Tư hữu hóa ruộng đất từng bước xóa bỏ chế độ XHCN
Giao quyền sở hữu ruộng đất cho nông dân: Cách mạng trong sản xuất nông nghiệp
TP
- Trao đổi với PV Tiền Phong sau vụ việc tại Tiên Lãng, Hải Phòng,
nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn cho rằng, nếu lần này giao quyền sở
hữu ruộng đất cho nông dân sẽ tạo nên một cuộc cách mạng mới trong sản
xuất nông nghiệp.
Những bài học đắt giá
La người gắn bó với nông dân trong 50 năm qua, ông có thể cho biết chính sách về đất đai của chúng ta thay đổi như thế nào?
Đối
với nông dân, nông nghiệp, đất đai là tư liệu sản xuất chủ yếu. Sau
giải phóng miền Bắc 1954 chúng ta chia đất cho nông dân, đã tạo ra sức
bật về sản xuất nông nghiệp. Đến năm 1960, chúng ta tiến hành tập thể
hoá ruộng đất.
Chúng ta mong muốn từ nền kinh tế
tập thể đó để đi lên sản xuất lớn, mang lại lợi ích cho nông dân. Nhưng
thực tế điều này trái với quy luật. Nền nông nghiệp VN rơi vào khủng
hoảng. Từ đó, xuất hiện mô hình khoán việc cho nông dân của Bí thư Tỉnh
ủy Vĩnh Phú Kim Ngọc.
Đến
năm 1981 có Chỉ thị 100 của Ban Bí thư về khoán sản phẩm cho nhóm và
người lao động trong điều kiện đất đai vẫn tập thể hóa. Nông nghiệp bắt
đầu có bước phát triển nhưng vì đất đai không giao đến hộ nông dân nên
đến năm 1983-1984 sản xuất nông nghiệp lại đi xuống. Đến năm 1987 khi
tôi làm Bộ trưởng thì nông nghiệp VN khủng hoảng cực độ.
Ông có thể nói cụ thể hơn về thời điểm mình nhận chức Bộ trưởng Nông nghiệp?
Tôi
gọi thời điểm đó là “đêm trước của cuộc đổi mới”. Lúc đó, chúng ta phải
nhập khẩu 40 vạn tấn gạo nhưng vẫn không cứu được đói cho dân, còn tới 2
triệu người đói. Tôi trình lên Trung ương đề nghị nhập thêm gạo thì
được trả lời, vàng, ngoại tệ đều hết, đành phải chịu.
Năm
1988, với công lớn của đồng chí Võ Chí Công, Bộ Chính trị đã ra Nghị
quyết 10, với hai nội dung chính là giao khoán ruộng đất cho nông dân và
tự do mua bán sản phẩm. Chỉ sau một năm nước ta tăng được 2 triệu tấn
lương thực mặc dù không có khoa học kỹ thuật, đầu tư gì mới, vẫn những
người nông dân ấy. Tất cả như nằm mơ, không thể tưởng tượng nổi đối với
cả các nhà chính trị, kinh tế, khoa học.
Đến năm
1989 chúng ta xuất khẩu được gần 1,5 triệu tấn gạo. Thế giới cũng không
thể hiểu nổi, tại sao những người nông dân ấy, phân bón, thủy lợi vẫn
thế mà nông nghiệp lại nhảy vọt như vậy. Đó là nhờ giải phóng chính sách
đất đai.
Luật Đất đai hiện nay giao quyền sử
dụng đất cho nông dân 20 năm. Nông dân được quyền tối đa của quyền sử
dụng đất. Nhưng đến nay thì thấy, giao quyền sử dụng vẫn không được vì
nông dân chưa phải là chủ thực sự của ruộng đất, đất vẫn không phải là
hàng hóa.
Người nông dân sẽ an tâm đầu tư lớn trên đất nông nghiệp một khi họ có quyền sở hữu lâu dài. Ảnh: Hồng Vĩnh.
|
Vậy theo ông chính sách đất đai đang có những bất cập gì?
Tôi
đã phát biểu tại Ủy ban sửa đổi Luật Đất đai là, luật của ta, tạo ra
nút thắt cổ chai về quyền sở hữu. Mặc dù có quyền năng tối đa nhưng nông
dân vẫn không phải là chủ sở hữu đất mà là đất nhà nước giao. Dẫn đến
không huy động được nguồn lực tối đa của nông dân trong sản xuất nông
nghiệp. Chỉ được giao, thuê 20 năm thì nông dân, doanh nghiệp đầu tư lớn
làm gì, khả năng bị thu hồi đất lúc nào cũng treo lơ lửng trên đầu.
Thực
tế qua vụ cưỡng chế thu hồi đất tại Tiên Lãng, Hải Phòng thì vấn đề
không chỉ ở chính sách đất đai mà còn là hành xử sai trái của chính
quyền với dân, ông có suy nghĩ gì?
Nông dân
có một đặc tính là rất thích tự nguyện, không muốn áp đặt. Tôi là nông
dân tôi biết, khi đồng tình rồi thì nông dân ủng hộ tuyệt đối. Qua bao
nhiêu năm sống với nông dân tôi đúc kết, tất cả những gì đối lập với
nông dân đều thất bại. Khi tôi về Thái Bình xử lý, nếu nông dân đồng
tình thì êm ả.
Bấy giờ huy động hiến đất làm
đường, làm trường nông dân cho ngay, không mất tiền. Có khi uống bữa
rượu là xong hết, còn nếu áp đặt vô lý thì nông dân sẵn sàng phản kháng
bởi họ không có gì để mất cả. Nếu chính sách đất đai cứ để như hiện nay
thì xung đột lợi ích vẫn tiếp diễn mà rất khó xử lý.
