Thứ Năm, 9 tháng 2, 2012

Vụ Tiên Lãng, Hải Phòng : Thời cơ để lấy lại lòng tin của người dân


Người dân xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng ở gần khu đầm bị cưỡng chế của ông Đoàn Văn Vươn. Ảnh chụp ngày 10/01/2012.
Người dân xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng ở gần khu đầm bị cưỡng chế của ông Đoàn Văn Vươn. Ảnh chụp ngày 10/01/2012.
REUTERS/Stringer
Thụy My
Dư luận cho rằng người nông dân cần cù Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng, Hải Phòng đã đi vào lịch sử một cách bất đắc dĩ, khi qua sự kiện này có thể chính phủ Việt Nam sẽ phải cân nhắc lại toàn bộ chính sách đất đai. Theo ông Lê Hiếu Đằng, nếu chính quyền Việt Nam xử lý một cách công minh, thì đây sẽ là thời cơ để lấy lại lòng tin của người dân. Ông cũng cho rằng Đảng sẽ phải chịu trách nhiệm trước lịch sử, trước dân tộc nếu không giải quyết được tình trạng cán bộ thối nát.

Như RFI đã đưa tin, hôm qua 07/02/2012 Thành ủy Hải Phòng đã họp báo cho biết kết luận bước đầu của vụ cưỡng chế gia đình ông Đoàn Văn Vươn ở xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, tỉnh Hải Phòng. Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Thành đã thông báo việc kỷ luật hàng loạt lãnh đạo của huyện và xã. Cụ thể là chủ tịch và phó chủ tịch huyện bị đình chỉ công tác, trưởng công an huyện, bí thư đảng ủy và chủ tịch xã bị kiểm điểm.
Về việc có nên huy động quân đội vào việc cưỡng chế đất đai của người dân hay không, ông Nguyễn Văn Thành cho biết Đoàn thanh tra của chính phủ đang xem xét đúng sai. Còn việc giao đất của huyện Tiên Lãng có đúng theo Luật đất đai hay không, thì Bộ Tài nguyên Môi trường cũng đang kiểm tra.
Cuộc họp báo có đến 50 báo đài của Việt Nam tham dự, chứng tỏ sự chú ý của công luận về vụ này. Tuy nhiên do cuộc họp báo này chỉ kéo dài một tiếng đồng hồ, nên nhiều câu hỏi của các phóng viên chưa được trả lời thỏa đáng.
Trên internet hôm nay, khi gõ từ khóa « Tiên Lãng, Hải Phòng » vào Google chúng tôi đã có được ba triệu rưỡi kết quả chỉ trong vòng 0,17 giây. Báo chí trong nước cho biết hôm nay công an thành phố Hải Phòng đã tổ chức khám nghiệm hiện trường nơi ngôi nhà ông Vươn đã bị san bằng, và khởi tố vụ án cố ý hủy hoại tài sản của gia đình ông. Cơ quan công tố cũng đang xem xét lại bản án sơ thẩm đối với quyết định thu hồi đất của Ủy ban Nhân dân huyện Tiên Lãng.
Dư luận tuy tạm hài lòng nhưng vẫn tiếp tục lên tiếng vì cho rằng vẫn còn nhiều viên chức địa phương có những việc làm hay phát biểu sai trái trong vụ này vẫn chưa bị xử lý. Trả lời phỏng vấn của chúng tôi ở phần trên, ông Nguyễn Đăng Quang, nguyên là đại tá công an cũng cho biết lý do khiến ông đã kiến nghị Bộ Công an trực tiếp điều tra vụ ông Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng, vì giám đốc công an Hải Phòng tỏ ra không khách quan và thiếu trách nhiệm nên không thể giao cho địa phương.
Đối với luật gia Lê Hiếu Đằng, nguyên Phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh, thì trước sức ép của dư luận Hải Phòng đã buộc lòng phải xoa dịu, chứ chưa thực sự nghiêm túc trong vấn đề này.
Tôi nghĩ có lẽ do sức ép của công luận nên Thành ủy Hải Phòng buộc lòng phải họp và ra quyết định để trấn an dư luận vì không thể im lặng được nữa, chứ không phải là một việc làm tự nguyện và có suy nghĩ từ một cơ quan lãnh đạo cao nhất của một thành phố như thành phố Hải Phòng. Hơn nữa là để chuẩn bị cho buổi làm việc với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, thì Thành ủy Hải Phòng buộc phải có một số động thái như vậy để làm êm dịu tình hình.
