Công an vào cuộc điều tra một vụ cưỡng chế khác ở Tiên Lãng
Vũ Hải
Anh
Lê Đình Tân (con trai ông Lê Đình Thảo) ở xã Tiên Thắng, huyện Tiên
Lãng, Hải Phòng cho biết, trưa 13.2, một đoàn công tác của Công an Hải
Phòng đã đến gia đình anh làm việc.
Các
điều tra viên đã hỏi gia đình anh Tân về vụ việc cưỡng chế hơn 70ha đầm
xảy ra năm 2008, đề nghị gia đình cung cấp hồ sơ, tài liệu có liên quan.
Câu
hỏi các điều tra viên đặt ra là: Việc thu hồi của huyện có bồi thường
cho gia đình không? Những tài sản gì của gia đình bị mất mát sau buổi
cưỡng chế? Khi xã tổ chức đấu thầu, gia đình có tham gia bỏ thầu không?
Anh
Nguyễn Đình Tân đã trả lời các câu hỏi của điều tra viên về việc gia
đình bị thu hồi đất mà không hề được bồi thường, nhiều tài sản của gia
đình, trong đó có nhiều thủy sản chưa kịp thu hoạch đã bị mất trắng; khi
xã tổ chức đấu thầu khu đầm nói trên, gia đình đã bỏ thầu với giá 2.650
triệu đồng nhưng không trúng thầu (người trúng thầu bỏ thầu với giá
2.850 triệu đồng).
Sau buổi
làm việc, Đoàn công tác đề nghị anh Tân dẫn ra kiểm tra thực tế khu đầm
trước đây đã cưỡng chế, ở phía ngoài sông Văn Úc.
Trước
ông Đoàn Văn Vươn, gia đình ông Lê Đình Thảo ở xã Tiên Thắng cũng lâm
vào cảnh tương tự. Được giao hơn 70ha đất bãi bồi ven sông Văn Úc, bỏ
công bỏ của, chồng ngày đêm ngoài bãi, vợ vác rá đi vay gạo khắp làng
trên xóm dưới để nuôi nhân công đắp đê chống bão.
Một
vùng đất màu mỡ được hình thành, ông Thảo được sử dụng 15% để cấy lúa 1
vụ, được sử dụng toàn bộ diện tích để nuôi trồng thủy sản với thời hạn
12 năm, tính từ ngày giao đất 19.6.1992 đến 16.9.2004 thì hết hạn. Đến
hạn, UBND huyện cũng ra quyết định thu hồi mà không tính toán bồi thường
một xu.
Khi gia đình ông Thảo gửi đơn lên
thành phố, Sở TNMT lúc đó căn cứ Luật Đất đai đã có văn bản khẳng định
khi hết hạn, nếu gia đình ông Thảo có nhu cầu tiếp tục sử dụng đất thì
được ưu tiên cho thuê đất. Nếu gia đình ông Thảo không có nhu cầu thuê
đất thì phải tiến hành kiểm kê tài sản trên đất và xác định giá trị còn
lại của các công trình làm cơ sở để thanh lý hợp đồng giao đất hoặc đền
bù giá trị còn lại trên đất.
Thế nhưng, một văn
bản đúng luật này đã không được UBND huyện Tiên Lãng thực hiện. Sau đó,
ông Lê Đình Thảo đã phải kiện ra Tòa hành chính từ cấp huyện đến TAND
Tối cao. Cả 3 cấp xét xử đều khẳng định quyết định thu hồi đất không bồi
thường của huyện là đúng. Hai lần Viện KSND Tối cao có văn bản kháng
nghị đối với bản án phúc thẩm thì cả hai lần đều bị TAND Tối cao và Hội
đồng giám đốc thẩm bác bỏ.
Quyết định thu hồi
đất của UBND huyện Tiên Lãng cũng đã được thực thi bởi một quyết định
cưỡng chế. Không có tiếng mìn nổ. Không có tiếng súng. Cả nhà ông Thảo
kiên nhẫn đứng nhìn vụ việc với hy vọng còn có thể mang đơn đi kêu cứu.
Vẫn tin rằng kháng nghị của Viện KSND Tối cao sẽ còn được chấp nhận.
Vụ
cưỡng chế được coi là thành công tốt đẹp. Hàng nghìn người của 4 xã
trong vùng và cả người dân huyện Kiến Thụy được dịp đi bắt cá hôi, vì
chính quyền “tháo khoán” đầm nhà ông Thảo. Cho đến tận hôm nay, khi vụ
việc nhà ông Vươn bùng nổ, lãnh đạo huyện Tiên Lãng vẫn sử dụng tài liệu
của vụ kiện nhà ông Thảo làm minh chứng cho việc làm “đúng pháp luật”
của mình và được lãnh đạo UBND TP.Hải Phòng lấy làm “bảo bối” để trả lời
báo chí.
V. H.
Nguồn: giaoduc.net.vn