Thứ Sáu, 10 tháng 2, 2012

Những “kỷ lục” của Tiên Lãng và sự …tha hóa

KỲ DUYÊN
Vô cảm và sự quay vòng nhân- quả
 Cho dù ngày hôm nay, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc họp chính thức về vụ cưỡng chế gần 20 héc ta đất của gia đình anh nông dân Đoàn Văn Vươn (xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng), nhưng vụ việc gây phẫn nộ và hiệu ứng quá lớn của nó vẫn để lại trong lòng người vị đắng.
Từ đây, Tiên Lãng thành một khái niệm đặc biệt, không chỉ do tính chất điển hình về sự cưỡng chế đất đai thô bạo, vi phạm pháp luật của chính quyền sở tại, mà còn bởi nó chiếm khá nhiều…
kỷ lục.
- Kỷ lục về tính chất nhạy cảm: Đó là cưỡng chế, giải tỏa đất đai, một lĩnh vực chiếm tới 70% vụ khiếu kiện. Đối tượng cưỡng chế lại là người từng được báo chí vinh danh như anh hùng khai khẩn đất hoang, lấn biển.
- Kỷ lục về sự nhẫn tâm: Thời điểm cưỡng chế được chọn một cách có tính toán- trước Tết âm lịch. Theo đạo lý truyền thống của người Việt, đó là dịp người dân chuẩn bị sắm Tết, thờ cúng tổ tiên.
- Kỷ lục về tính chất chính quy: Để cưỡng chế một gia đình nông dân, chính quyền Tiên Lãng huy động tới 100 con người, trong đó có cả lực lượng cảnh sát, quân đội trang bị tận răng.
- Kỳ lục về sự tuyệt vọng và cùng đường: Người bị cưỡng chế- anh nông dân Đoàn Văn Vươn đã dùng cả mìn, đạn hoa cải “sát thương” sáu chiến sĩ cảnh sát, quân đội. 
- Kỳ lục về sự cưỡng chế nghiêm khắc: Không chỉ phá tan nhà ở của gia đình Đoàn Văn Vươn, những kẻ thừa hành còn “cưỡng chế” cả hai con chó của gia đình này, cùng đồ dùng, soong nồi, quần áo… khiến dư luận xã hội phẫn nộ, tức giận về hành vi mang chất “lục lâm”, “thảo khấu”.
- Kỷ lục về “mắt kém” và phát ngôn quá ấn tượng: Ngôi nhà hai tầng kiên cố của Đoàn Văn Vươn, đã được ông Đỗ Hữu Ca, Giám đốc Sở CA TP nhìn ra là một cái …chòi.
Đặc biệt, đánh giá kết quả cuộc cưỡng chế, ông cho rằng, đó là một trận đánh …đẹp, có thể viết thành sách! Khiến cho bạn đọc lại sôi lên, bi phẫn …chờ đợi tác phẩm tiếp theo của ông.
-Kỷ lục về sự đổ vấy và nói dối: Trả lời báo chí, theo ông Đỗ Trung Thoại, Phó Chủ tịch UBNDTP Hải Phòng, ngôi nhà của ông Đoàn Văn Vươn, bị người dân bức xúc… cưỡng chế.
Nhưng sự nói dối sớm bị vạch trần, mới đây, người dân xã Vinh Quang đã viết đơn khiếu kiện, tố cáo, người chỉ đạo phá nhà Đoàn Văn Vươn là hai quan xã- ông Phạm Đăng Hoan, Huyện ủy viên, Bí thư Đảng ủy xã và ông Lê Thanh Liêm, Chủ tịch UBND xã Vinh Quang. (VietNamNet, 9/2/2012).
