Tiên Lãng ra sao nếu báo chí im lặng? Mặc Lâm, biên tập viên RFA 2012-02-09
Cuối cùng thì người theo dõi vụ cưỡng chế Tiên Lãng đã cất được gánh nặng trong lòng sau hơn một tháng canh cánh với nỗi lo vụ này rồi cũng sẽ chìm xuồng như hàng trăm vụ cưỡng chế đất đai khác trên khắp nước.Không thể kéo dài…Sự trí trá vô giới hạn của người CS trong vụ ĐoànVăn Vươn .
Ngày 7 tháng 2 vừa qua, trước thời hạn của Thủ tướng đưa ra ba ngày yêu cầu Thành phố Hải Phòng giải trình vụ án Tiên Lãng, Thường vụ Thành Uỷ TP Hải Phòng đã mở cuộc họp báo công bố quyết định xử lý những cán bộ vi phạm pháp luật trong vụ này.Mặc dù khá trễ, nhưng động thái của cấp uỷ cao nhất Hải Phòng đã phần nào giải tỏa những nghi ngờ đối với người dân và đặc biệt là với một số cán bộ cao cấp đã nghỉ hưu quan tâm sâu sắc đối với sự việc được đánh giá đang xói mòn lòng tin của nông dân cả nước.
Theo ông Nguyễn Văn Thành, Bí thư thành uỷ, Chủ tịch HĐND TP Hải Phòng trả lời báo chí thì ông đã theo dõi hơn 750 tin, bài báo nói về vấn đề Tiên Lãng. Thông tin mà ông Thành đưa ra cho thấy sự nhập cuộc của báo chí rất lớn chấm dứt một thời gian tê liệt trước các biểu hiện tham ô, nhũng lạm mà vụ nhà báo Hoàng Khương là trường hợp sau cùng.
Bắt đầu từ bản tin của báo An Ninh Thủ Đô sáng ngày 5 tháng 1 năm 2012 tường thuật lại khung cảnh gia đình anh Đoàn Văn Vươn dùng súng hoa cải và chất nổ chống lại đơn vị cưỡng chế, gây cho 5 công an và 1 bộ đội bị thương. Dưới cái nhìn của An Ninh Thủ Đô, dĩ nhiên đây là một vụ bạo loạn mà nạn nhân là lực lượng cưỡng chế.
Phản biện với An Ninh Thủ Đô
Sau khi An Ninh Thủ Đô loan tin, chỉ vài giờ sau các trang mạng điện tử tràn ngập bản tin này kéo theo sự nhập cuộc của nhiều trang blog. Như một vết dầu loang, hàng chục tờ báo lớn vào cuộc và các bài viết ngay từ ban đầu đã khẳng định thái độ đối lập lại hoàn toàn với bản tin của An Ninh Thủ Đô. Thay vì kết án, hầu như tất cả các tờ báo chọn cách viết chia sẻ gia đình Đoàn Văn Vươn là nạn nhân của một chính sách sai trái khi áp dụng luật đất đai. Chính sách cho phép trưng thu, cưỡng chế đất của người nông dân đã tạo rất nhiều kẻ hở cho chính quyền địa phương mưu lợi cá nhân và Tiên Lãng chỉ là kho thuốc súng cuối cùng của nông dân sau nhiều chục năm âm ỉ cháy.Báo chí dựa vào nhau thành một dàn hợp xướng với sức mạnh khó cưỡng lại kể cả vũ lực hay sức ép từ trung ương đã làm UBND thành phố Hải Phòng bối rối. Tuy nhiên cấp chỉ huy trực tiếp của Tiên Lãng không thể im lặng và sau vài ngày thăm dò dư luận, kế hoạch phản công bắt đầu.
Thay vì chọn cách điều tra nghiêm túc, thành phố Hải Phòng chọn cách tấn công phủ đầu các tờ báo dựa vào các tờ báo quốc doanh mà Hải Phòng làm chủ. Trước tiên các cơ quan truyền thông của Hải Phòng viết những bài phóng sự, phỏng vấn chống lại những thông tin tốt đẹp của người dân xã Vinh Quang nói về nhân thân kỹ sư Vươn và những đóng góp công sức của gia đình anh cho xã Vinh Quang.
