Thứ Ba, 28 tháng 2, 2012

VỤ TIÊN LÃNG- KỲ 27, 28:Đảng và NHÂN DÂN

VỤ TIÊN LÃNG- KỲ 28: NHÂN DÂN



Giờ mà còn đề nghị các quan chức, công chức, những công bộc của dân hiểu lại, hiểu đúng về hai chữ NHÂN DÂN thì nghe nó buồn cười, nhưng hóa ra lại vô cùng cần thiết.
Nói chính xác hơn, có lẽ cần phải học lại hai chữ NHÂN DÂN cho đội ngũ công chức nước nhà, đặc biệt là giới quan chức.

VỤ TIÊN LÃNG- KỲ 27: MẤY Ý NGHĨ NHÂN HỘI NGHỊ TRUNG ƯƠNG ĐẢNG

Vì sao thế?
Vì trên thực tế, chữ NHÂN DÂN đã bị lạm dụng, bị hiểu sai, và nguy hiểm hơn là đôi khi NHÂN DÂN không thành mục đích hướng tới để phục vụ mà trở thành phương tiện, trở thành công cụ, trở thành vỏ bọc cho những hành vi cửa quyền, cho sự bao che, giấu diếm khuyết điểm, sai phạm của một số không ít quan chức.
Dễ nhận thấy là từ vụ Tiên Lãng.
Sai đủ mọi thứ, sai về luật pháp, sai về đạo lý, sai về thái độ, sai về hành vi của các quan chức từ cấp thành phố đến cấp xã, thế nhưng ngay khi vụ việc xảy ra, và ngay cả khi mọi việc tưởng đã rõ ràng nhưng quan chức Hải Phòng vẫn khẳng định nhân dân đồng thuận cao, hay gần đây như CLB Bạch Đằng khẳng định, ý kiến của Bí thư Thành được các lão thành cách mạng hoàn toàn ủng hộ và nhất trí cao. Với Hải Phòng, lãnh đạo địa phương này đang lợi dụng hai chữ NHÂN DÂN. Nhân dân dưới mắt họ là bè phái, là những người cùng êkip, những người phục vụ cho cái sai của họ, những người đang hưởng lợi ích từ cái sai của họ, những người xu nịnh, cơ hội, bám chân, bám tay vào các vị trí lãnh đạo để hăng hái phục vụ cho cái sai của lãnh đạo, “bất biết” hậu quả. Nhân dân trong khái niệm của họ là thế. Bi hài hơn, có khi lãnh đạo hỏi trợ lý, việc vừa rồi dư luận thế nào em? Trợ lý nói, dạ mọi người đồng tình anh ạ. Thế là ngay lập tức trong báo cáo hiện lên hai chữ nhân dân. Không khảo sát, không thực tế, không nắm chắc tình hình, cứ à uôm như thế, o bế nhau như thế và cùng đồng thanh, nhân dân đồng tình, nhân dân đồng thuận, nhân dân “bức xúc”.
Nhân dân trong mắt không ít cán bộ công chức và một số quan chức là những người ở dưới cùng, rất sâu , rất xa mà họ đang ban phát lợi ích, ban ơn mưa móc, cho gì biết đó, không kêu ca, không kiện cáo, hễ kêu ca, hễ kiện cáo là chống đối. Nhân dân làm ra của cải cho đất nước, đóng thuế, nuôi công chức, quan chức vận hành bộ máy nhà nước để phục vụ quốc kế nhân sinh, thế thì chính bộ máy này phải phục vụ dân, phục vụ tận tụy, phục vụ như một người được dân thuê, hay như Bác Hồ nói ” đày tớ của dân” nhưng đang diễn biến ngược, đày tớ lại xưng tao, người chủ lại kính thưa đày tớ, nghịch lý này làm méo mó hai chữ Nhân Dân, mà đúng ra Nhân Dân là danh hiệu cao cả nhất, sang trọng nhất, quyền lực nhất thì có vẻ như nhiều nơi, Nhân Dân đang bị đẩy xuống thế cùng, bị o ép, bị cưỡng bức, bị dọa nạt. Nghịch lý này rất nguy hiểm vì nó tạo ra một cái hố ngăn cách giữa nhân dân và chính quyền, hố ngăn cách này tạo ra sự đối lập, từ đối lập sẽ hình thành sự đối kháng. Hơn lúc nào hết, cần phải đặt lại vị trí của nó, Nhân Dân phải thực sự là nhân dân và công chức, quan chức thực sự là người phục vụ nhân dân, chỉ như thế mới tạo ra sự công bằng, sự tôn trọng, sự hết lòng, mới tạo ra sự giám sát của nhân dân vào bộ máy nhà nước đúng nghĩa của nó chứ không phải chỉ hô hào khẩu hiệu.
Nhân dân Việt bao dung. Nhân dân Việt yêu nước đến kiệt cùng sức lực, bất cứ lúc nào, nhân dân Việt cũng sẵn sàng chịu hy sinh, chịu thiệt thòi để bảo vệ nước, xây dựng đất nước. Sự đòi hỏi của nhân dân quá giản dị, quá khiêm tốn: Một cuộc sống yên bình, công bằng và minh bạch.
Nhân Dân là tất cả con dân đất Việt, cả người nông dân, công nhân, học giả, trí thức, học sinh và cả công chức, quan chức, tất nhiên. Nhưng tại sao cái tất nhiên ấy lại đang có vẻ hiểu lệch đi, quan chức khi dùng chữ nhân dân là dùng cho cộng đồng nào đó, hình như không bao gồm mình, hình như đặt mình đứng trên, đứng ngoài nhân dân, thế mới xảy ra hiện tượng xa dân, quan liêu, coi thường nhân dân, và khi cán bộ xa dân, trên dân, coi thường nhân dân thì mặc nhiên sẽ rơi vào cạm bẫy tha hóa, hư hỏng, cường hào các bá và hành động tội ác.
Nhân Dân, vâng, mỗi người, trong đó đặc biệt là giới công chức, quan chức phải học lại, ngẫm lại, thấm thía lại điều này. Đừng lợi dụng hai chữ Nhân Dân để bưng bít và bào chữa hoặc biện minh cho hành vi sai trái của mình, cũng đừng biến hai chữ Nhân Dân thành tấm bia che chắn các sai phạm, cũng đừng vì sự phẫn nộ của nhân dân, thái độ nghiêm khắc đấu tranh của nhân dân mà lu loa lên là kẻ xấu kích động. Không ai kích động được nhân dân đâu. Đừng sợ. Điều nguy hiểm và đáng sợ nhất là tự nhân dân thấy cần phải phản kháng. Nhân dân Việt quý trọng độc lập, quý trọng đất nước, lòng tự trọng cao lắm, thái độ tự tôn dân tộc cao lắm, chẳng có thế lực xấu nào dắt mũi được đâu. Nếu một nhóm nào đó chạy theo thế lực chống đối thì đó là một bộ phận nhân dân phản bội, không thể là toàn nhân dân Việt, chắc chắn như thế.
NHÂN DÂN, hai tiếng cao cả, thiêng liêng, trong trẻo này phải trở thành một biểu tượng cháy sáng trong tâm khảm của mỗi người, tôi và anh, chúng ta vừa là công bộc phục vụ nhân dân, nhưng chúng ta cũng chính là một nhân dân bé nhỏ trong NHÂN DÂN vĩ đại, đừng quên điều đó, phải sống, hành động, xử sự cho tử tế.
_____________________________
Nhật ký Trưởng thôn Khoai lang


XEM