- Kỷ lục về sự quan liêu, ngạo mạn thói ban phát “xin- cho”: Trả lời báo chí, ông Ngô Ngọc Khánh, Chánh Văn phòng UBND huyện Tiên Lãng cho rằng, huyện không biết ai phá nhà ông Vươn, vì gia đình không báo, và báo chí chỉ thông tin chứ không có văn bản cho huyện. Đến nỗi, nhà văn Nguyễn Quang Lập phải có bài viết: “Mất nước, nhà tan phải báo chứ”(!). Chao ôi là tinh thần…vô trách nhiệm của một quan huyện!
Rồi một loạt những phóng sự điều tra mới nhất của nhà văn Nguyễn Quang Vinh cho thấy, sự quan liêu là căn nguyên rất cơ bản dẫn đến những sai phạm nghiêm trọng- thành tội ác của chính quyền Tiên Lãng (từ của nhà văn N.Q.V).
Rất nhiều sai phạm của huyện lại đều chỉ do… nghe thuộc cấp báo cáo lại, không hề xuống hiện trường điều tra.
- Kỷ lục về sự ngang nhiên vi phạm pháp luật của chính quyền Tiên Lãng, khinh dân và ác với dân, qua “3 không”:
+ Không có phương án sử dụng đất sau khi thu hồi để công bố đối với người có đất bị thu hồi.
+ Không thành lập hội đồng đền bù hỗ trợ trước khi thu hồi.
+ Không tổ chức đối thoại với người được giao đất bị thu hồi.
 - Kỷ lục về “Những phát ngôn đối ngược” (VietNamNet, ngày 5 và 6/2/2012): Vụ Tiên Lãng vô tình khiến cho bạn đọc được thưởng thức cách “nói đối”- những cách nhìn nhận về anh nông dân Đoàn Văn Vươn và vụ cưỡng chế khác hẳn nhau.
 Một bên là các quan chức Tiên Lãng và Hải Phòng.
 Một bên là trưởng thôn, cán bộ hưu trí xã, người dân Vinh Quang, các vị nguyên là lãnh đạo cao cấp Nhà nước, cán bộ quản lý, đại biểu Quốc hội, GS. TS: Ông Lê Đức Anh, Nguyễn Quốc Thước, Vũ Mão, Đặng Hùng Võ, Nguyễn Minh Thuyết, Hoàng Xuân Phú…v..v…và…v…v..
 - Kỷ lục về sự “đi chậm”: Huyện Tiên Lãng cách thành phố Hải Phòng chỉ 30 ki lô mét, mà phải sau vụ việc đúng 30 ngày, các cấp chính quyền TP Hải Phòng, được tin Thủ tướng sắp về làm việc, mới tíu tít “em về…làng” gặp dân, nắm thông tin. Tính ra tốc độ đi của họ 1 km/ngày
 - Kỷ lục về sự phẫn nộ của dư luận xã hội: Hàng nghìn bài báo trên các báo điện tử, báo giấy, trang mạng xã hội lên án và bất bình trước việc thực thi pháp luật thô bạo, mang tính tư lợi và phạm luật của chính quyền Tiên Lãng.
 Đến nỗi báo Người lao động (9/2/2011) có hẳn một bài thơđộng viên các quan chức Tiên Lãng: Mau mà rời ghế đi thôi/ Mau mà rời khỏi cái nơi cửa quyền/ Để cho thiên hạ được yên/ Đừng làm dân chúng phát điên cả đầu.
 - Kỷ lục về nghĩa đồng bào: Không chỉ các trang mạng lên tiếng ủng hộ gia đình Đoàn Văn Vươn, mà các cá nhân trong nước, người dân Việt kiều ở nước ngoài đã lên tiếng quyên góp hỗ trợ, ủng hộ gia đình Đoàn Văn Vươn vượt qua những sóng gió khủng khiếp đời người.
- Kỷ lục về… báo ứng: Chỉ sau một tháng xảy ra vụ cưỡng chế, hàng loạt cán bộ Tiên Lãng bị kỷ luật. Đó là ông Lê Văn Hiền, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng, Nguyễn Văn Khanh, Phó Chủ tịch UBND huyện, ông Lê Văn Mải, Trưởng Công an huyện, Phạm Đăng Hoan, Bí thư Đảng ủy và Lê Thanh Liêm, Chủ tịch UBND xã Vinh Quang.
