Thứ Tư, 15 tháng 2, 2012

Cho những ai đã tin vào kết luận của TT về Tiên Lãng

Tiên Lãng - Giơ cao đánh khẽ? Thanh Quang, phóng viên RFA 2012-02-14

Theo lời nhà thơ Khuất Đẩu, “trong tiết xuân mát mẻ, ngòi nổ Tiên Lãng được ngài thủ tướng tháo gỡ bằng thủ thuật có thể gọi là lành nghề nếu không muốn nói là “cao tay ấn” khiến “các quan đầu tỉnh, đầu huyện, đầu xã trước đó hung hăng là thế đã phải cúi đầu nhận tội…”.

Photo courtesy of dantri.com
Chiều 14/2, Luật sư Nguyễn Việt Hùng - Trưởng văn phòng luật sư Kinh đô - có mặt trước cổng Trại tạm giam Công an TP Hải Phòng trước khi vào tiếp xúc với bị can Đoàn Văn Vươn trong trại tạm giam.

Đình chỉ công tác... 15 ngày!

Nhưng, qua bài tựa đề “Tuyệt Vọng”, tác giả Khuất Đẩu lưu ý công luận rằng các quan tham ấy “nhận tội trước thủ tướng chứ không phải trước nhân dân”, và các quan đầu huyện như chủ tịch Lê Văn Liêm, phó chủ tịch Nguyễn Văn Khanh bị tạm đình chỉ công tác chứ không bị cách chức. Nhà thơ Khuất Đẩu nhận xét:
"Sự thật thì các ngài vẫn còn nằm trong cái boongke thường vụ mà những phát súng hoa cải chỉ là gãi ngứa. Ngài đại tá Đỗ Hữu Ca vẫn được đứng ra tổ chức điều tra làm rõ tội trạng từng người, nhất là tội giết người của anh em nhà họ Đoàn, sau khi chính ngài đã tổ chức hợp đồng tác chiến bằng ba mũi giáp công hay đến nỗi có thể viết thành sách.
Phó đầu tỉnh Đỗ Trung Thoại, người đã từng làm công luận nóng lên khi đổ vấy cho dân phá nhà ông Vươn, giờ được cử làm tổ phó triển khai kết luận của thủ tướng. Đầu xã Hiền vẫn còn đó và anh lái máy ủi khôn hồn thì đi xứ khác mà làm ăn chứ đừng có bép xép với bọn nhà báo hay dại dột ra trước tòa làm chứng. Thế thì sẽ không có chuyện anh Vươn và “đồng bọn” được miễn tố vì những cái sai không chối cãi của chính quyền Tiên Lãng đã đẩy người dân đến bước đường cùng."
Đề cập tới phía nạn nhân Đoàn Văn Vươn cùng thân nhân đang bị giam cầm, tra tấn và truy tố về tội gọi là “giết người”, tác giả Khuất Đẩu báo động:
"Cái tội “giết người” đã được chính thủ tướng tuyên án rành rọt, tuy có nói sẽ xem xét giảm nhẹ; có nghĩa rằng nếu không bị bắn bỏ hay chung thân khổ sai thì ít ra cũng 20 năm tù và 10 năm quản chế...Vậy là thôi, mọi sự lại chìm sâu dưới đáy đầm như đứa con gái 8 tuổi tội nghiệp của anh. Đừng có mà mơ khi được trở về, anh sẽ được nhân dân đón chào như một anh hùng chống tham nhũng. Nằm trong tù anh sẽ phải nghiền ngẫm cái chữ “nhẫn” mà thấm thía hiểu ra rằng muốn được sống yên với vợ con thì nhất thiết phải thêm một chữ “nhục”. Có nghĩa anh không phải là con giun để được quyền “xéo lắm cũng quằn”…"
Phó đầu tỉnh Đỗ Trung Thoại, người đã từng làm công luận nóng lên khi đổ vấy cho dân phá nhà ông Vươn, giờ được cử làm tổ phó triển khai kết luận của thủ tướng.
Nhà thơ Khuất Đẩu
Qua bài “Niềm vui Tiên Lãng chẳng tày một gang”, được blog Dân Làm Báo và nhiều mạng nhật ký khác phổ biến, tác giả Nhan Quốc Hùng nhận thấy chưa đầy một ngày sau khi “khắp nơi hân hoan, nhiều người vui mừng và kỳ vọng vào kết luận của thủ tướng chính phủ”, thì “cách hành xử ở Hải Phòng làm nhiều người bật ngửa” - từ chuyện ông Đỗ Trung Thoại, Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng vẫn nằm trong nhóm chỉ đạo tổ triển khai kết luận của Thủ tướng Dũng cho tới các quan huyện Hiền và Khanh bị đình chỉ công tác chỉ có 15 ngày. Theo tác giả thì cách hành xử của giới cầm quyền ở Hải Phòng cho dư luận thấy rằng “căn bệnh trên bảo dưới không nghe là trầm kha và là ung thư giai đoạn cuối”. Tác giả Nhan Quốc Hùng lưu ý:
"Phái đoàn từ thành phố Hải Phòng xuống huyện Tiên Lãng làm việc chỉ có 15 phút chớp nhoáng từ 18 giờ 30 phút, đến 18 giờ 45 thì về Hải Phòng ngay. Hải Phòng đã biến kết luận của thủ tướng chính phủ thành trò cười. Hải Phòng đã đùa giỡn với nỗi đau của người dân oan bị cướp đất phá nhà. Từng là một dân oan như ông Đoàn Văn Vươn, như gần 40 dân oan ở Tiên Lãng và hàng trăm nghìn dân oan khác trên 63 tỉnh thành cả nước, chúng tôi hiểu khoảng cách giữa một quyết định của chính phủ, của thủ tướng, của Tòa án Tối cao, của Viện kiểm sát nhân dân tối cao đến các cơ quan địa phương nó mênh mông lắm. Có khi phép vua thua xa lệ làng."

