Xuân Hoa
Trong
cuộc họp ngày 10/2 của Thủ tướng với các Bộ và lãnh đạo Hải Phòng, 3
vấn đề dự kiến được mổ xẻ là tính pháp lý của quyết định giao, thu hồi
đất; tổ chức cưỡng chế có đúng quy định và có hay không chủ trương phá
nhà ông Vươn.
Ngoài các bộ ngành
trung ương, cuộc họp của Thủ tướng tại Hà Nội ngày 10/2 còn có đại diện
Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam và Thành ủy, UBND Hải
Phòng.
Trao đổi với VnExpress sáng 9/2,
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Chu Ngọc Hiển cho biết, Bộ đã hoàn
tất báo cáo thanh tra gửi Thủ tướng. Từ chối tiết lộ kết quả thanh tra,
ông Hiển chỉ nói ngắn gọn: "Chúng tôi sẽ đề xuất xử lý nghiêm những vi
phạm quy định đất đai".
Theo Bộ trưởng Chủ nhiệm
Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam, Thủ tướng đã yêu cầu Thường vụ Thành ủy
Hải Phòng báo cáo làm rõ 3 nội dung: Thứ nhất, việc giao đất, thu hồi
đất cho ông Vươn đúng, sai ở đâu, trách nhiệm thuộc cơ quan, cá nhân
nào? Thứ hai, việc tổ chức cưỡng chế có đúng quy định và trong quy định
pháp luật khi nào cần sử dụng tới biện pháp cưỡng chế và nếu không đúng
thì sai ở điểm nào, tổ chức nào cấp nào chịu trách nhiệm? Thứ ba, những
tài sản như ao cá, nhà - theo cách gọi của báo chí - bị phá hủy thì có
chủ trương không, nếu có thì là của ai, cấp nào?
Xung quanh quyết định giao, thu hồi đất,
hiện có 2 quan điểm trái ngược nhau giữa huyện Tiên Lãng và một số
chuyên gia đất đai, tiêu biểu là ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ
Tài nguyên Môi trường. Thậm chí, Trưởng ban Tuyên giáo Tiên Lãng Vũ Hồng
Chuân còn cho rằng, một số quan chức trung ương về hưu đã nhầm lẫn.
Theo
UBND huyện Tiên Lãng, năm 1993, huyện giao 21 ha đất bãi bồi ven biển
cho ông Vươn. Sau đó ông Vươn “tự ý đắp bờ bao” lấn ra biển thêm 19,3 ha
phía ngoài, rồi đề nghị hợp thức hóa và năm 1997 được huyện ra quyết
định giao đất bổ sung. Hết thời hạn giao đất (14 năm), huyện đã ra quyết
định thu hồi toàn bộ diện tích 40,3 ha đầm của ông Vươn, trong đó có cả
19,3 ha mới làm thủ tục giao bổ sung.
Giải
thích lý do không giao đất theo Nghị định 64 với thời hạn 20 năm, UBND
huyện Tiên Lãng khẳng định đất giao cho các hộ sử dụng là diện tích nằm
ngoài đê quốc gia, chưa ổn định, chưa sử dụng, đang thực hiện dự án Vinh
Quang 2 do UBND huyện quản lý.
Giải thích về
quyết định thu hồi đất của gia đình ông Đoàn Văn Vươn, UBND huyện căn cứ
Nghị định 30 ngày 23/3/1989 hướng dẫn thi hành Luật Đất đai năm 1987
quy định người được giao đất có mặt nước để quai đê lấn biển, nuôi trồng
thuỷ sản thì thời gian đưa đất vào sử dụng được kéo dài thêm 6 tháng so
với quy định tại khoản 5 Điều 14 Luật Đất đai, huyện đã để thêm đến 18
tháng kể từ khi đến hạn phải giao trả, nhưng ông Đoàn Văn Vươn không bàn
giao mà tiếp tục sử dụng 40,3 ha trong gần 4 năm qua không nộp bất cứ
khoản nào cho Nhà nước. Đến nay ông Đoàn Văn Vươn không chịu nộp số tiền
thuế sử dụng đất nông nghiệp là 10.035.000 đồng.
