Thứ Bảy, 11 tháng 2, 2012

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan lên tiếng về Tiên Lãng


clip_image002
 
Khu đầm bị cưỡng chế của anh Đoàn Văn Vươn. Ảnh VOV
 
   
Vụ việc ở Tiên Lãng tưởng như chỉ mang tính địa phương nhưng lại rất điển hình, phản ánh nhiều điều đang diễn ra trong cả nước. Một phần nào đó nó phản ánh khá rõ nét những điều đã được Hội nghị Trung ương lần thứ Tư khóa XI họp đúng dịp này nêu ra và nó cần được xử lý đúng theo tinh thần Nghị quyết của Hội nghị để củng cố kỷ cương của Đảng và Nhà nước, lấy lại niềm tin của dân. Vụ việc này đồng thời cũng gợi mở nhiều điều trong quá trình sửa đổi Hiến pháp, nhất là xung quanh vấn đề đất đai và hệ thống chính trị. 
Nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Khoan chia sẻ những tâm tư của ông xung quanh vụ việc xảy ra ở Tiên Lãng, Hải Phòng.
Đã hơn một tháng nay dư luận cả nước xôn xao về vụ cưỡng chế thu hồi đất diễn ra tại xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng (Hải Phòng). Xem ra vụ việc tuy chưa đến hồi kết song cũng đã rõ ra nhiều điều. Cuối cùng thì Thành ủy Hải Phòng cũng đã họp báo bày tỏ thái độ của mình; Thủ tướng Chính phủ hôm nay họp với các ban ngành hữu quan để xem xét; đã khởi tố vụ án hủy hoại tài sản của ông Đoàn Văn Vươn.
Vụ việc này phản ánh rất nhiều điều bất ổn khá phổ biến ở nước ta trong lúc này, đòi hỏi phải rút ra những bài học thích đáng để chấn chỉnh, nếu không có thể nẩy sinh những tình huống phức tạp khôn lường. Phải chăng sơ bộ có thể nghĩ về sáu điều sau:
Điều thứ nhất là vụ việc này càng thúc bách (chứ không chỉ nhắc nhở) phải sớm chỉnh sửa Luật đất đai. Có lẽ trong số các đạo luật về kinh tế ở nước ta Luật đất đai có tầm quan trọng hàng đầu vì dù sao nước ta vẫn là nước nông nghiệp, trên 70% dân số sống ở nông thôn; quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đang được đẩy mạnh ảnh hưởng rất nhiều tới đất đai; đây cũng là nơi phát sinh nhiều tệ nạn tiêu cực, tham nhũng nhất vì thực ra tài sản quốc gia của ta chủ yếu cũng nằm ở đất và một số ít khoáng sản; phần lớn các vụ khiếu kiện đông người và gay gắt đều liên quan tới đất đai. Nói một cách khác, phát triển kinh tế, kể cả tiến trình CNH, HĐH, ổn định xã hội, chống tham nhũng về nhiều mặt đều nằm ở đây cả!
Sửa thế nào là chuyện lớn và vô cùng phức tạp; các tầng lớp nhân dân, các chuyên gia, cơ quan xây dựng pháp luật và quản lý cũng như các cơ quan lãnh đạo Đảng và Nhà nước chắc sẽ phải suy nghĩ, luận bàn thấu đáo. Sơ bộ nghĩ, có lẽ ở đây có hai chuyện lớn nhất nổi lên: một là, làm thế nào xử lý thỏa đáng mối quan hệ giữa khái niệm “đất đai là sở hữu toàn dân” (một khái niệm quá rộng và khá trừu tượng) và các quyền của người dân nói chung và người nông dân nói riêng (là những con người cụ thể) và hai là, sự phân cấp thế nào cho các cấp chính quyền địa phương để thực thi quyền của Nhà nước với tư cách là đại diện cho sở hữu toàn dân. Bên cạnh đó có chuyện giải quyết tranh chấp đất đai theo cơ chế nào là thỏa đáng: bằng biện pháp hành chính hay qua tòa án, bằng cưỡng chế theo quyết định hành chính hay thi hành án?
Mọi chuyện rắc rối liên quan đến giao, thu hồi, tranh chấp, bồi thường, giá cả, tiêu cực, tham nhũng… đều liên quan đến các khía cạnh này; không giải quyết chúng một cách thích hợp thì sự bất ổn còn kéo dài.
clip_image003
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan: vụ việc ở Tiên Lãng tưởng như chỉ mang tính địa phương nhưng lại rất điển hình, phản ánh nhiều điều đang diễn ra trong cả nước.
Điều thứ hai là ý thức thượng tôn pháp luật trong một Nhà nước pháp quyền. Những gì lộ diện và được xác nhận cho tới nay cho thấy chính quyền địa phương vi phạm quá nhiều quy định của pháp luật: từ khâu giao đến thu hồi đất, xử lý khiếu nại, cưỡng chế, ứng xử với báo chí, công luận… Đó là chưa kể đằng sau những sự vi phạm ấy có điều gì khuất tất không – một điều cần được sớm làm rõ và xử lý kiên quyết. Nếu bộ máy công quyền hành động như vậy thì làm sao có thể đòi hỏi ở người dân sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, làm sao củng cố niềm tin của nhân dân đối với chính quyền được?