Và mới đây, Liên Chi hội nuôi trồng Thủy sản nước lợ Tiên Lãng (Hải Phòng) có đơn đề nghị cách chức, buộc thôi việc, khai trừ Đảng đối với ông Bùi Thế Nghĩa, Bí thư Huyện ủy, người phải chịu trách nhiệm đầu tiên về Đảng, vì đã “để xảy ra một việc đặc biệt nghiêm trọng”, và 7 vị quan chức khác.
Người ta bảo, thời kinh tế thị trường, luật “nhân- quả” cũng…quay vòng nhanh lắm!
- Kỷ lục về sự quan tâm của các Bộ, ngành chức năng: Đến thời điểm này, có tới sáu bộ, ngành chức năng đã vào cuộc tìm hiểu vụ Tiên Lãng. Đó là Mặt trận Tổ Quốc VN, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Hội Nông dân VN, Bộ Công an, Bộ Nông nghiệp- Phát triển nông thôn và Bộ Tư pháp.
 Cũng phải chăng, vì ngày 10/2 hôm nay, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì cuộc họp với một số cơ quan chức năng ở TW và UBND TP.Hải Phòng để chỉ đạo, giải quyết dứt điểm vụ việc?
 Sự tha hóa và con đường… độc đạo
 Ở một góc độ khác, cần phải “khen” chính quyền Tiên Lãng, vì họ đã là một minh họa sinh động cho kết luận của Tổng BT Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị TW 4 trước đó ít ngày: Chỉnh đốn Đảng vì sự tồn vong của chế độ.
 Điều đó, đang trở nên khẩn thiết?
Ngày 7 và 8/2/2012 mới đây, VietNamNet có bài phỏng vấn Tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược (Bộ Công an), dưới nhan đề: “Tướng Lê Văn Cương bàn chuyện chỉnh đốn Đảng”…
Theo ông Lê Văn Cương, giống như quy luật xã hội, sự tha hóa của đảng cầm quyền, dù là cộng sản, tư sản hay dân tộc là phổ biến (và đã được tiên đoán). Sự tha hóa của ĐCS không phải là một ngoại lệ.
 Nhưng chống lại sự tha hóa, chắc chắn không đơn giản và không dễ. Điều này, thể hiện ở ngay nghị quyết các kỳ ĐH Đảng:
 + ĐH 6 (1986): Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật…, đã nhìn rõ bệnh tật trong Đảng. Và không ai có quyền tự ban cho mình những đặc quyền, đặc lợi.
 + 10 năm sau (1996), ĐH VIII: Nạn tham nhũng đang là một nguy cơ trực tiếp đe dọa đến sự sống còn của hệ thống chính trị.
 + 5 năm sau (2001), ĐH IX: Nạn tham nhũng kéo dài trong bộ máy hệ thống chính trị, trong nhiều tổ chức kinh tế, là một nguy cơ lớn đe dọa sự sống còn của chế độ ta.
 + 5 năm sau nữa (2006), ĐH X: Thoái hóa, biến chất về chính trị, tư tưởng, về đạo đức, lối sống, tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, sách nhiễu dân trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên diễn ra nghiêm trọng, kéo dài chưa được ngăn chặn, đẩy lùi…,. Đó là một nguy cơ lớn liên quan đến sự sống còn của Đảng, của chế độ.
 +5 năm tiếp theo (2011), ĐH XI: Quan liêu, tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng, với những biểu hiện tinh vi, phức tạp, chưa được ngăn chặn, đẩy lùi, gây bức xúc xã hội… , làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, đe dọa sự ổn định, phát triển của đất nước.
+ Cuối tháng 12/2011, tại Hội nghị TW 4: Lần đầu tiên, Tổng BT nhận định tư duy nhiệm kỳ, lợi ích nhóm đang làm Đảng ta suy yếu, làm lòng tin của dân với Đảng giảm sút, và cần chỉnh đốn Đảng vì sự tồn vong của chế độ.
