văn bản nào hết, chỉ là cuộc họp của chi bộ, cuộc họp của xã viên  đồng ý lấy vườn nhà ông Tịch làm nhà kho và sân phơi. Thế là họ làm.
Trước khi chiếm đất vườn nhà tôi thì có ý kiến đề xuất là: nên lấy khu đất Vườn Cao ở cuối làng thì rộng rãi và lại là đất của làng, không phải đất tư. Nhưng có ý kiến khác nói là: lấy đất Vườn Cao làm kho và sân phơi cho HTX thì mùa đông rét sun dái lại, và họ đề xuất luôn là lấy mảnh vườn nhà tôi ở ngay giữa làng để khỏi phải “rét sun dái lại”.
Thời gian đó cậu (tức bố) tôi chỉ mới hồi phục được cả về tinh tần lẫn thể xác mấy năm sau cơn chấn động cải cách ruộng đất mà ông là một trong số những người bị bắt giam, quy oan, không phải bị quy là địa chủ (vì ông bà nội tôi chỉ có mấy sào ruộng thì không thể là địa chủ được) nên họ quy cậu tôi là đảng viên quốc dân đảng (có lẽ họ thấy cậu tôi da trắng, dáng vẻ thư sinh, lại biết một chút tiếng Pháp nên nghĩ là đảng viên của đảng tư sản). Sau khi sửa sai, cậu tôi được minh oan và phục hồi sinh hoạt đảng và các quyền lợi khác. Cậu tôi tham gia cách mạng từ năm 1942, là đảng viên ĐCS đầu tiên, bí thư chi bộ đầu tiên của xã tôi. Ông bà nội tôi là cơ sở bí mật của Xứ ủy Bắc kỳ, nuôi giấu, đưa đón các cán bộ của đảng từ cuối những năm 30, đầu 40.(xem lịch sử Đảng bộ xã Đồng Tân, huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Tây). Sau cải cách ruộng đất cậu tôi làm y tá. Năm 1960, ông đi học y sĩ khi đã 40 tuổi (ông nói ông không làm chính trị nữa). Đất vườn nhà tôi bị HTX chiếm khi ông đang đi học, không có mặt ở nhà. Mợ (tức mẹ) tôi thì đi chợ xa để bán hàng. Đến chiều bà về thì vườn cây đã trở thành bãi đất trống…  Lúc đó anh chị em chúng tôi còn nhỏ, chị tôi lớn hơn một chút thì ra ôm gốc mít khóc. Đất vườn nhà tôi bị chiếm đã phá vỡ kế hoạch của cậu mợ tôi là sẽ làm nhà trên mảnh đất đó vì nhà đang ở nhỏ và chật chội.
Lúc đó HTX cũng nói là đền bù hoa màu với giá 2 hào một gốc cây. Nhưng cho đến bây giờ chưa thấy hào nào!
Năm 1983, cậu tôi ốm nặng. Tôi từ Sài Gòn xin nghỉ phép về chăm sóc ông, được một tháng thì ông qua đời. Trước đó thì các đồng chí bí thư đảng ủy xã, chủ tịch xã, chủ nhiệm HTX xã đến thăm ông, ông có trăng trối lại với các đồng chí của mình (lúc đó có mặt tôi), đại ý: tôi có 3 thằng con trai, các anh hãy bù lại một diện tích đất tương đương mà HTX đã lấy của tôi làm nhà kho và sân phơi của HTX để cho các cháu có đất làm nhà. Các đồng chí của cậu tôi quan sát căn nhà đơn sơ, thua xa nhà của các đồng chí đó, thoáng một vẻ ái ngại, nhìn nhau không nói. Ngay lúc đó tôi biết ràng nguyện ước của cậu tôi sẽ chẳng bao giờ thành hiện thực. Cho đến lúc chết ông vẫn trung thành tuyệt đối với Đảng, chết đi mang theo một nỗi đau mất đất.