Xoa dịu nhân dân

Sau khi ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ra sức “tháo ngòi nổ Tiên Lãng”, thì blogger Bùi Tín nhận xét rằng hành động quá tàn ác và thâm độc của một chính quyền đội lốt nhân dân đã buộc ông Dũng vào cuộc. Nhưng ông Dũng “vào cuộc” như thế nào ? Blogger Bùi Tín cho biết:
"Nhiều ý kiến cho rằng thủ tướng đã xoa dịu được phần nào dư luận xã hội đang phẫn nộ cao độ, nhưng lẽ ra một thủ tướng có trách nhiệm và bản lĩnh có thể giải quyết rốt ráo hơn nhiều. Cho đến nay những quan chức phạm sai lầm lớn trong vụ án này chưa một ai bị truy tố hay tạm giam cả, cũng chưa một ai bị mất chức cả. Thế là thế nào? Cũng chưa ai kết luận rõ về trách nhiệm của cấp chính quyền thành phố. Như vậy cũng vẫn chỉ là giơ cao đánh khẽ. Kiểu đều là anh em trong nhà ta cả thôi mà. Sau vài ba tháng ngồi kiểm điểm và tỏ ra “hối hận, đáng tiếc, xin thành khẩn chịu trách nhiệm với trên và với nhân dân “ … thì mọi sự sẽ vui vẻ cả. Còn tài sản anh Vươn và bà con ta thì đừng có mong gì có ai bồi thường. Họ chia chác tiêu tan hết cả rồi. Cái tài chùi mép sau khi nuốt chửng thì quan chức ta có thể mở lớp dạy cho toàn thế giới tham nhũng."
Qua bài “ Không phải là nhà nước pháp quyền”, LS Hà Huy Sơn bày tỏ quan ngại rằng việc công an TP Hải Phòng điều tra vụ Tiên Lãng như vậy là không bảo đảm tính khách quan, công bằng. Và LS Sơn hình dung ra rằng nếu không chạy thoát trong biến cố hôm mùng 5 tháng Giêng rồi, thì “khả năng anh em nhà ông Vươn bị giết là rất cao” qua nhiều bằng chứng từ hiện trường, video clip cho tới nhân chứng. Đó là chưa kể blogger Cu Vinh lưu ý rằng “Trong các lần trả lời báo chí, đại tá công an Đỗ Hữu Ca nói còn có ý định xả súng bắn chết kẻ chống đối”. Như vậy, theo LS Hà Huy Sơn, “nay anh em ông Đoàn Văn Vươn lại do công an Hải Phòng điều tra là hết sức phi lý”.
Bài “Đoàn Văn Vươn đáng được xét xử trong nhân ái, khoan dung” của tác giả Hoàng Thanh Trúc lập luận rằng “ Nếu người ta chống lại một hành vi trái pháp luật thì đó không phải là chống lại người thi hành công vụ, mà người ta bảo vệ lợi ích hợp pháp của chính mình”. Tác giả nêu lên nghi vấn rằng:
"…để vầng Thái Dương chân lý ấy thành ánh bình minh rực rỡ huy hoàng soi rọi sự quan minh chính trực lên cán cân “công lý” thay cho cán “Búa Liềm” mang lại sự công bằng trong tình người, nhân ái, bao dung đối với một phận người : ông Đoàn Văn Vươn, một can phạm “ Bất Đắc Dĩ ” vì tự cứu mình mà phải gánh lấy tội danh “Giết Người”, thì liệu bị can Vươn có vượt qua nổi cái vành móng ngựa đặt trước một cung đường lắm lối ngang ngõ tắt, tranh tối tranh sáng, mang cái tên “pháp chế XHCN”?...