Kênh truyền hình Hải Phòng sao chép cách thức mà Hà nội thuờng làm khi bắt một nhân vật có hành vi chống lại chính quyền như: thành khẩn nhận tội, xin khoan hồng, chân thành hối tiếc những việc mình làm. Tuy nhiên dư luận chung không tỏ ra chú ý mấy đến thủ thuật này của UBND thành phố Hải Phòng.
Đối lại, nhiều tờ báo cử phóng viên xuống tận nơi bất kể hành vi ngăn cản của côn đồ mà nhiều người dân làm chứng cho biết chính Tiên Lãng đã thuê để cản trở báo chí tác nghiệp. Khi tới tận hiện trường, phóng viên phát hiện thêm hai việc động trời khác đó là căn nhà của anh Vươn tuy nằm ngoài khu vực cưỡng chế vẫn bị chính quyền thuê xe ủi san thành bình địa, cũng như toàn bộ thủy sản nuôi trong đầm nhà anh đều bị kẻ gian vơ vét sạch sẽ.
Lý lẽ của kẻ mạnh
Thấy khó chối cãi hành vi san phẳng nhà dân với hình ảnh mà báo chí loan tải, ông Phó chủ tịch thành phố Đỗ Trung Thoại liều lĩnh sử dụng lá bài của côn đồ đập phá giáo xứ Thái Hà trước đây vào trường hợp phá nhà dân tại Tiên Lãng khi ông khẳng định: "dân bất bình nên phá nhà ông Vươn".Cách hành xử của chính quyền Tiên Lãng không khác bao nhiêu với côn đồ Thái Hà đã khiến báo chí phản ứng mạnh mẽ thêm. Hải Phòng tuy thật sự nằm trên lửa nhưng vẫn nỗ lực tiế tục lôi kéo dư luận bằng những phát ngôn bừa bãi của nhiều nhân vật đầu não trong đó có ông Đỗ Hữu Ca, giám đốc công an Hải Phòng và Vũ Hồng Chuân Trưởng ban Tuyên giáo huyện Tiên Lãng.
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước khi đọc thông tin trên mạng đã nói với báo chí rằng thành phố Hải Phòng đang đổ lỗi cho dân qua cách trả lời bất nhất. Hải Phòng còn phê phán cả báo chí như muốn bịt miệng truyền thông là hành động không thể chấp nhận.
Khi được hỏi theo ông thì vai trò của báo chí đóng góp trong vụ Tiên Lãng ra sao ông cho biết:
"Trong vụ Tiên Lãng anh em báo chí rất có công. Cho nên với động cơ trong sáng để bảo vệ quyền lợi của dân, bảo vệ cái chính thể của đất nước thì báo chí phải tích cực tham gia vào."
Sức ép của dư luận và báo chí không cho phép Hải Phòng chần chừ, trì hoãn thêm nữa. Mỗi ngày một vài khuôn mặt uy tín đựơc mời lên phát biểu công khai có tác dụng như nhồi thêm thuốc vào nòng súng. Nguyên Thứ trưởng Đặng Hùng Võ với kinh nghiệm của một lãnh đạo cao nhất nước phụ trách về đất đai đã lên tiếng xác định về sai phạm trong việc cưỡng chế. Đại tướng Lê Đức Anh, nguyên Chủ tịch nước, khẳng định việc Tiên Lãng đem bộ đội vào cưỡng chế là việc làm manh động của chính quyền vì bộ đội là lực lượng bảo vệ cho đất nước, người dân chứ không phải để đàn áp và cưỡng chế.
Ông Vũ Mão, nguyên Chủ nhiệm văn phòng Quốc hội với các trách cứ vai trò của các đại biểu quốc hội đơn vị Hải Phòng trong đó hàm ý cả về chức danh đại biểu quốc hội của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Nguyên Thẩm phán Tòa án Tối cao, nguyên Viện trưởng Viện khoa học xét xử của Tòa án tối cao Đinh Văn Quế lên tiếng yêu cầu khởi tố vụ án hủy hoại tài sản công dân.
Bên cạnh đó là hàng trăm bài viết của các ký giả nổi tiếng, trí thức, chuyên gia, nhận định nhiều góc khác nhau của vấn đề Tiên Lãng được ào ạt tung lên mặt báo như một trận cuồng phong thổi bay các bao che, khỏa lấp của thành phố Hải Phòng để rồi cuối cùng buộc Thành Uỷ Hải Phòng chấp nhận tự trảm mình trước khi bị Bộ Chính Trị trảm.