Câu chuyện thứ 2
Năm 1978 xảy ra một vụ án giết người do một ông nông dân (tôi không nhớ tên, chắc bản án Tòa án vẫn còn lưu) ở Củ Chi thực hiện tội phạm. Nội dung câu chuyện như thế này:
Phong trào động viên nông dân vào HTX, tập đoàn sản xuất nông nghiệp được phát động rầm rộ với mục đích đưa nông dân cá thể vào làm ăn tập thể nhanh chóng. Ông nông dân này không chịu đưa ruộng đất vào tập đoàn. Bà tập đoàn trường chỉ đạo các tập đòan viên xuống ruộng nhà ông để cày xới. Ông tuyên bố: đứa nào xuống mần ruộng của tao, tao chém. Không ai dám xuống vì trên tay ông đang lăm lăm con dao phạt cỏ bờ có cán dài và sắc lẹm. Bất chấp lời thách thức của người nông dân Củ Chi – đất thép thành đồng, bà tập đoàn trưởng gương mẫu lội xuống ruộng của ông để cho những người khác làm theo. Lập tức ông nông dân cầm dao chém đứt cổ bà tập đoàn trưởng. Bà tập đoàn trưởng tử vong, ông nông dân bị bắt về tội giết người. Tòa án ND TP tuyên xử ông 20 năm tù.
Câu chuyện thứ 3
Năm 1981, khi tôi đang là kiểm sát viên VKSND quận 8. có một vụ án “hủy hoại tài sản XHCN” xảy ra tại phường 22, quận 8 (lúc đó là phường nông nghiệp).
Tóm tắt câu chuyện:
Tập đoàn sản xuất nông nghiệp của phường động viên ông Nguyễn Văn Cám (tự Sáu Cám) đưa ruộng đất của ông vào tập đoàn để làm ăn tập thể. Lúc đó ông Sáu Cám 60 tuổi. Ông Sáu và gia đình không chịu vào tập đoàn. Tương tự như ở Củ Chi, tập đoàn đã huy động tập đoàn viên xuống làm đất và cấy lúa trên ruộng nhà ông. Ông Sáu Cám đã xuống nhổ lúa của tập đoàn mới cấy. Ông bị bắt và bị khởi tố về tội  “cố ý hủy hoại tài sản  XHCN” theo Khoản 1, Điều 6 Pháp lệnh trừng trị các tội xâm phạm TSXHCN năm 1970 có mức hình phạt từ 2 đến 10 năm tù. Sau đó ông được tại ngoại vì tuổi cao.
Khi thụ lý vụ án này, tôi nói với đồng chí Viện trưởng là không nên xử ông  Sáu Cám, vì tập đoàn ép ông vào, ông không đồng ý nên phản ứng như vậy. Lê-nin đã nói: phải để cho người nông dân suy nghĩ trên luống cày của họ. Ông Sáu Cám đã suy nghĩ và ông đã quyết định không đồng ý vào tập đoàn, phải tôn trọng quyết định của người nông dân này. Đồng chí Viện trưởng nói đây là chỉ đạo của Quận ủy, phải chấp hành thôi.
Là người được giao nhiệm vụ duy trì quyền công tố (luật bây giờ gọi là thực hành quyền công tố) vụ án này, mất mấy đêm không ngủ, rồi tôi cũng viết xong được bản luận tội, viết một cách máy móc, giáo điều, những lời lẽ trong bản luận tội đó không phải là suy nghĩ thật tâm, mà là lời lẽ mang tính khuôn mẫu áp đặt. Phiên tòa được đưa ra xử lưu động tại phường 22. Nhìn người nông dân thật thà chất phác, cả đời chưa vi phạm pháp luật, nay bị xét xử về một tội tày đình là “cố ý hủy hoại tài sản XHCN, tôi cảm thấy như mình có lỗi, mặc dù biết rằng đó là công vụ mình phải thực thi. Tôi đề nghị xử phạt ông từ 18 đến 24 tháng tù nhưng cho hưởng án treo (lúc đó mà nói bị cáo không phạm tội thì chắc chắn bị kỷ luật). Hội đồng xét xử đã tuyên phạt ông 2 năm tù cho hưởng án treo.
Lời kết:
Từ 3 câu chuyện của nhà và của nghề, tôi rút ra kết luận là: Nhà nước cần phải sửa đổi Hiến pháp, làm cơ sở cho việc sửa đổi căn bản Luật đất đai, xác lập quyền sở hữu đất đai của người dân. Chỉ có như vậy mới an dân được. Bằng ngược lại thì mục tiêu xây dựng nhà nước pháp quyền chỉ là giấc mơ viển vông, không hiện thực.
Tp. Hồ Chí Minh, ngày 17 tháng 02 năm 2012
                                       TMT
Tác giả gửi cho QC
nguồn QC