Nhưng tôi cho rằng quyết định của Thành ủy Hải Phòng là chưa triệt để. Bởi vì không phải các quan chức của huyện Tiên Lãng dám đơn phương trong việc ông Vươn, mà đây tôi nghĩ là chủ trương đã được thông qua Ủy ban Nhân dân – ít nhất là Ủy ban Nhân dân Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng.

Trách nhiệm của thành phố rất nặng, chứ không phải chỉ ở huyện Tiên Lãng. Lẽ ra Thành ủy và Ủy ban Nhân dân Hải Phòng phải nghiêm khắc nhận lấy trách nhiệm về mình về những việc làm này, thấy được những thiếu sót của mình. Chứ không phải là hy sinh thuộc hạ để rồi mình vô can. Trong đó có những cá nhân rõ ràng là có vấn đề khi phát biểu với báo chí. Ví dụ như ông Đỗ Huy Thoại Phó chủ tịch chẳng hạn đã nói rằng vụ này là đúng pháp luật, rồi việc đập phá nhà ông Vươn là do dân đập phá, đổ thừa cho dân. Rồi ông đại tá Đỗ Hữu Ca, Giám đốc công an Hải Phòng, tôi cho là việc huy động cả trăm công an và quân đội để mà giải tỏa là chưa có tiền lệ ở Việt Nam. Bởi vì cả một lực lượng hùng hậu mà chỉ cưỡng chế vài người dân thì hết sức ác.
Quân đội không được làm việc đó ! Không thể sử dụng lực lượng quân đội để mà đi giải tỏa được, luật pháp không cho phép. Quân đội là để bảo vệ đất nước, huy động quân đội là một sai lầm. Tôi nghĩ đáng lẽ Bộ Quốc phòng rồi các lãnh đạo của lực lượng quân đội nhân dân Việt Nam phải lên tiếng trong việc này, để không tạo một tiền lệ nguy hiểm, là những chính quyền địa phương dùng quân đội để đi trấn áp người dân trong việc giải tỏa để lấy lại đất đai, làm cho mâu thuẫn giữa người dân và quân đội ngày càng sâu sắc hơn.
RFI : Như vậy theo ông việc cưỡng chế vừa không đúng luật lại xảy ra trong thời điểm ngay trước Tết, tức là vừa không có tình vừa sai về lý phải không ?
Lê Hiếu Đằng : Đúng rồi. Tức là một việc làm hết sức bất nhân, hay nói cách khác là vô nhân đạo. Bởi vì đó là một người dân, mà anh hành xử như vậy thì trong tương lai sẽ có những việc khác hành xử như thế nào. Do đó mà trái với cái bản chất mà chúng ta thường hay nói : chính quyền của dân, do dân và vì dân.
Vì vậy tôi nghĩ rằng sắp tới trong làm việc thì Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cần phải thấy rõ điều này. Hơn ai hết, chính mấy ông bà ở Hải Phòng, ở Tiên Lãng là người đã phá hoại thanh danh, uy tín của Nhà nước Việt Nam. Và hậu quả vô hình của việc này là làm mất lòng tin của người dân. Thành ra có thể kết tội là thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Bởi vì cái hậu quả này còn hơn cả hậu quả về tiền bạc, về vật chất nữa. Hậu quả gây ra là uy tín của Nhà nước, của Đảng mất đi nghiêm trọng, và như vậy sẽ có tác hại về lâu về dài.
Do đó bây giờ người dân đang chờ thái độ xử lý kiên quyết, nghiêm khắc của Thủ tướng chính phủ, kể cả đối với cấp ủy và Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng. Để nêu gương, để làm cho những quan chức sau này có trách nhiệm hơn trước một quyết định hại đến các quyền và lợi ích của người dân như trường hợp của ông Đoàn Văn Vươn. Chứ nếu xử lý cách nào nhẹ tay, thì tạo ra một tiền lệ hết sức nguy hiểm, như tôi đã nói, là còn nhiều vụ như ông Đoàn Văn Vươn sẽ xảy ra.