Báo chí đã thực hiện đầy đủ vai trò một cách xuất sắc và hiệu quả. Câu hỏi đặt ra là tại sao từ trước tới nay Bộ chính trị đã phớt lờ phương tiện hiệu quả của báo chí để hàng ngàn vụ cưỡng chế bất công xảy ra mà không ai để ý, bởi nếu lên tiếng thì chính tờ báo sẽ gặp tai ương?
Nhà báo Tống Văn Công nguyên Tổng biên tập báo Lao Động cho biết ý kiến của ông qua vụ Tiên Lãng:
"Trong vụ Tiên Lãng thì báo chí trong nước có tiếng nói đồng loạt đứng về phía người dân bị cùng đường. Áp lực của bọn tham nhũng ở các địa phương không phải chỉ Tiên Lnãg không đâu, nó ở rất nhiều nơi. Trong vụ Tiên Lãng thì báo chí trong nứơc có tiếng nói rất mạnh mẽ, xác đáng hơn. Nếu giữ được cái đà này và đi lên thì sẽ có tác dụng rất tốt trong đấu trnah chống tiêu cực, tham nhũng.
Những nhóm lợi ích họ rất muốn làm những điều ngược lại nhưng mình nghĩ rằng nó rất khó là vì việc này đen trắng, chính tà rất rõ ràng. Nó như là phép thử rất gay gắt, không thể mập mờ đựơc. Vừa qua không những chỉ Tiên Lãng mà thành phố Hải Phòng, cấp trên họ cũng đồng tình với Tiên Lãng nhưng do sức ép rất mạnh mẽ của dư luận và báo chí trong nước, tuy báo chí nói còn có mức độ so với báo lề trái nhưng nó có tác dụng rất quyết định vì vậy rất khó mà đảo ngược tại Tiên Lãng."
Tiên Lãng và “Cái đêm hôm ấy đêm gì…”
Cách đây gần ba mươi năm câu chuyện trấn áp người dân để thu thuế lúa tại Thanh Hoá đã khiến Phùng Gia Lộc nổi tiếng qua bút ký “Cái đêm hôm ấy đêm gì” làm người đọc phẫn nộ bao nhiêu thì câu chuyện Tiên Lãng cũng gây cho cả nước sự phẫn nộ tương tự. Nhà văn Nguyên Ngọc, người tranh đấu tới cùng để ký “Cái đêm hôm ấy đêm gì” được xuất hiện trên mặt báo Văn Nghệ do ông làm Tổng biên tập cho biết:"Tôi nghĩ rằng cái hiện tượng báo chí kể cả lề phải và lề trái theo tôi có cái vai trò rất lớn để đưa đến cái kết quả hôm nay của vụ Tiên Lãng. Nếu không có vai trò của báo chí như thế kể cả lề trái lề phải thì tôi nghĩ rằng người ta không giải quýêt cái vụ Tiên Lãng như hôm nay đâu. Mặc dù chỉ là mới bắt đầu thôi và tôi cho là chưa thoả đáng nhưng đấy là một dấu hiệu rất tốt khi tiếng nói của xã hội dân sự có tác động. Có thể nói đây là tác động của tiếng nói xã hội dân sự nó chặn tay những cái xấu xa, tàn bạo ở trong xã hội."
Một bài báo trên Tuần Việt Nam đã thở dài khi viết rằng “Kỉ niệm ngày ra đời của “Đảng ta” 3/2 mà ngoài tờ báo Nhân dân điểm tin sơ sài, tuyệt nhiên cả ngành truyền thông báo chí Việt Nam im bặt. Không báo nào nhắc đến cái kỉ niệm vinh quang ấy. Không một tờ nào lên tiếng ca ngợi “Đảng ta là đạo đức là văn minh”. Thật cay đắng. Nhưng ngược lại thì hầu hết các tờ báo đều đưa tin chi tiết, nóng hổi về vụ việc Tiên Lãng”.
Câu kết luận chúng tôi xin được dành cho đoạn văn trích này. Hy vọng Tiên Lãng sẽ là trường hợp sau cùng để mỗi năm trong ngày sinh nhật Đảng không còn những ê chề như năm nay, năm mà báo chí thăng hoa nhờ vào Tiên Lãng.
Phần âm thanh | |
Tải xuống âm thanh |
VIDEO liên quan :