Từ đặc quyền, đặc lợi, đến tham nhũng, nạn tham nhũng kéo dài, và hiện nay là tham nhũng và lợi ích nhóm, rõ ràng  “con đường” tha hóa trong Đảng chưa bao giờ bị chặn đứng, dừng lại, mà theo như Tướng Lê Văn Cương, ngày càng phát triển tinh vi…
Vì sao? Theo người viết bài này, dường như khi đặt vấn đề chỉnh đốn, thường có sự nhầm lẫn giữa mục tiêu và giải pháp.
Các giải pháp nếu có, lại mang nặng tính duy ý chí, nặng sự hô hào hình thức, hô… khẩu hiệu, nhưng rất thiếu một thiết chế mang tính cải tổ khoa học và hợp quy luật. Rút cục, sự vững mạnh ở cơ sở không mang tính bản chất, thậm chí chứa nhiều ung nhọt.
Đến mức, 15 năm trước, Đảng ủy Quỳnh Phụ (Thái Bình) 10 năm liền trong sạch vững mạnh vậy mà cuối cùng sự kiện Thái Bình 1997 nổ tung, rung chuyển cả xã hội, cho thấy Đảng ủy này chả trong sạch cũng như vững mạnh, gây tổn thất lớn cho uy tín chính trị của Đảng.
Và mới đây thôi, vụ Tiên Lãng bộc lộ hết sự yếu kém về cái tâm, cái tầm của tổ chức Đảng, Chính quyền các cấp, gây phẫn nộ lớn cho nhân dân.
Đó liệu có phải là những mầm họa?
Không ai có thể làm suy yếu Đảng, làm dân mất lòng tin bằng chính sự tha hóa, được đội ngũ cán bộ của Đảng săng sái… “lập công”, như Đảng ủy Quỳnh Phụ trước đây, như chính quyền Tiên Lãng hôm nay, như các quan chức mất phẩm chất tham nhũng, lợi ích nhóm bị lộ và chưa bị lộ?
Là người am hiểu đặc điểm thực tiễn cơ chế chính trị Việt Nam, nghiên cứu sự bại vong của những mô hình, thể chế chính trị trên trường quốc tế, Tướng Lê Văn Cương cũng đã nhìn ra sự tha hóa đó, có nguyên nhân của việc quyền lực không bị giám sát.
Vì vậy theo ông, sự chỉnh đốn cũng là con đường độc đạo đầy đau đớn mà Đảng phải đi…. Và trong điều kiện đặc thù, chỉ một Đảng độc đạo duy nhất, không có đối trọng, thì phải tạo cơ chế để người ta lấy đá ghé chân anh. Cơ chế đó là sự giám sát quyền lực, mà ông Lê Văn Cương đưa ra gồm bẩy điểm.
Như tăng cường hơn nữa sự giám sát của cơ quan lập pháp đối với hành pháp, sự độc lập của cơ quan tư pháp trong xét xử. Như bố trí cán bộ phải qua kiểm tra, chọn lọc. Xây dựng cơ chế tuyển chọn và sử dụng hiền tài vào các vị trí quyết định…Nhưng những điểm đó, nói cho công bằng, không mới. Vì nó đã thấp thoáng ở chỗ này chỗ khác, trong những kiến nghị giải pháp trước đây. Vấn đề là có muốn làm và làm thực chất không?
Còn người viết không dám tin sẽ thành hiện thực. Bởi một điều, có ai tự nguyện để người khác vác đá ghè chân mình?
Ngay cả Tướng Lê Văn Cương cũng chỉ dám tin, sự thay đổi sẽ là một quá trình dài đau đớn.
Vì vậy, với dân tộc Việt, cũng sẽ là một quá trình dài đau đớn, khi muốn phát triển hướng tới dân chủ, công bằng và văn minh!
Tác giả gửi cho QC
Nguồn Quê choa .