RFI : Thưa ông, việc một người dân chống lại đoàn cưỡng chế của nhà nước nhưng lại được đông đảo người dân trong cả nước ủng hộ, kể cả số tiền gởi về giúp gia đình ông Vươn cũng khá lớn, có lẽ chính quyền qua đó cũng thấy rõ dư luận đứng về phía nào…
Lê Hiếu Đằng : Nói thẳng ra là dân người ta ủng hộ việc làm của ông Vươn mặc dù trái luật pháp. Vì sao người ta ủng hộ ? Vì người ta thấy rằng ông Vươn đã bị hiếp đáp, bị dồn vào chân tường, và phản ứng tự vệ của ông Vươn là như vậy, vì uất ức quá phải làm. Đây là một việc làm mà chính quyền phải suy nghĩ. Đẩy người dân vào cái tình trạng đó chính là trách nhiệm của chính quyền, của những người đã gây nên sai trái đó.
Tôi nghĩ đối với ông Đoàn Văn Vươn thì phải có những tình tiết giảm nhẹ. Như báo chí có nêu, nếu bây giờ kết luận rằng chính quyền Tiên Lãng, thậm chí thành phố Hải Phòng là sai trái, thì việc làm của ông Vươn là có lý, có cơ sở của nó. Như Ô Khảm ở Quảng Đông, Trung Quốc chẳng hạn, người dân đấu tranh làm chủ đến cả ba tháng trời, và bây giờ buộc lòng chính quyền Trung Quốc phải thừa nhận quyền của người dân, và cho việc làm đó là đúng, kể cả có bạo lực.
Thế thì ở Việt Nam trường hợp của ông Đoàn Văn Vươn cũng vậy. Chúng ta phải thấy rằng đó là một việc làm tuy trái với luật pháp nhưng phải tính đến trong hoàn cảnh khách quan nào đã đẩy người ta đến hành động như vậy, để mà xem xét giải quyết. Chứ không thể nói truy tố tội giết người –đây hoàn toàn không phải là tội giết người, mà là cách tự vệ của một người dân bị cô thế.
Mà tôi cho rằng cái tác dụng tích cực của vụ Đoàn Văn Vươn là thức tỉnh cho chính quyền, cho đảng Cộng sản Việt Nam thấy được tất cả sự thối nát, hiếp đáp dân chúng của các cấp chính quyền. Như tôi đã từng nói, nếu mà xử lý nặng tay với ông Vươn và nhẹ tay đối với những người đã gây ra vụ việc này, thì người dân không còn tin tưởng gì về nghị quyết trung ương 4, không tin lời nói và việc làm của các vị lãnh đạo có thể đi đôi với nhau. Và đó là nguy cơ bất ổn định về mặt chính trị. Nếu nói là có tội gây hậu quả nghiêm trọng, thì chính là chính quyền huyện Tiên Lãng và chính quyền thành phố chứ không phải là ông Vươn.

RFI : Nhưng việc chính quyền cấp trên vào cuộc trễ như vậy có lẽ là do khiếu kiện về đất đai hiện nay quá nhiều, nên sợ phải giải quyết luôn những vụ khác. Và có lẽ chính quyền cũng sợ sẽ có những vụ chống lại người thi hành lệnh cưỡng chế như vậy.
Lê Hiếu Đằng : Thật ra không phải như vậy bởi vì đây là một vụ việc cụ thể xảy ra lần đầu tiên trong cả nước Việt Nam : chính quyền huy động cả trăm quân. Rồi việc chống trả bằng vũ khí, mặc dầu đó chỉ là đạn hoa cải để tự vệ, không phải là vũ khí hạng nặng - nó khác với những vụ việc khác.
Nếu nói rằng sợ lây lan sang những vụ việc khác, thì tôi cho rằng sẽ lây lan theo góc độ này. Là nếu xử lý nhẹ tay đối với những người có trách nhiệm gây ra vụ này, tức là chính quyền huyện Tiên Lãng, chính quyền Hải Phòng, thì người dân sẽ phẫn uất, và sẽ có nhiều vụ như ông Đoàn Văn Vươn diễn ra trong cả nước.
