Thứ Hai, 6 tháng 2, 2012

Đài Loan thiết lập hệ thống « không lưu chiến thuật » tại Trường Sa


Đảo Ba Bình / Trường Sa, Đài Loan chiếm giữ và gọi là đảo Thái Bình (nguồn: unc.edu)
Đảo Ba Bình / Trường Sa, Đài Loan chiếm giữ và gọi là đảo Thái Bình (nguồn: unc.edu)

Đài Loan củng cố hiện diện tại đảo Thái Bình mà Việt Nam gọi là Ba Bình tại Trường Sa. Một hệ thống kiểm soát không lưu sẽ được xây dựng tại đây  vào cuối tháng Hai này. Dự án này của Đài Bắc có thể gây thêm căng thẳng ở Biển Đông.

 Phát ngôn viên bộ quốc phòng Đài Loan David Lo hôm nay 06/02/2012 cho biết là « hệ thống không lưu chiến thuật » có mục đích giúp cho phi cơ cất cánh và hạ cánh tại đảo Thái Bình, hòn đảo lớn nhất trong quần đảo Trường Sa. Theo lời viên chức trên giải thích với AFP thì hệ thống không lưu chiến thuật không phải là « vũ khí » do vậy không đặt ra vấn đề đe dọa quân sự cho các nước khác trong vùng.

Hệ thống này cao 8 mét có nhiệm vụ phát tín hiệu thông báo vị trí của phi đạo để hướng dẫn máy bay đáp xuống đảo. Tại đảo Ba Bình mà Đài Loan đặt tên là Thái Bình, Đài Bắc đã xây một phi đạo dài 1.150 mét và đến giữa năm 2006 gia cố hệ thống phòng thủ mặc dù có sự phản đối của nhiều quốc gia trong vùng.
Phát ngôn viên bộ Quốc phòng Đài Loan không tiêt lộ chi tiết về dự án này nhưng nhật báo Tự do Thời báo Liberty Times của Đài Loan cho biết nhà thầu giành được hợp đồng sẽ khởi công vào cuối tháng Hai này và sẽ hoàn tất công trình trong hai tháng.
Đài kiểm soát không lưu sẽ là công trình kiến trúc quan trọng tại hòn đảo bằng phẳng này trong quần đảo Trường Sa.
Đài Bắc lấy dấu tay lao động nhập cư từ 4 nước Đông Nam Á
Kể từ ngày 01/03/2012, nhân công 4 quốc gia Đông Nam Á gồm Việt Nam, Thái Lan, Philippines và Indonesia xin đi lao động tại Đài Loan phải qua thủ tục mới chặt chẽ hơn để chống « gian lận ». Người lao động phải đến cơ quan đại diện của Đài Loan tại nước mình để in dấu tay thay vì làm thủ tục này một khi đã đến Đài Loan theo luật cũ.
Giới bảo vệ nhân quyền chỉ trích Đài Bắc có thái độ phân biệt đối xử với nhân công Việt Nam, Thái Lan, Philippines và Indonesia. Tuy nhiên giám đốc văn phòng lãnh sự vụ thuộc bộ ngoại giao cho rằng đây là biện pháp có thiện chí đối với những người muốn sang Đài Loan làm việc.
Mục đích thứ hai là tránh xảy ra tình trạng có nhiều nhân viên lao động Đông Nam Á sau khi hồi hương vì hết hợp đồng hoặc bị trục xuất đã sử dụng giấy tờ giả để trở qua Đài Loan.

Tú AnhRFI