Thứ Tư, 22 tháng 2, 2012

Pháo hiệu Đoàn Văn Vươn

Tạ Duy Anh

Nhớ lại trước tết Kỷ Sửu, tức là cách nay chừng ba năm, có một nhà báo do thấy tôi hay sáng tác về nông thôn, bèn phỏng vấn tôi về con trâu và cuộc sống của người nông dân ngày nay. Trong bài phỏng vấn đó có một đoạn hỏi và đáp như sau:
Hỏi: Việc “công nghiệp hóa nông thôn” theo ông hiện nay đúng hay sai? Một số người cho rằng, không phải cứ đưa nhà máy, xí nghiệp về xây dựng ở đồng ruộng là công nghiệp hóa, mà phải xây dựng một nền nông nghiệp vững mạnh bằng sự sáng tạo, đầu tư có chiều sâu, khoa học cho nông thôn.
Trả lời: Theo tôi chúng ta đang tự làm khó mình bằng những khái niệm mơ hồ, đầy tính chủ quan về quyền sở hữu, bóc lột, làm thuê... Luật đất đai hiện nay sẽ hạn chế mọi nỗ lực cải tạo nông thôn. Nói thẳng ra chúng ta chỉ cố khẳng định thành tựu của mấy chục năm đã qua bằng cách giữ nguyên những khái niệm đã trở nên rất buồn cười. Đó là thứ sĩ diện chính trị hão, không cần thiết. Bởi vì muốn công nghiệp hoá nông thôn thì trước hết phải chấp nhận có những chủ đất lớn. Không ai có thể hình dung nổi với cái quyền sử đất như hiện nay mà lại có thể công nghiệp hoá nông thôn. Nói cho vui thì cứ nói.
Hỏi: Nhà văn nghĩ sao về đời sống người nông dân hiện nay?

Trả lời: Phần lớn người nông dân hiện thời đang đứng trước một tương lai u ám. Chúng ta sẽ phải chứng kiến một nghịch cảnh là đất đai ngày càng hiếm nhưng sẽ ngày càng nhiều đất đai bị bỏ hoang hoặc khai thác không hiệu quả. Và hiện tượng đất đai bạc mầu, bị làm cho mất khả năng canh tác sẽ còn kinh khủng hơn. Chung quy cũng vì Luật đất đai quá lạc hậu.
Sau khi gửi lại bài cho anh phóng viên nọ, tôi cũng quên luôn, quên cả hỏi xem anh ta định đăng ở báo nào. Vừa ra Tết thì tôi được mấy anh bạn là tổng biên tập báo gọi đến, bảo rằng trong cuộc giao ban đầu xuân Kỷ Sửu của Ban Tư tưởng văn hoá, tôi bị phê phán đích danh bởi những quan điểm ngược chiều với định hướng tuyên truyền của Đảng, thể hiện trong bài phỏng vấn ngắn vừa nêu. Lúc đó tôi chẳng nghĩ gì cả, mà chỉ thấy buồn cười. Tôi đã thẳng thắn nói giúp các nhà lãnh đạo đất nước một sự thật đang rất phổ biến ở nông thôn, cảnh báo về nhiều bất cập trong cách thức quản lý và sử dụng đất đai, dẫn đến nhiều nghịch cảnh đau lòng và âm ỉ khối bức xúc ngày một lớn. Nếu không có cách giải toả sẽ đến ngày nó nổ tung và khi đó thì tất cả tôi nhắc lại là tất cả – những gì thành tựu một cách vô cùng vất vả mấy chục năm đổi mới sẽ bị cuốn phăng, sẽ đổ vỡ tan tành. Nhiều nhà tham mưu biết thực trạng này nhưng họ khôn ngoan không nói vì sợ bị quy chụp.
Phải nói rõ một sự thật, nông thôn giờ đây không còn cảnh đói ăn rét mặc như thời mấy chục năm trước (nếu có thì cũng không nhiều). Đó là nhờ quá trình giải thể triệt để mô hình sản xuất ngự trị thời bao cấp. Khi đất đai về với người nông dân, mặc dù mới chỉ là hạn mức 20 năm, khi họ được tự do mưu sinh trên thửa ruộng, khi những năng lực được giải phóng khỏi sự kìm hãm, dù mới ở mức còn hạn chế, cũng đã khiến họ tạo ra sự kỳ diệu như những gì chúng ta chứng kiến. Nếu cứ khăng khăng nói rằng, mấy chục năm đổi mới mà đa số nông dân vẫn đói ăn, thiếu mặc là nói lấy được và thiếu sự công tâm.