Bởi vì như chúng ta biết, vấn đề giải tỏa đền bù với giá rẻ mạt - mà tôi nhớ trong một buổi làm việc ở quận 9 của anh Hồ Hữu Nhựt, nguyên Thứ trưởng chính phủ cách mạng lâm thời miền nam Việt Nam, anh nói coi như là cướp đất luôn. Thì rõ ràng nó sẽ lây lan ra, và đó là điều nguy hiểm nhất cho sự ổn định. Như tôi đã nói lần trước, là không có kẻ xấu hay diễn biến hòa bình nào hết, mà chính những quan chức chính quyền như ở Tiên Lãng, Hải Phòng là người gây ra hậu quả như vậy.
RFI : Và cũng như ông có nói lần trước, cái nguồn gốc sâu xa vẫn là chần chừ không muốn giao quyền sở hữu đất đai cho người nông dân, thành ra còn phải nghĩ đến việc sửa đổi lại Hiến pháp ?
Lê Hiếu Đằng : Nguyên nhân gốc là không thừa nhận quyền sở hữu ruộng đất cho người dân cũng như người nông dân. Thành ra đó là một kẽ hở. Nói ruộng đất là sở hữu toàn dân, sở hữu nhà nước, do đó giao vào tay một số quan chức. Mà đã nói sở hữu toàn dân, sở hữu nhà nước thì có thể lấy lại lúc nào cũng được.
Vì vậy hiện nay khuynh hướng chung qua các góp ý sửa đổi Hiến pháp mà chúng tôi có tham gia, thì nhiều người đã đề nghị phải công nhận quyền sở hữu ruộng đất cho người dân. Còn nếu trong hoàn cảnh chưa giải quyết được vấn đề này, thì thời hạn cho thuê đất phải là 50 năm, 70 năm thậm chí là 100 năm, để người dân yên tâm đầu tư công sức, trí tuệ, tiền bạc vào đây. Chứ còn nếu 15 năm, 20 năm là quá ngắn, và đây chính là động lực để phát triển sản xuất. Tôi cho rằng lý tưởng nhất, công bằng nhất và cũng rất hợp với xu thế trên thế giới hiện nay, là phải công nhận quyền sở hữu ruộng đất cho người dân.
RFI : Hình như đây là lần đầu tiên Thủ tướng phải giải quyết một việc cụ thể như thế này phải không thưa ông ?
Lê Hiếu Đằng : Đúng, đây là lần đầu tiên Thủ tướng phải đứng ra chủ trì giải quyết một vụ việc cụ thể, vì mức độ nghiêm trọng của việc này. Nếu không giải quyết hoặc giải quyết không đúng mực, thì sẽ có ảnh hưởng lên toàn xã hội, ảnh hưởng đến lòng tin của người dân.
Chúng tôi hy vọng với tư cách vừa là Thủ tướng, vừa là Ủy viên Bộ Chính trị đảng Cộng sản Việt Nam, vừa là một đại biểu Quốc hội của thành phố Hải Phòng, thì Thủ tướng sẽ cân nhắc trong việc xử lý những sai phạm của huyện Tiên Lãng, của thành phố Hải Phòng để lấy lại niềm tin.
Có nhiều người gặp tôi nói như thế này : Đây là cái thời cơ để Đảng và Nhà nước lấy lại niềm tin nơi người dân. Trong một thời gian dài, niềm tin ấy đã bị mất, bị phai nhạt rất nhiều bởi những việc làm sai trái của các cấp chính quyền trong vấn đề ruộng đất, làm cho dân oan nhiều người kéo lên Thành phố Hồ Chí Minh rồi đi thẳng ra Hà Nội một thời gian dài để khiếu kiện.
Tôi nghĩ đây là một cái thời cơ để khôi phục lại lòng tin. Và tôi cho rằng điều quan trọng là, đây là cơ sở để đảng và chính phủ rà soát lại tất cả những vấn đề mà hiện nay dân khiếu kiện về ruộng đất, để giải quyết một cách đúng đắn, công bằng, hợp lý và đúng pháp luật. Và phải xác định trách nhiệm của địa phương, tức là của cấp ủy và chính quyền tỉnh, thành phố. Như vậy sẽ tạo được niềm tin cho người dân.

