Một chút hy vọng cho gia đình Đoàn Văn Vươn Nam Nguyên, phóng viên RFA 2012-02-24
Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Quý Ngọ: “Một khi dấu hiệu ở Hải Phòng không khách quan, Bộ Công an vào cuộc ngay… và chỉ có cách đó mới lấy lại niềm tin của nhân dân.”Lấy lại niềm tin nhân dân?
5 ngày sau khi Bí thư Thành ủy Hải Phòng Nguyễn Văn Thành thể hiện quan điểm trái với kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về vụ Tiên Lãng, ngày 22/2 Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Quý Ngọ đã trấn an trên báo chí: “Một khi dấu hiệu ở Hải Phòng không khách quan, Bộ Công an vào cuộc ngay… và chỉ có cách đó mới lấy lại niềm tin của nhân dân.”Thứ trưởng Phạm Quý Ngọ đã phát biểu như thế khi trả lời phỏng vấn nhà văn Nguyễn Quang Vinh, cộng tác viên báo Người Lao Động. Tuy vậy nội dung cuộc phỏng vấn đưa lên báo này ít chi tiết hơn và chậm hơn thông tin đăng trên TuầnVietnamNet và bản được phổ biến trên rất nhiều trang mạng xã hội.
Đây chính là những người có tội, đó là ‘thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng’. Như vậy theo tôi, không nên để cho Hải Phòng xử lý việc này, mà Trung ương phải vào cuộc.Thứ trưởng, Ủy viên Trung ương Đảng Trung tướng Phạm Quý Ngọ, là người được Bộ trưởng Bộ Công an chỉ định đặc trách theo dõi chỉ huy, xử lý vụ Tiên Lãng. Những phát biểu của tướng Ngọ có thể xem là phát ngôn chính thức của Bộ Công an về vấn đề Tiên Lãng.
Ô. Lê Hiếu Đằng
Chắc hẳn phải có chủ đích khi một đại diện của Bộ Công An trả lời phỏng vấn cho một blogger nổi tiếng là nhà văn Nguyễn Quang Vinh, người chủ blog Cu Vinh trang mạng đạt con số 2 triệu người truy cập, do là nguồn thông tin phát hiện và theo dõi vụ Tiên Lãng ngay từ ban đầu. Các nhà báo nói với chúng tôi là Tướng Ngọ đã chọn đúng người đúng địa chỉ để trả lời phỏng vấn trấn an dư luận, sau cú sốc bí thư Thành ủy Hải Phòng xem thường kết luận của Thủ tướng.
Trong cuộc phỏng vấn do nhà văn Nguyễn Quang Vinh thực hiện, Thứ trưởng Phạm Quý Ngọ tiết lộ một số thông tin nóng, theo đó ông thay mặt Bộ Công an sớm tổ chức một cuộc họp do Bộ chủ trì, thành phần tham dự gồm Sở Công an thành phố Hải Phòng, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng và các cơ quan nội chính Trung ương. Mục đích cuộc họp là để rà soát lại toàn bộ vụ việc, cả vụ án đã khởi tố về hủy hoại tài sản của gia đình Đòan Văn Vươn, xem xét chứng cứ để khởi tố vụ án cố ý làm trái các qui định nhà nước của các cán bộ Hải Phòng, Tiên Lãng. Theo lời Tướng Ngọ Bộ Công an cũng đặt cả vấn đề xem xét lại tội danh cho Đoàn Văn Vươn và những người trong gia đình.
Thứ trưởng Phạm Quý Ngọ nhìn nhận dư luận bức xúc vì khởi tố vụ án hủy hoại tài sản của gia đình Đoàn Văn Vươn mà lại chưa khởi tố bị can, sự việc này là chậm và ẩn chứa tính không khách quan trong vụ việc. Bộ Công an cũng sẽ nghe báo cáo, giám sát, kiểm tra kỹ, nếu Hải Phòng không nghiêm túc thì kiến nghị đưa toàn bộ các vụ án đã khởi tố lên Bộ để xử lý ngay, bảo đảm khách quan, minh bạch, thấu tình đạt lý, đúng người đúng tội.