Bởi đi cùng trời cuối đất chắc khó có một nền Tư Pháp văn minh dân chủ nào lại cho phép một cơ quan điều tra tố tụng tiến hành điều tra một vụ việc mà chính cơ quan và người chỉ huy cao cấp nhất của cơ quan ấy có liên quan trực tiếp đến nội vụ của cuộc điều tra , mà vị chỉ huy này lại chưa bị bắt giữ hay cách ly để có một khoản cách độc lập cho bộ phận điều tra."
Cho đến nay những quan chức phạm sai lầm lớn trong vụ án này chưa một ai bị truy tố hay tạm giam cả, cũng chưa một ai bị mất chức cả. Thế là thế nào?
Blogger Bùi Tín
Khi đề cập tới “Thẩm quyền, quyền lực và Tiên Lãng”, nhà dân chủ Phạm Hồng Sơn nhận định rằng “Rất có thể những người có quyền lực hiện nay trong hệ thống chính trị của Việt Nam đang toan tính cách xử lý vụ Tiên Lãng theo chiều hướng vỗ về dư luận – đã bùng và sôi lên từ hơn một tháng qua. Nhưng nếu vấn đề thẩm quyền (authority) và quyền lực (power) không được làm rõ hay không được làm rõ thêm thì cái được cho xã hội sau vụ việc lịch sử này vẫn chả có gì là bền vững hoặc nếu có thì cũng không đáng là bao”.
Trong khi đó blogger Huỳnh Ngọc Chênh “ lại cảm nhận ngay một sự hụt hẫng lớn về tính hiệu quả của hệ thống pháp luật Việt Nam”. Nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh nêu lên câu hỏi:
"Trước những sai phạm thấy rõ của bè nhóm Lê Văn Hiền, nếu Thủ Tướng không ra tay thì cơ quan pháp luật nào xử lý được vụ này? Chẳng lẻ tất cả cứ để vậy nhìn cái ác hoành hành? Mà thực tế, hơn một tháng qua ở Tiên Lãng đã cho ta thấy điều đó. Cái sai phạm pháp luật, cái ác đang thắng thế và đang hoành hành. Ngoài phản ứng của dư luận và của các cán bộ cao cấp về hưu thì không thấy có một cơ quan nào có thẩm quyền đứng ra xử lý vụ việc để ngăn chặn cái ác...Và Thủ Tướng phải đi làm công việc của một quan tòa ư?"
Ý kiến của độc giả qua Blog Mẹ Nấm cũng khẳng định rằng “không thể tách rời việc khởi tố vụ án chống người thi hành công vụ và vụ cưỡng chế trái pháp luật tại Tiên Lãng đối với gia đình ông Đoàn Văn Vươn vì bản chất của một quyết định sai không thể đòi hỏi một sự phản ứng đúng với quy định pháp luật…Bởi vậy, nếu tách rời các sai phạm của chính quyền và hành động tự vệ chính đáng của gia đình ông Vươn thì đây là bằng chứng cụ thể nhất cho việc "làm lấy được, nói lấy oai" của những người đứng đầu nhà nước Việt Nam”.