RFI
: Nhưng không chừng việc này cũng không dễ dàng dù là Thủ tướng vì « trên bảo dưới không nghe »…
Lê Hiếu Đằng : Về nguyên tắc, tất cả quan chức chính quyền từ cấp cơ sở cho đến quận huyện và thành phố đều là đảng viên cả. Mà như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói về việc thực hiện Nghị quyết Ban chấp hành Trung ương lần thứ 4 về vấn đề xây dựng đảng, nếu thực hiện một cách nghiêm túc vấn đề này, xem xét trách nhiệm của những cá nhân, chế độ trách nhiệm của người đứng đầu các ngành các bộ và địa phương, thì tôi cho rằng sẽ tạo một bước chuyển.
Mặc dù vấn đề không dễ, nhưng tôi nghĩ nó phụ thuộc vào quyết tâm chính trị của đảng, của chính phủ, nhà nước, và bên cạnh đó là hệ thống chính trị gồm Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể cũng phải vào cuộc, để bảo vệ những quyền và lợi ích chính đáng của người dân, mà trên thực tế đang bị xâm phạm – có nhiều lúc rất nặng nề. Mà người dân không nói lên được tiếng nói của mình, đành phải có những hành động như ông Đoàn Văn Vươn. Phải làm cho được việc đó. Nếu không thì hệ thống chính trị của chúng ta sẽ chỉ là hình thức – tồn tại nhưng mà người dân không cần tìm đến, người ta không còn tin tưởng nữa.
Và đây là một thử thách hết sức lớn đối với Đảng và Nhà nước trong tình hình hiện nay. Tôi nói thẳng là, có một câu thường nói : « Đảng là người tổ chức mọi cuộc đấu tranh thắng lợi », thì Đảng Cộng sản Việt Nam cũng phải chịu trách nhiệm trước tình hình một số cán bộ chính quyền, một số đảng viên thối nát, tham nhũng, gây những thiệt hại nghiêm trọng đối với người dân. Và đó là trách nhiệm trước lịch sử, trước dân tộc Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
Đảng phải gánh vác chứ không thể chối bỏ trách nhiệm của mình được. Không chỉ có thể nói chung chung là phê bình kiểm điểm, rồi kêu gọi đảng viên phải giác ngộ, phải tự phê bình. Mà phải có những biện pháp dựa vào pháp luật, vào phê bình, vào sự đấu tranh của người dân, và kỷ luật những người sai phạm. Tức là sửa « lỗi hệ thống » - cả một hệ thống như vậy phải sửa đổi lại, thì mới mong thoát ra khỏi những sai phạm như ở Tiên Lãng, Hải Phòng.
Ngày 10/2, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng sẽ họp báo về vụ Tiên Lãng. Hàng triệu người dân cả nước, kể cả dư luận ngoài nước đang nóng lòng chờ đợi cách giải quyết vụ này như thế nào. Trong số vô số các ý kiến của người dân được báo chí trong nước đăng tải, có người đã đặt câu hỏi : « Thành ủy Hải Phòng rút kinh nghiệm, thế thì ông Vươn liệu có được cơ hội « rút kinh nghiệm » một cách đơn giản như thế không ? ».
Ông Đoàn Văn Vươn đang phải ngồi tù hơn một tháng nay, không hề được tiếp xúc với bất cứ ai, từ thân nhân cho đến luật sư, cho dù ông bị khởi tố vì tội « giết người », một tội danh có khung hình phạt có thể lên đến tử hình, mà theo luật Tố tụng hình sự cần có luật sư tham gia hỗ trợ. Ông không hề biết được dư luận cả nước đã phản ứng mạnh mẽ như thế nào trước vụ án chưa từng xảy ra tại Việt Nam.
Người nông dân và là kỹ sư đã đổ bao nhiêu mồ hôi, công sức và tiền bạc để lấn biển, để tạo lập khu đầm thủy sản, đã bị đẩy vào đường cùng, buộc ông phải phản kháng. Hành động dũng cảm của ông có thể sẽ khiến chính phủ Việt Nam cân nhắc lại toàn bộ chính sách đất đai. Cái tên Đoàn Văn Vươn từ nay đã đi vào lịch sử một cách bất đắc dĩ, dù ông không hề muốn, như trong câu đối của Ngô Thời Nhiệm « Gặp thời thế, thế thời phải thế ».
RFI