Nhưng còn một sự thật khác, cái sự thật mà các nhà lãnh đạo thường không thích nếu có ai đó nói thẳng ra, đó là sự khổ cực thì vẫn bao trùm lên đời sống người nông dân, bao trùm lên hầu khắp các làng xã. Thậm chí cảm giác về nỗi cơ cực có nơi còn lớn hơn cả cái thời nghèo đói do môi trường bẩn thỉu, làng xóm bị xé nát, tệ nạn cờ bạc, nghiện hút… tràn lan cùng vô vàn thói xấu thành thị du nhập về theo những người dân ra phố kiếm việc. Có nhiều nguyên nhân nhưng có thể thấy rõ hai nguyên nhân chính, đó là nạn hà chính của cán bộ cơ sở các cấp và những rắc rối, quanh co, khó hiểu của Luật đất đai khiến người nông dân ồ ạt bỏ ra thành thị thay vì kiếm ăn trên đồng ruộng của mình. Cứ tưởng khi những trói buộc người nông dân được cởi bỏ thì họ có rất nhiều quyền. Nhưng trên thực tế họ chỉ có quyền rõ ràng nhất là quyền dùng sức lao động của mình. Còn lại những quyền khác đều mơ hồ, hoặc chỉ có trên giấy, hoặc bị đám quan lại mới tước mất bằng trăm ngàn hình thức vô cùng tinh vi. Trong khi đó, những né tránh vòng vo của Luật đất đai chỉ vì không muốn dùng tới cặp từ tư hữu (chẳng hạn người sử dụng đất không phải là chủ sở hữu nhưng có 5 quyền vv…) đã vô tình gây khốn khó cho người nông dân, đặc biệt khi mà đất đai trở thành tài sản có giá trị lớn về tiền bạc, dễ bị những người có quyền chức lợi dụng khái niệm sở hữu toàn dân để tham nhũng. Chúng ta chưa vội bàn tới chuyện tích trữ ruộng đất, như một quá trình không thể đảo ngược ở nông thôn nếu muốn nó có một bộ mặt khác, sáng sủa hơn-đã bị ngăn cản bởi Luật đất đai, bởi quy định về hạn điền; chúng ta cũng còn thời gian để bàn về khả năng sử dụng đất như một hàng hoá trong quá trình sản xuất, tạo nguồn lực… Cũng hãy tạm gác lại chuyện đất đai bị tận dụng khai thác, đưa tới thực trạng bạc mầu hoá đang diễn ra ở khắp nơi. Ở đây, vì tính chất nóng bỏng của vấn đề, chúng ta chỉ gói gọn trong hai việc, là hậu quả của những quy định mập mờ, đầy cảm tính chính trị được ghi trong Luật đất đai. Vấn đề thứ nhất là mục tiêu khích lệ sản xuất, tiêu chí hàng đầu mà bất cứ bộ luật nào về ruộng đất phải tập trung hướng tới; và vấn đề thứ hai là quyền thực sự của người nông dân trên thửa đất của mình. Với việc tạm giao đất (dù là 20 năm thì cũng vẫn là tạm giao), người nông dân sẽ ứng xử với mảnh ruộng mình đang canh tác như là thứ đi mượn. Trước sau thì nó cũng tuột khỏi tay mình. Vì thế họ chỉ khai thác những gì dễ sinh lợi nhất, sinh lợi tức khắc mà không nhằm tới những kế hoạch dài hạn, có khả năng cho thu hoạch lớn hơn, giá trị lao động cao hơn. (Ví dụ như việc làm giàu đất, đầu tư thuỷ lợi, đầu tư giống cây năng suất cao, chuyển đổi phương thức canh tác, chọn cây có tiềm năng lâu dài…Những việc này có thể mất nhiều thời gian, khi cho thành quả thì đất lại thuộc về người khác. Người nông dân nào thì cũng dễ dàng suy diễn như vậy!). Nói khác đi, thay vì canh tác đúng nghĩa, họ bòn vét tối đa mảnh đất được tạm giao, thậm chí huỷ hoại nó nếu cần thiết. Hiện tượng người nông dân thi nhau đào đất bề mặt ruộng đem bán là một ví dụ đau lòng. Hiện tượng nhiều mảnh ruộng vốn là bờ xôi ruộng mật bị hút cạn màu và bị bỏ hoang là những ví dụ còn đau lòng hơn. Thế là còn ruộng đấy mà giá trị canh tác thì bị mất. Trong khi đó, vì chỉ là đất mượn của nhà nước, nên họ không thể cho người khác có khả năng tốt hơn mượn lại. Hoặc nếu có thì quá trình này vô tình vi phạm luật pháp nếu không diễn ra bí mật với nhiều hệ luỵ.