Trước đó hàng loạt ý kiến của cựu lãnh đạo, chuyên gia, trí thức và người dân đều bày tỏ sự mong muốn chính quyền Trung ương vào cuộc vì không thể để chính những người gây ra oan sai đứng ra xét xử oan sai. Chúng tôi xin trích ý kiến Luật gia Lê Hiếu Đằng nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc TP.HCM khi ông trả lời Đài ACTD:
Thẩm phán đã từng xét xử vụ án một cách oan sai, thì không được phân công xét xử trong vụ này; những người từng dính líu vào vụ việc này thì không được tiến hành điều tra.“Vấn đề ở chỗ là bản thân Hải Phòng, từ xã, Huyện tới Thành Phố những người đã gây ra việc này, như tôi đã nói nhiều lần đây chính là những người có tội, đó là ‘thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng’. Như vậy theo tôi, không nên để cho Hải Phòng xử lý việc này, mà Trung ương phải vào cuộc. Trung ương đây kể cả ông Tổng Bí thư Đảng là ông Nguyễn Phú Trọng. Bởi vì qua Nghị quyết 4 ban chấp hành trung ương lần thứ 11 ông Trong nói rất quyết liệt, ngươi dân nghe nói cũng mừng, sẽ làm trong sạch, sẽ chống tiêu cực, chống tham nhũng.”
LS Lê Đức Tiết
Trung ương phải vào cuộc
Cùng về vấn đề này LS Lê Đức Tiết, Phó chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Dân chủ và Pháp luật Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng phản ánh quan điểm là Trung ương phải vào cuộc đối với vụ oan sai Tiên Lãng. LS Lê Đức Tiết phát biểu với Đài Á Châu Tự Do:“Về nguyên tắc tòa án nước nào cũng thế thôi phải hết sức khách quan. Nếu người điều tra, thẩm phán đã từng xét xử vụ án một cách oan sai, thì nhất thiết những người đó không được phân công xét xử trong vụ này; những người từng dính líu vào vụ việc này thì không được tiến hành điều tra. Rất tiếc hiện nay ở Hải Phòng, những người điều tra lại là những người trong cuộc. Như thế trái với nguyên tắc khách quan trong tiến hành điều tra, xét xử vụ án.”
Sau khi Thủ tướng nguyễn Tấn Dũng có kết luận là chính quyền hoàn toàn sai trong vụ Tiên Lãng, dư luận phấn khởi được mấy ngày đầu. Nhưng sau thấy cách hành xử của chính quyền và Thành ủy Hải Phòng thì người ta bắt đầu nghi ngờ là lệnh Thủ tướng không nghiêm. Đến khi Bí thư Thành Ủy Hải Phòng Nguyễn Văn Thành bị la ó trong buổi nói chuyện tại Câu lạc bộ Bạch Đằng hôm 17/2 thì dư luận lại nóng bỏng trở lại.
Ông Bí thư Thành ủy đã nói ngược lại kết luận hôm 10/2 của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, đặc biệt ông Thành còn cho rằng Hải Phòng không có lỗi trong vụ Đoàn Văn Vươn và ông còn gây chiến với báo chí là ghép hình đưa thông tin sai. Vụ việc khiến cho ba vị lão thành cách mạng hội viên Câu lạc bộ Bạch Đằng phải gởi báo cáo kiến nghị lên các nhà lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Quốc hội.
Báo Người Lao Động bản tin trên mạng ngày 21/2 trích lời nguyên Chủ tịch Nước Lê Đức Anh nói rằng Trung ương cần có ý kiến đối với hành động của Bí thư Thành ủy Hải Phòng phát ngôn trái kết luận Thủ tướng. Theo Đại tướng Lê Đức Anh, chuyện thu hồi, cưỡng chế đất ở xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng không phải là chuyện ngày một ngày hai. Lãnh đạo TP Hải Phòng có trách nhiệm rất lớn và phải biết rõ vụ việc sai trái này, đã sai thì phải nhận chứ không thể đổ lỗi cho ai được.
