Đóng gạch vụn còn lại của nhà ông Vươn, sau khi bị chính quyền địa phương phá. Ảnh ngày 10/01/2012
Reuters
Hôm nay 10/02/2012, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã họp với các
bộ, ngành và lãnh đạo thành phố Hải Phòng về vụ cưỡng chế thu hồi đất ở
Tiên Lãng. Theo báo chí trong nước, sau cuộc họp nói trên, ông Nguyễn
Tấn Dũng đã kết luận đây là một vụ việc « đáng tiếc, có vấn đề yếu kém của chính quyền huyện Tiên Lãng, xã Vinh Quang trong quản lý đất đai ».
Cụ thể, theo lời chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam, thủ
tướng Việt Nam cho rằng, quyết định thu hồi đất của ông Vươn đều trái
quy định pháp luật, cho nên quyết định cưỡng chế thu hồi là cũng là trái
luật. Mặt khác, việc thực hiện quyết định « cũng có nhiều sai phạm, gây thương vong cho lực lượng tham gia ».
Đặc biệt, thủ tướng Dũng khẳng định việc phá nhà của ông Đoàn Văn Vươn là « có sự chỉ đạo của một số lãnh đạo địa phương » và ông yêu cầu khởi tố điều tra vụ này để « làm rõ, xét xử nghiêm minh ».
Ngày 8/2 vừa qua, Công an Hải Phòng đã khởi tố vụ án « hủy hoại tài sản ». Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng và nhiều cán bộ đã bị đình chỉ chức vụ.
Về phần gia đình ông Đoàn Văn Vươn, ngày 10/1, ông cùng với ba người khác đã bị khởi tố, bắt tạm giam về tội « giết người ». Hai phụ nữ, trong đó có bà Nguyễn Thị Thương (vợ ông Vươn) thì bị khởi tố về tội « chống người thi hành công vụ », nhưng được tại ngoại.
Sau cuộc họp hôm nay, ông Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu lãnh đạo Hải Phòng phải chỉ đạo « xem xét giảm nhẹ cho các bị cáo trong vụ án », do quyết định sai của huyện Tiên Lãng. Nói cách khác, vụ xử các bị cáo về tội giết người sẽ không phải do tòa án quyết định, mà là tùy thuộc vào lãnh đạo thành phố.
Thủ tướng Việt Nam không có biện pháp gì đối với các lãnh đạo Hải Phòng, mà chỉ yêu cầu họ « kiểm điểm », vì đã chấp thuận cho huyện Tiên Lãng thu hồi đất và đã « xử lý chậm, báo cáo thủ tướng chưa đầy đủ ».
Trả lời phỏng vấn RFI Việt ngữ, luật sư Trần Vũ Hải từ Hà Nội cho rằng kết luận của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ là tạm thời, vì còn nhiều điểm khác cần phải bàn thêm :
Điểm tích cực nhất của thủ tướng là khẳng định rằng quyết định thu hồi đất đối với gia đình Đoàn Văn Vươn là trái pháp luật, bởi vì Luật Đất đai không quy định như vậy. Gia đình ông đang sử dụng đúng mục đích, tức là nuôi trồng thủy sản và làm nông nghiệp. Quan trọng hơn nữa, đó là ông ( Nguyễn Tấn Dũng ) cho rằng việc phá nhà là có thật và các lãnh đạo địa phương phải chịu trách nhiệm về vấn đề này.
Tôi hy vọng rằng, với kết luận của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, chính quyền Hải Phòng cũng cần phải thức tỉnh và các cơ quan pháp luật của Hải Phòng cũng phải cần xem xét lại. Tôi cho rằng, nếu quyết định thu hồi đất phải được hũy bỏ, thì khu đất đầm này cần phải được trả lại cho gia đình ông Đoàn Văn Vươn. Nhưng những người lao động chính của gia đình này, ví dụ như ông Đoàn Văn Quý và ông Đoàn Văn Vươn hiện đang trong tù, ở nhà chỉ còn phụ nữ và trẻ em.
Trong khi chờ đợi xét xử, ít nhất phải cho những người đó được tại ngoại, vì qua kết luận của thủ tướng, đây chỉ là những người bức xúc thôi, chứ không phải là những người gây nguy hiểm cho xã hội. Những người đó cần được xã hội khuyến khích để họ có điều kiện tiếp tục sản xuất nuôi sống gia đình họ.
Hàng chục hectare này nếu giao lại cho những phụ nữ này, thì rõ ràng cũng chẳng giải quyết được gì, mà chỉ làm phức tạp thêm, vì họ làm sao có thể quản lý nổi. Nếu làm cho đến tận cùng thì chính quyền địa phương phải nhận thức được điều đó. Đó là mong muốn không chỉ của riêng tôi, mà của các cư dân mạng, khi mà thủ tướng nói rằng các cơ quan pháp luật cần phải « giảm nhẹ » đối với trường hợp này.
Tôi cũng nghĩ rằng vụ Đoàn Văn Vươn sẽ còn được lịch sử đánh giá lại. Vụ này vừa nghiêm trọng, nhưng vừa là một trang mới đối với lịch sử Việt Nam, đặc biệt liên quan đến việc quản lý đất đai và đến chính sách nông thôn, nông dân, nông nghiệp, mà Việt Nam gọi là tam nông.
Sẽ còn nhiều người nhớ đến sự kiện này. Sẽ còn những vụ việc khác cần giải quyết. Người ta sẽ đánh giá không chỉ sự kiện hôm nay, mà còn xem những vụ việc ngày mai, những vụ việc những ngày tới sẽ được giải quyết như thế nào để đánh giá sự tích cực hoặc tiêu cực của những cá nhân, những cơ quan, những đơn vị và thậm chí của chế độ trong tương lai, khi người ta nhìn nhận ảnh hưởng của những vụ việc này. »
Nguồn RFI
VIDEO liên quan :