Bây giờ đến vấn đề quyền thực sự của người nông dân trên thửa đất cho họ nguồn sống chính. Theo quy định thì họ có tới 5-6 quyền. Nhưng cái quyền quan trọng nhất là được gắn bó máu thịt với mảnh đất ấy thì lại không có. Chỉ riêng thực tế này thôi đã thấy Luật đất đai cần phải làm lại. Phải trả cho người nông dân cái quyền yêu quý, gắn bó lâu dài chừng nào họ còn muốn với mảnh đất của họ. Cái quyền đó đồng thời xác quyết quyền bất khả xâm phạm những gì mà họ tạo ra trên mảnh đất ấy mà không thông qua thoả thuận mang tính pháp lý. Đến đây chúng ta hoàn toàn có thể dùng ngay dẫn chứng từ vụ việc xảy ra ở xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng thành phố Hải Phòng. Mọi thứ thoả thuận giữa người nông dân và chính quyền có vẻ đều đúng với các quy định hiện hành của Luật pháp và Luật đất đai ngoại trừ việc có sự khác nhau trong cách tính thời gian. Nhưng mấu chốt vấn đề không phải ở chỗ ông Vươn có quyền thuê đến bao giờ? Nếu không phải là năm 2012 thì sẽ là 2015, 2017… ông sẽ phải trả lại khu đầm do chính ông khai hoang cho xã, huyện. Đã là quy định thì phải chấp hành! Vấn đề ở đây là sau khi xã, huyện lấy lại khu đầm đó thì nó được dùng vào việc gì? Trong vòng vài chục năm tới chắc chắn vẫn chỉ có việc cho nuôi thả thuỷ sản. Chúng ta chưa bàn tới đạo lý, sự công bằng là người nào đổ công sức, mồ hôi và cả máu để có được khu đầm ấy, thì quyền canh tác trước tiên phải thuộc về họ. Ngay cả quyền tài phán cũng phải chia cho họ. Chúng ta chỉ phân tích ở khía cạnh thuần tuý kinh nghiệm thực tế cũng thấy, không ai có thể làm mọi thứ tốt hơn anh em ông Đoàn Văn Vươn trên khu đầm ấy. Của đau, con xót. Chúng ta không nên quên điều đơn giản ấy. Vì phải rất vất vả mới có khu đầm, anh em ông Đoàn Văn Vươn không chỉ khai thác khu đầm một cách tốt nhất, mà họ còn biết khiến cho nó bền vững, xinh đẹp, sạch sẽ nhất. Hơn thế, họ sẽ đầy cảm hứng lao động và kích thích tình yêu lao động cho hàng ngàn người khác, khích lệ người nông dân ở lại quê nhà, kiếm ăn, làm giầu thay vì bỏ đi lang thang. Đây không thể là những giá trị vô hình, trừu tượng. Nó là tài sản to lớn mà Nhà nước phải trân trọng và phải định giá cho nó mặc dù nó vô giá. Nếu ai cũng hiểu thấu điều mang tính đạo lý, văn hoá này thì sẽ thấy việc thu hồi khu đầm tôm của ông Vươn kể cả khi hết thời hạn mà không vì mục đích khác ngoài nuôi thả thuỷ sản là hành động làm tổn hại rất lớn đến xã hội xét về mọi phương diện. Nếu do chấp hành máy móc những quy định thì lãnh đạo địa phương là những người dốt. Còn nếu vì động cơ trục lợi, thì những kẻ đầu têu ra việc thu hồi kể trên thực sự là độc ác, bất nhân, tối mắt vì cái lợi nhỏ mà huỷ hoại số tài sản lớn gấp hàng ngàn lần, có loại tính được, có loại không thể tính được như tình nghĩa đồng bào, niềm tin, tình yêu lao động… Dốt thì nên từ quan mà về. Còn bất nhân thì phải bị trừng phạt thích đáng.