Tuy
nhiên, theo ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi
trường, Luật đất đai năm 1993 quy định thời hạn giao đất là 20 năm, còn
Luật đất đai 1987 không quy định thời hạn này. Nếu UBND huyện Tiên Lãng
giao đất cho người dân chỉ 10 ngày trước khi Luật đất đai 1993 có hiệu
lực thì sau đó cần điều chỉnh thời hạn giao đất lên 20 năm như luật
định.
Cũng theo nguyên Thứ trưởng Tài nguyên Môi
trường, cái sai nữa của UBND huyện Tiên Lãng là khi hết hạn giao đất
nhưng người dân khai thác có hiệu quả và Nhà nước không có dự án cần thu
hồi, chưa có nhu cầu sử dụng đất vào mục đích an ninh quốc phòng thì
người dân đương nhiên tiếp tục được kéo dài thời gian giao đất.
Sáng 5/1 hơn 100 cảnh sát, bộ đội... ở huyện Tiên Lãng (Hải Phòng) tham gia cưỡng chế. Ảnh: Báo Hải Phòng
Trong vụ cưỡng chế nhà ông Vươn, hơn 100 cảnh sát, bộ đội huyện Tiên Lãng đã tham gia.
Theo UBND huyện Tiên Lãng, để tổ chức bảo vệ, đảm bảo an ninh trật tự
và phòng ngừa xảy ra chống người thi hành công vụ, lực lượng tham gia
cưỡng chế bố trí một số công an huyện, xã, dân quân, qua trinh sát nắm
tình hình thấy cần phải có lực lượng rà phá bom mìn.
"Đoàn
cưỡng chế đang tiến hành dò mìn, đang vào vận động thuyết phục lần cuối
thì ông Vươn đã cho người thân kích nổ mìn tự tạo, bắn súng đạn hoa cải
làm bị thương 6 cán bộ, chiến sĩ công an huyện và quân sự huyện", huyện
Tiên Lãng giải thích.
Tuy nhiên, theo Luật sư Lê Đức Tiết, Phó chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ và Pháp luật, Ủy ban trung ương MTTQ,
những người tổ chức việc cưỡng chế đã vi phạm pháp luật nghiêm trọng.
Điều 13 Luật Quốc phòng toàn dân năm 2005 quy định: “Lực lượng vũ trang
nhân dân đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự thống lĩnh
của Chủ tịch nước, sự thống nhất quản lý của Chính phủ. Khi chưa có lệnh
của cấp có thẩm quyền, người chỉ huy đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân
không được tự ý điều động, sử dụng người, trang bị, vũ khí của đơn vị
mình để tiến hành các hoạt động vũ trang không có trong kế hoạch huấn
luyện, diễn tập sẵn sàng chiến đấu đã được cấp có thẩm quyền phê
duyệt…”.
Theo ông Tiết, những người tự ý ra lệnh
huy động và sử dụng bộ đội biên phòng, lực lượng quân sự địa phương
huyện vào vụ cưỡng chế đã vượt quá thẩm quyền dành cho Chủ tịch nước,
của Thủ tướng và của Bộ trưởng Quốc phòng.
Một ngày sau vụ nổ súng chống đối, ngôi nhà 2 tầng nằm ngoài diện tích cưỡng chế của ông Đoàn Văn Vươn đã bị phá.
Thông tin do người dân cung cấp đang trái ngược với phát ngôn của lãnh
đạo các cấp của Hải Phòng. Ngay bản thân các vị lãnh đạo địa phương cũng
có những phát ngôn không khớp nhau.
Theo Phó
chủ tịch UBND Hải Phòng Đỗ Trung Thoại thì "dân bất bình nên phá nhà ông
Vươn". Trong khi Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng Lê Văn Hiền thừa nhận,
nhà ông Vươn bị phá hủy vì đây là "nơi kẻ gây án từng ẩn nấp".
Tuy
nhiên, chỉ vài ngày sau Chánh văn phòng UBND huyện Tiên Lãng Ngô Ngọc
Khánh lại nói, đoàn cưỡng chế không có lệnh nào và không có ai tham gia
phá nhà dân. Còn chủ tịch xã Vinh Quang thì "không biết ai phá nhà" mặc
dù lực lượng xã có mặt tại đầm.