Phép vua thua lệ làng?

images841163_IMG_0469-250.jpg
Bộ trưởng Vũ Đức Đam trả lời báo chí sau buổi họp báo. Photo courtesy of chinhphu.vn
Mặc dù lên tiếng hoan nghênh kết luận vừa rồi của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về biến cố Đoàn Văn Vươn, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước không quên lưu ý rằng “ Nhưng chỉ dừng lại như vậy thì chưa được mà phải kiểm điểm một cách nghiêm túc, triệt để. Nguyên nhân xảy ra vụ việc ấy ở đâu thì còn là nửa vời”. Tướng Nguyễn Quốc Thước cho biết thêm:
"Riêng tôi nghĩ rằng cơ quan chức năng cần xét lại cái tội của ông Vươn. Đó không phải là giết người mà là khi chống người thi hành công vụ gây ra thương vong. Tôi nghĩ giết người là không đúng. Đây là trong trường hợp bị áp bức, bị đè nén không còn cách nào khác mà bùng lên. Nếu sự việc này mà đưa ra tòa để xử anh Vươn bị một phần, thì người gây ra các vụ việc này phải chịu 2 – 3 phần. Như vậy mới công bằng."
Nhiều blogger khác cũng rất lo cho số phận của các nạn nhân vụ Tiên Lãng, chẳng hạn như blogger Nguyễn Trần Sâm. Qua bài “Không chống trả không phải là người”, tác giả Nguyễn Trần Sâm đặt trường hợp rằng “Nếu đó là việc làm của vài ba người nằm ngoài hệ thống chính quyền thì gia đình anh Vươn còn có hy vọng thắng được chúng để lấy lại tài sản đã mất. Đằng này, cả chính quyền huyện Tiên Lãng và một số kẻ ‘bảo kê’ ở cấp cao hơn đều chủ hại gia đình anh thì trong thời điểm đó những nạn nhân còn dám hy vọng gì không?”.
Tác giả nhấn mạnh tới hành động làm nhục gia đình anh Vươn của “những kẻ nhân danh nhà nước” khiến nỗi nhục oan khiên này “có thể đeo đẳng cả họ hàng trong nhiều thế hệ. Những nạn nhân sẽ bị vu cho những tội danh xấu xa nhất mà họ không bao giờ có thể minh oan”.
Cũng trong chiều hướng nhận định đó, blogger Tô Hải cho rằng “Tất cả sẽ chỉ là nửa vời thôi! 6 anh Ba Dũng cũng chẳng dám đi đến tận cùng của vấn đề này đâu! Vì tận cùng của nó phải là chuyện ‘Vì sao đất đai của nông dân lại biến thành của tập thể’ mà đã là ‘tập thể’ thì anh Ba đâu có dám ‘đơn thương’ thi hành kỷ luật ai, vì các cấp Thành Ủy như anh Đại Tá Ca cũng thuộc diện quản lý của Ban Bí Thư, Bộ Chính Trị chứ đâu phải của Thủ Tướng!”.
Đây là trong trường hợp bị áp bức, bị đè nén không còn cách nào khác mà bùng lên. Nếu sự việc này mà đưa ra tòa để xử anh Vươn bị một phần, thì người gây ra các vụ việc này phải chịu 2 – 3 phần.
Tướng Nguyễn Quốc Thước
Số phận đen đủi trong bước đường cùng của dân oan Đoàn Văn Vươn và gia đình khiến nhà thơ Khuất Đẩu qua bài Tuyệt Vọng vừa nói có lẽ không còn cách nào khác hơn là phải thốt lên rằng “Không đến nỗi bị đem ra chợ mua bán như súc vật nhưng cái “chòi” mình đang ở, mảnh đất mình đang sống có thể bị ép mua rẻ để bán đắt bất cứ lúc nào thì số phận của người nông dân nào có khác gì những nô lệ châu Phi 300 năm trước”. Theo tác giả thì “ tiếng súng của anh Đoàn Văn Vươn, vì thế, không phải đánh thức lương tâm của các quan tham, mà chỉ là cảnh báo để họ khôn ngoan hơn, kín đáo hơn, bớt lộ liễu trâng tráo một khi có ý đồ ‘sạch sành sanh vét cho đầy túi tham’ ”. Và nhà thơ Khuất Đẩu than rằng “Hỡi ơi, trời thì cao, đất thì dày! Trong yên lặng, tôi lắng nghe tiếng ca phát ra từ trong tăm tối của Trịnh Công Sơn:
Có điều gì gần như niềm tuyệt vọng
Rơi xuống đời
Rơi xuống trong tôi!” 

Phần âm thanh
Tải xuống âm thanh