Nhưng cái điều mà chúng ta quan tâm nhất chính là, sau sự cố trên, sau muôn vàn giả thiết đầy nuối tiếc, thứ cần phải được chỉ đích danh là nguyên nhân của sự việc không gì khác ngoài bất cập của Luật đất đai. Chỉ ra sự bất cập không phải để quy kết. Bộ luật nào thì cũng có giá trị thời gian của nó. Luật đất đai với riêng người nông dân đã bị thời cuộc, nói đúng hơn, những đòi hỏi của thời cuộc vượt qua. Nó cần một sự thay đổi từ quan niệm pháp lý trong vấn đề sở hữu ruộng đất. Nó cần tạo cơ sở chắc chắn cho niềm tin của người nông dân, khơi dậy ở họ tình yêu đất đai, làng mạc, không ngừng làm gia tăng những giá trị liên quan đến văn hoá, đạo đức như là sản phẩm tinh hoa của tình yêu ấy. Họ không chỉ là nông dân mà là những người đại diện cho 70 phần trăm dân số, những người đã chịu mọi cực khổ để cho đất nước này niềm tự hào là cường quốc lúa gạo và đang tham gia kiến tạo an ninh lương thực toàn cầu. Vấn đề lớn đến nhường ấy đâu có thể chỉ nói cho đẹp lòng nhau trong hội nghị. Theo tôi, trong khi can đảm sửa Luật đất đai, cần lập tức gia hạn thêm thời gian cho loại đất 20 năm để không xảy ra tình trạng quan lại cường hào chầu chực cướp đất của dân lành, còn người nông dân thì đầu tư cầm chừng, hoặc tệ hơn sẽ tàn phá hoa màu, tàn phá đất đai, tàn phá sinh thái trước khi hết hạn vào năm 2013.
Vụ việc xảy ra ở Tiên Lãng là một đáng tiếc lớn khi có tới 6 người thừa hành nhiệm vụ bị thương không phải do kẻ địch! (Vì chẳng có kẻ địch nào cả). Ông Đoàn Văn Vươn nên phải chịu một hình thức trừng phạt nào đó, giả dụ bồi thường xứng đáng cho những người mà ông gây thương tích, cho dù gốc của sai trái không thuộc về ông. Là người chủ trương nhường nhịn, kiên nhẫn thượng tôn luật pháp, tôi không thể chia sẻ với hành động nổ mìn của anh em ông Đoàn Văn Vươn. Nhưng một xã hội công bằng, bao dung, biết suy xét phải trái thì không nên chỉ quy kết một chiều. Giả sử không có những tiếng nổ ấy liệu xã hội và Nhà nước có giật mình nhận ra mối nguy hiểm cận kề bấy lâu nay mà mình không biết, không linh cảm thấy hoặc bị đủ thứ thành tích, đủ thứ sĩ diện, đủ thứ tham mưu hồ đồ của đám nịnh thần nhan nhản làm cho bị che lấp đi? Có thể coi vụ Đoàn Văn Vươn là tiếng pháo hiệu báo trước rằng một cơn dông tố đang hình thành và có thể nổ ra bất cứ lúc nào. Phát pháo hiệu cô đơn đó được bắn lên vừa như một cảnh báo, vừa như một lời kêu cứu, khi người bắn đã lâm vào thế cùng đường có phần quẫn trí. Nhưng lẽ nào ánh sáng của nó lại hoàn toàn vô dụng? Dù chỉ loé lên một cách bất hợp pháp, nó cũng đủ soi rõ rất nhiều góc tối tăm trong xã hội, trong hệ thống luật pháp, hệ thống chính trị, hệ thống đạo đức. Nó cho thấy rõ nhất những khoảng trống to lớn và nguy hiểm mà nếu cứ để nó ngày một loang to, tức là không có hành động khả thủ hàn lại, thì một sự sụp đổ thê thảm là tất yếu, một sự sụp đổ ngoài mọi toan tính chính trị, ngoài mọi hình dung, ngoài mọi mong muốn… Không gì đáng sợ hơn một xã hội mất sạch niềm tin vào tương lai, bị huỷ diệt về ý chí.
Phát pháo hiệu Đoàn Văn Vươn cũng làm rõ ra cơ man là những gương mặt và tâm địa chuột. Chúng ta thiếu cả triệu Đoàn Văn Vươn với tư cách là những nông dân thông minh, cần cù, tự trọng, làm giàu đẹp quê hương, sau đó là đất nước trong khi lại thừa nhan nhản những Lê Văn Hiền, Đỗ Trung Thoại, Nguyễn Văn Khanh, Vũ Hồng Chuân … những kẻ đang tưởng mình có trong tay thứ quyền lực vô biên để làm một cuộc chiến đấu với nhân dân thực sự. Thủ tướng đã kịp thời đưa ra những quyết định quan trọng để tạm yên dân, chứng tỏ ông đã linh cảm thấy tính tới hạn của sự chịu đựng ở người dân, có nguyên nhân từ sự hư hỏng của bộ máy chính quyền. Nhưng cái gì cho cấp dưới của ông ở địa phương sự điên rồ ấy là thứ mà xã hội đòi hỏi phải truy đến cùng.
Hà Nội 20-2-2012
T. D. A.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.
nguồn BVN