Vậy
theo ông phải thay đổi chính sách theo hướng nào để hạn chế xung đột mà
phát huy được nguồn lực từ nông dân, xã hội đầu tư vào nông nghiệp?
Thực
tế, khái niệm sở hữu toàn dân với một cách hiểu, tư duy cứng nhắc thì
cần xem xét lại. Có lúc ta tưởng sở hữu toàn dân là phù hợp, nhưng qua
thực tế đã chứng minh nó không còn phù hợp, làm nảy sinh nhiều mặt trái
không thể xử lý nổi. Theo tôi cần đa dạng hóa sở hữu, có sở hữu nhà
nước, sở hữu cộng đồng, còn lại đất sản xuất kinh doanh kể cả nông, lâm
nghiệp là sở hữu tư nhân của nông dân, hộ nông nghiệp. Tự do lớn nhất
của nông dân là quyền sở hữu đất đai. Khi đó, nông dân sẽ đem hết trí
lực, nguồn lực để sản xuất nông nghiệp lâu dài.
Nhiều
người lo "cho sở hữu thì nông dân sản xuất, chuyển đổi lung tung thì
sao?". Không thể có chuyện đó, bởi nhà nước quản lý bằng quy hoạch. Vùng
này sản xuất lúa, anh chuyển sang làm việc khác, cây trồng khác đều
không được. Nếu chuyển đổi phải nộp thuế rất lớn.
Tôi
sang Pháp, một bên là ruộng lúa mỳ, một bên là ruộng nho. Tôi hỏi tại
sao không chuyển sang trồng nho cho giá trị cao hơn, họ trả lời không
được vì nhà nước đã quy hoạch, nếu chuyển đổi thuế rất nặng.
Nông dân chờ cuộc cách mạng ruộng đất mới
Nếu
có chế độ sở hữu rõ ràng về đất đai cũng giúp đẩy nhanh quá trình tích
tụ ruộng đất, tiến tới nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, thưa ông?
"Nông dân bị thu hồi đất giá rẻ với vài trăm nghìn một mét vuông, sau đó thành đất đô thị giá gấp hàng chục lần. Tiền thuế nhà nước thu không được bao nhiêu, trong khi chênh lệch địa tô vào doanh nghiệp. Nhưng doanh nghiệp cũng không hưởng cả mà họ chia lại cho những người có quyền lực. Đây là nguồn gốc đẻ ra tham nhũng. Nông dân bị xâm hại quyền lợi cũng tạo ra những mâu thuẫn, bất ổn trong xã hội" - Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn. |
Hiện
một số nơi nông dân tích tụ ngầm dẫn đến nguy cơ tranh chấp, xung đột
lợi ích giữa nông dân và chính quyền, và chính giữa nông dân với nhau.
Cho nông dân quyền sở hữu đất đai là chính sách nhân văn nhất, cao quý
nhất. Khi đó, việc mua, bán đất đai công khai, người tích tụ đất đai yên
tâm bỏ tiền đầu tư sản xuất nông nghiệp hàng hóa.
Doanh nghiệp đầu tư cũng chỉ biết một cửa là mua lại của nông dân, không phải chạy ông A, ông B. Nhiều doanh nghiệp hiện nay không sợ mất tiền mà sợ nhất chạy ông này, ông kia rất tốn kém thời gian, tiền của. Doanh nghiệp trước khi đầu tư tính toán được chi phí đầu vào, yên tâm làm ăn.
Khi
đó, không còn khái niệm thời hạn 20, 30 năm. Tất nhiên, mới đầu thực
hiện chính sách, quản lý nhà nước sẽ có lúng túng nhưng dần sẽ tốt. Đó
là nền kinh tế thị trường công khai, minh bạch chứ không phải cơ chế thị
trường tù mù, tạo kẽ hở cho tham nhũng.
Vậy theo ông chính sách này sẽ tác động trở lại với sản xuất nông nghiệp như thế nào?
Hiện
nay 70% dân số cả nước là nông dân, nếu tuyên bố chính sách sở hữu
ruộng đất thì 70% người dân coi như cuộc cách mạng đối với họ một lần
nữa, phấn khởi lắm. Bởi đây là nút thắt cuối cùng của quá trình đổi mới
chính sách đất đai sau 60 năm. Đến lúc này coi như chính sách đất đai
nông nghiệp đã hoàn thiện. Điều này cũng đúng quy luật phát triển, đất
của nông dân phải do nông dân sở hữu.
Thưa
ông cũng có lo ngại chúng ta công nhận sở hữu tư nhân ruộng đất thì sẽ
hình thành những “địa chủ” mới, tích tụ đất nhưng không sản xuất nông
nghiệp?
Tích tụ đất nông nghiệp trên thế
giới có một số loại. Thứ nhất, là nông trường, đồn điền đại tư bản tại
Châu Phi, Nam Mỹ. Chủ tư bản thuê hết dựa trên bóc lột nhân công cực độ,
đây là chủ nghĩa tư bản dã man. Thứ hai, là đồn điền, trang trại lớn
tại Mỹ và một số nước Châu Âu với quy mô hàng trăm héc ta nhưng chủ sở
hữu là nông dân, họ đưa cơ giới vào sản xuất.
Thứ
ba là như ở ta, đất đai manh mún, tiểu nông. Muốn loại trừ những mặt
tiêu cực thì tích tụ phải do nông dân trực tiếp sản xuất nông nghiệp làm
chủ mới có hiệu quả. Ở ta tích tụ cũng phải do hộ nông dân làm chủ. Nếu
cơ giới hóa cao thì tích tụ cao, cơ giới hóa thấp thì tích tụ thấp.
Cám ơn ông.
Hà Nhân
Nguồn: tienphong.vn
Xem :