Câu hỏi đặt ra là một viên chức cao cấp của Đảng, một Ủy viên Trung ương như Bí thư Thành ủy Hải Phòng đã dựa vào động cơ nào để bày tỏ công khai quan điểm ngược chiều với kết luận của Thủ tướng. Luật gia Lê Hiếu Đằng, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP.HCM phát biểu với Đài ACTD:
“Tôi cho rằng sở dĩ ông Thành dám nói những việc đó thì có hai khả năng. Một, như chúng ta biết ở Việt Nam có một tình trạng như chúng ta nói là “trên bảo dưới không nghe”, hoặc là coi thường những ý kiến cấp trên, xem cấp trên nói như vậy đó nhưng mà thật ra thì giữa lời nói và việc làm của cấp trên không đi đôi với nhau, thành ra chúng ta gọi là “lờn thuốc”, tức là cấp dưới người ta coi thường cấp trên và người ta không thực hiện những ý kiến, những kết luận của cấp trên. Đó là một khả năng.
Cũng có khả năng là phía sau ông Thành là một thế lực nào đó bao che ông ta, thì ông ta mới dám đi ngược lại kết luận của Thủ Tướng. Tôi nghĩ khả năng này có nhiều.
Ô. Lê Hiếu Đằng
Nhưng cũng có khả năng thứ hai, đó là phía sau ông Thành là một thế lực nào đó bao che ông ta, thì ông ta mới dám đi ngược lại kết luận của Thủ Tướng. Tôi nghĩ khả năng này có nhiều. Nói thiệt, một bí thư thành ủy mà muốn cho mình được tiếp tục cái chức đó và lên cao hơn nữa thì nếu không có thế lực chống đỡ thì không dám hành động như vậy.”
Một trong những vấn đề dư luận quan tâm nhiều là vấn đề tội danh của ông Đoàn Văn Vươn Đoàn Văn Quí và các thành viên gia đình này. Rất nhiều luật gia đã lên tiếng với hy vọng nhà chức trách sẽ thay đổi tội danh giết người, chống người thi hành công vụ.
LS Lê Đức Tiết trong bài viết được VnExpress đưa lên mạng ngày 21/2 nhận định rằng, chỉ có thể buộc tội ông Vươn cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng. Theo đó, Thủ tướng đã khẳng định việc thu hồi đất và thực thi cưỡng chế với ông Đoàn Văn Vươn là trái pháp luật. Tiếp theo tòa án sẽ ra phán quyết về hành vi trái luật của các quan chức thực thi lệnh thu hồi đất và cưỡng chế. Nếu tòa án xác định là thu hồi đất và cưỡng chế là trái luật, thì sẽ không có cơ sở pháp luật để buộc tội gia đình Đoàn Văn Vươn phạm tội chống người thi hành công vụ. LS Tiết nhấn mạnh, những hành vi sử dụng quyền lực công trái pháp luật không thể gọi là công vụ được. Buộc tội chống lại cái không tồn tại trong thực tế là điều phi lý.
Thưa quí thính giả, Có thể thấy vụ Tiên Lãng bị đẩy lên một cao trào mới, với những lời phát ngôn kiểu không sợ ai của ông Nguyễn Văn Thành Bí thư Thành Ủy Hải Phòng. Việc Thứ trưởng Bộ Công An trả lời phỏng vấn khẳng định không để vụ Tiên Lãng chìm xuồng, được nhiều người cho là để làm giảm bớt những bất bình mới của dân chúng.
Phần âm thanh | |
Tải xuống âm thanh |
- TỪ “THẰNG VƯƠN” ĐẾN “GUC-GỜ CHẤM TIÊN LÃNG”
- VÌ SAO Ở VIỆT NAM “QUAN” XẤU KHÔNG TỪ CHỨC?
- TIÊN LÃNG HUYỆN SỬ DIỄN CA
- Tâm lý không bị trừng phạt
- Chiều mưa Tiên Lãng… anh đi về đâu?
- Đời tư ông Putin : Một bí mật quốc gia tại Nga
- Tôi có nên hành động như Đoàn văn Vươn?
- HẢI PHÒNG ĐÃ CÁT CỨ QUYỀN LỰC, TRUNG ƯƠNG CẦN RÚT LÊN ĐỂ...
- Guk gồ chấm lòe