* Clip: Quan chức Hải Phòng nói về vụ phá nhà ông Vươn |
* Clip: Ông Kết tố chính quyền nhờ thuê máy xúc cưỡng chế |
Trong
khi đó, theo tố cáo của ông Vũ Văn Kết, ông Nguyễn Văn Khanh, Phó chủ
tịch UBND huyện Tiên Lãng, Trưởng ban cưỡng chế; ông Phạm Đăng Hoan, Bí
thư xã Vinh Quang và ông Lê Thanh Liêm, Chủ tịch xã Vinh Quang đã nhờ
ông gọi hộ máy xúc để cho ban cưỡng chế giải tỏa mặt bằng. Qua giới
thiệu, anh Đặng Văn Tài đã đồng ý nhận lời làm việc trên.
Nhiều
người dân xã Vinh Quang cũng cho biết, khoảng 7h sáng đã nghe thấy
tiếng máy xúc ầm ầm tiến vào đầm nhà ông Vươn. Sau khi phá lều và hàng
rào ở phía ngoài, xe xúc hất tung từng mảng tường của căn nhà 2 tầng.
Trong khoảng vài tiếng, căn nhà chỉ còn lại đống gạch vụn ngổn ngang.
Theo người dân, tại hiện trường, ngoài công an, còn có mặt của ông Lê
Thanh Liêm (Chủ tịch xã Vinh Quang) và ông Phạm Đăng Hoan (Bí thư Đảng
ủy xã Vinh Quang).
Hiện, Công an Hải Phòng đã
khởi tố vụ án hủy hoại tài sản và triệu tập những người liên quan, trong
đó Bí thư, Chủ tịch xã Vinh Quang. Ngoài việc xác định những người trực
tiếp tham gia, cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ có hay không chủ trương
phá nhà?
* Clip: Bí thư Hải Phòng trả lời vụ Tiên Lãng |
Trong
cuộc họp báo ngày 7/2, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Nguyễn Văn Thành đã
thừa nhận, dù chính quyền địa phương đúng hay sai thì vụ việc cũng gây
dư luận không tốt trong nhân dân. Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng
nghiêm túc kiểm điểm, nhận trách nhiệm trước Bộ Chính trị, Ban Bí thư,
trước Đảng bộ và nhân dân thành phố.
Hàng loạt
cán bộ huyện Tiên Lãng đã bị đình chỉ chức vụ, tuy nhiên, người dân địa
phương vẫn chưa thỏa mãn với mức xử lý trên. Họ đang kỳ vọng vào buổi
làm việc ngày 10/2 của Thủ tướng.
-
"Tôi không tin một người chí làm ăn, chưa từng vi phạm pháp luật mà lại
đi chống đối chính quyền. Phải đặt vấn đề: 'Tại sao người nông dân ấy
lại làm vậy?'. Nếu chính quyền đúng, Đoàn Văn Vươn sai thì phải xử lý theo quy định của pháp luật. Còn nếu chính quyền làm sai, nhất là cố ý làm sai, vì động cơ cá nhân thì rất nguy hiểm. Muốn được lòng dân thì phải xử lý nghiêm những cán bộ làm sai", nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh nói. - "Vụ Tiên Lãng đã gây ra một hình ảnh xấu trước đất nước, ảnh hưởng xấu đến tình hình chính trị của địa phương. Nếu không được giải quyết đúng mức thì sẽ tác động tiêu cực đến tình hình cả nước, khi mà vấn đề đất đai đang là vấn đề nóng bỏng của đất nước, trong đó nhiều nơi có nguyên nhân trực tiếp là do sai phạm của các cấp chính quyền ở đó", trích tâm thư của trung tướng Nguyễn Quốc Thước gửi Thủ tướng. - "Đây là một trong những vụ đầu tiên Thủ tướng trực tiếp xem xét, giải quyết. Nếu giải quyết tốt sẽ tạo được niềm tin trong nhân dân. Thủ tướng là đại biểu Quốc hội Hải Phòng và Tiên Lãng, được nhân dân gửi gắm và kỳ vọng rất nhiều trong việc giải quyết vụ việc này", nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Mão cho biết. |
X.H.
Nguồn: vnexpress.net
VIDEO liên quan :