Còn việc anh em ông Đoàn văn Vươn dùng vũ khí chống lại đội cưỡng chế (có đúng họ “thi hành công vụ” một cách chính đáng hay không thì còn phải bàn) thì nên để các cơ quan thi hành pháp luật xử lý theo đúng quy định và trình tự của pháp luật; chúng ta chỉ có thể biểu thị tình cảm riêng tư chứ không nên và không thể làm thay họ.
Nhân đây cũng phải thấy trong không ít trường hợp các cơ quan công quyền và các quan chức xử lý công việc trái với cả các quy định của pháp luật; mặt khác ý thức tôn trọng pháp luật của nhiều người dân cũng chưa cao. Nếu không chỉnh sửa cả hai chiều thì làm sao có thể xây dựng được Nhà nước pháp quyền, giữ vững được kỷ cương phép nước?
Điều thứ ba  là mối quan hệ giữa chính quyền với người dân. Theo truyền thống văn hóa của dân tộc và theo tinh thần Nhà nước của dân, do dân và vì dân thì trong việc cư xử với người dân các cơ quan công quyền luôn luôn phải vừa có lý, vừa có tình. Cách ứng xử vừa thiếu lý, vừa vô tình của các quan chức huyện Tiên Lãng và xã Vinh quang đã đi ngược lại những đạo lý sơ đẳng đó. Tiếc rằng những biểu hiện tương tự không phải là cá biệt mà diễn ra khá phổ biến ở nhiều nơi, nhiều cấp. Nếu vậy thì làm sao củng cố được lòng tin của dân đối với chính quyền, làm sao giữ vững được khối đại đoàn kết toàn dân?
Điều thứ tư là năng lực và phẩm chất của cán bộ. Những gì diễn ra xung quanh vụ việc ở Tiên Lãng cho thấy năng lực và phẩm chất, đức và tài của một bộ phận cán bộ quá kém cỏi, rất đáng báo động. Có thể mổ xẻ nhiều khía cạnh; ở đây chỉ xin nhấn mạnh đôi ba điều:
Một là chuyện đào tạo và bố trí cán bộ. Nếu chúng ta muốn xây dựng nhà nước pháp quyền thì người đứng đầu cơ quan hành chính phải được đào tạo bài bản về pháp luật chứ không thể chỉ chính trị chung chung.
Hai là tầm văn hóa của chính khách. Dù sao chăng nữa các cán bộ liên quan tới vụ việc này cũng đã là chính khách nhưng sao họ hành xử, ăn nói thiếu văn hóa đến như vậy? Hành vi và lời ăn tiếng nói của họ chẳng khác nào “văn hóa quán bia”, “văn hóa đường phố”. Tiếc rằng, những biểu hiện như vậy nay không còn hiếm hoi, làm hoen ố hình ảnh của nhà nước. Nếu vậy thì làm sao có thể đòi hỏi người dân kính trọng chính quyền và giữ gìn nếp sống văn minh?
Điều thứ năm là vai trò, vị trí và trách nhiệm của các thành tố trong hệ thống chính trị. Diễn biến của vụ việc cho thấy còn khá nhiều chuyện xung quanh thể chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”, chí ít là ở địa phương. Theo thể chế hiện hành thì những chuyện đại loại thế này chắc phải được bàn bạc và quyết định ở cấp ủy, vậy trách nhiệm của cấp ủy ở đâu? Khi vụ việc vỡ lở vai trò và tiếng nói của cấp ủy sao mờ nhạt vậy? Việc ra quyết định đình chỉ công tác của một số vị lãnh đạo chính quyền về chính thức, công khai nên là của Thường vụ Thành ủy hay Hội đồng nhân dân về hình thức đã bầu ra họ? Một điều lạ là chẳng thấy các cơ quan dân cử như Hội đồng nhân dân, đại biểu hội đồng và cả đại biểu Quốc hội ở đâu. MTTQ, các đoàn thể quần chúng ở địa phương, kể cả Hội Nông dân cũng lặng thinh, chỉ có hội ngành nghề vào cuộc. Có nên huy động quân đội tham gia cưỡng chế không cũng là vấn đề cần làm rõ và có quy định chặt chẽ.
Điều thứ sáu là trong thời đại thông tin, mọi hành xử phải rất khác. Vụ việc xảy ra chỉ ở một địa phương nhưng đã gây ra tiếng vang rất nhanh và rất rộng. Nhân đây ta nhớ tới câu nói của một nhà tương lai học nổi tiếng rằng, trong thời đại ngày nay “hành động ở địa phương những phải tư duy toàn cầu”, tức là bất kỳ hành vi nào đều có sức lan tỏa mạnh mẽ không chỉ trong phạm vi quốc gia mà cả trên toàn cầu. Vụ Tiên Lãng cũng không nằm ngoại lệ. Điều đó nhắc nhở mọi người làm gì cũng cần cân nhắc rất thận trọng, nhiều chiều và phải phản ứng rất nhanh nhạy; nếu không ảnh hưởng sẽ rất lớn.
Tóm lại, vụ việc ở Tiên Lãng tưởng như chỉ mang tính địa phương nhưng lại rất điển hình, phản ánh nhiều điều đang diễn ra trong cả nước. Một phần nào đó nó phản ánh khá rõ nét những điều đã được Hội nghị Trung ương lần thứ Tư khóa XI họp đúng dịp này nêu ra và nó cần được xử lý đúng theo tinh thần Nghị quyết của Hội nghị để củng cố kỷ cương của Đảng và Nhà nước, lấy lại niềm tin của dân. Vụ việc này đồng thời cũng gợi mở nhiều điều trong quá trình sửa đổi Hiến pháp, nhất là xung quanh vấn đề đất đai và hệ thống chính trị.
Vũ Khoan (nguyên Bí thư TƯ Đảng, nguyên Phó Thủ tướng)
Nguồn: vietnamnet.vn